Phát biểu khai mạc Hội thảo, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trần Quốc Thành khẳng định vai trò quan trọng của hội thảo trong việc xác minh nhiều tài liệu, thông tin liên quan đến Trường Tiểu học Pháp - Việt Vinh.
Cụ thể, xác minh về nguồn gốc, sự ra đời của Trường Tiểu học Pháp - Việt Vinh tại thành phố Vinh; vai trò của các danh nhân: Đào Tấn, Cao Xuân Dục, Lê Huy Viễn trong quá trình hình thành và phát triển của ngôi trường này; vai trò của Trường Tiểu học Pháp - Việt Vinh đối với nền tân học của Nghệ An và khu vực; vị trí, địa điểm nơi trường đóng.
Trên cơ sở đó xác minh lại các tư liệu lịch sử để làm rõ hơn có hay không Chủ tịch Hồ Chí Minh từng học tại đây để tạo tiền đề khẳng định giá trị lịch sử của trường nhằm tìm ra những đề xuất, kiến nghị các hình thức lưu niệm phù hợp cho di tích lịch sử này.
Trình bày tại hội thảo, ông Phạm Xuân Cần - nguyên Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An cung cấp các tài liệu liên quan đến nguồn gốc, vai trò của Trường Tiểu học Pháp - Việt Vinh. Theo đó, trước đây Trường Tiểu học Pháp - Việt đóng tại Vinh thường được gọi là Trường Tiểu học Pháp - Việt Cao Xuân Dục, hoặc Trường Tiểu học Cao Xuân Dục.
Căn cứ vào báo cáo khoa học “Những hoạt động yêu nước và cách mạng của thầy và trò Trường Cao Xuân Dục từ những năm đầu thế kỷ 20” của tác giả Trương Quế Phương, Trường Tiểu học Cao Xuân Dục được thành lập năm 1905 do danh nhân, họa sỹ, nhà giáo Lê Huy Miến sáng lập và Đốc học đầu tiên, danh sỹ Cao Xuân Dục là người bảo trợ và tài trợ cho trường.
Các biên niên tiểu sử và những nghiên cứu gần đây về Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định, Nguyễn Tất Thành và anh trai là Nguyễn Tất Đạt (Nguyễn Sinh Khiêm) đã theo học tại Trường Tiểu học Pháp - Việt Vinh ở Vinh từ khoảng tháng 9 năm 1905 đến tháng 5 năm 1906.
Thời điểm ấy, Nguyễn Tất Thành 15 tuổi và thời gian theo học tại trường này có một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc hình thành tri thức và nhân cách người thanh niên yêu nước. Cũng chính nơi đây, lần đầu tiên Nguyễn Tất Thành nhìn thấy dòng chữ “LIBERTÉ - ÉGALITÉ - FRATERNITÉ” (Tự do - Bình đẳng - Bác ái) để từng bước tìm hiểu và biết đến cuộc cách mạng Pháp năm 1789 và tìm ra những lý tưởng, mục tiêu cho mình.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng cung cấp nhiều cứ liệu bước đầu để nhận định Trường Tiểu học Pháp - Việt là cơ sở giáo dục đầu tiên theo tân học ở Nghệ Tĩnh, cùng với Trường Quốc học Vinh (Collège de Vinh) và các trường tư thục sau này. Ngôi trường này đã góp phần làm cho Vinh trở thành một trong những trung tâm giáo dục quan trọng nhất của khu vực Thanh - Nghệ - Tĩnh và Trung kỳ thời thuộc Pháp.
Trường Tiểu học Pháp - Việt Vinh cũng là nơi mà nhiều nhà cách mạng và nhân sĩ, trí thức tài danh của nước ta đã từng giảng dạy hoặc học tập. Trước hết, có hai Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng giảng dạy tại đây, đó là Trần Phú và Hà Huy Tập, ngoài ra có những nhà giáo, nhà cách mạng tên tuổi như Trần Mộng Bạch, Trần Văn Tăng, Bùi Văn Bình...
Bên cạnh đó hàng chục nhà cách mạng, nhà khoa học, nhân sỹ tên tuổi cũng đã từng học tập dưới mái trường này, như: Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai, Siêu Hải, Nguyễn Ngọc Ba, Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị Xuyến, Nguyễn Thị Nhuận, Trần Thị Liên, Nguyễn Tiềm, Chu Văn Biên, Hồ Mỹ Xuyên, Nguyễn Đức Dương, Phạm Khắc Hòe, Nguyễn Xiển, Hoàng Xuân Hãn, Đặng Thai Mai… Đó cũng là nơi ghi dấu ấn của danh sỹ Cao Xuân Dục và danh họa, nhà giáo Lê Huy Miến.
Đặc biệt, nơi đây, Nguyễn Tất Thành đã theo học suốt gần 1 năm học trong giai đoạn hết sức quan trọng của việc hình thành tri thức, nhân cách và chí hướng cách mạng của Người.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trần Quốc Thành đánh giá, các bài nghiên cứu, cứ liệu và những ý kiến phát biểu tại hội thảo có nhiều nội dung mới, sâu sắc, toàn diện và có giá trị cao. Đây là những căn cứ quan trọng để xác minh nguồn gốc, sự ra đời, vai trò, ý nghĩa của Trường Tiểu học Pháp - Việt Vinh và tìm ra những hình thức lưu niệm phù hợp cho di tích lịch sử này.