"DÌU NHAU" QUA MÙA DỊCH
bna_hang_loat_ki__ot_kinh_doanh_tren_duong_nvc9896933_572021.jpgHàng loạt ki-ốt kinh doanh trên đường Nguyễn Văn Cừ phải đóng cửa theo quy định phòng, chống dịch bệnh của thành phố Vinh. Ảnh: Thanh Phúc

Hơn 1 tháng nay, chị Nguyễn Hồng Vinh, chủ cơ sở kinh doanh thời trang tại đường Nguyễn Văn Cừ (phường Hưng Phúc, TP. Vinh) phải đóng cửa theo quy định phòng chống dịchcủa thành phố. Cửa hàng đóng, hoạt động buôn bán phải tạm ngừng đồng nghĩa với việc mất doanh thu.

Cảm thông và chia sẻ với khó khăn đó của người thuê ốt, chủ nhà là ông Nguyễn Văn Dương đã chủ động miễn 1 tháng tiền thuê ốt cho chị Vinh. “Dịch bệnh, khó khăn chung, họ đóng ốt cả tháng thì lấy đâu ra nguồn thu. Năm ngoái tôi cũng đã miễn đóng tiền ốt 1 tháng cho người thuê. Năm nay dịch phức tạp hơn, kéo dài hơn, tôi sẽ căn cứ vào thời gian nghỉ để hỗ trợ người thuê, đóng cửa ngày nào miễn tiền thuê ngày đó”, ông Dương cho biết.

Trước ảnh hưởng của dịch bệnh, rất nhiều ngành hàng kinh doanh lâm vào cảnh ế ẩm, tiểu thương gặp nhiều khó khăn, cần sự đồng hành, chia sẻ. Ảnh: Thanh Phúc

Trước sự đồng hành, chia sẻ đó của chủ nhà, chị Vinh rất phấn khởi. Bởi theo chị Vinh thì 2 năm qua, dịch bệnh nên buôn bán luôn trong tình trạng ế ẩm, nhất là từ đầu tháng 6 đến nay thì đóng cửa hoàn toàn. Tiền ốt được miễn giảm thì đỡ được đến 70% trong chi phí kinh doanh.

Nằm trong danh mục dịch vụ không thiết yếu, nên salon Tóc thời trang trên đường An Dương Vương của anh Dương Xuân Hùng cũng phải đóng cửa cả tháng nay và chưa biết khi nào mới được phép mở trở lại. “Đóng cửa nhân viên tạm nghỉ, điện nước không sử dụng nên không phải trả tiền, chỉ có tiền mặt bằng là vẫn phải đóng đều đều. Năm ngoái, chủ nhà đã giảm 50% tiền thuê nhà trong 3 tháng dịch, năm nay, tôi đã liên hệ để thỏa thuận với chủ nhà miễn, giảm tiền thuê mặt bằng”, anh Hùng cho biết.

Theo khảo sát, phần lớn các ki-ốt kinh doanh tại các tuyến phố đều kinh doanh các mặt hàng, dịch vụ thuộc danh mục không thiết yếu như: thời trang, giày dép, thẩm mỹ, spa, karaoke, quán nhậu, quán cà phê… do đó, khi dịch diễn biến phức tạp loại hình này đều phải đóng cửa. Kéo theo đó là không có doanh thu nhưng họ vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng để khi hết dịch quay trở lại kinh doanh.

Các dịch vụ cắt tóc, gội đầu, thẩm mỹ, spa đều buộc phải đóng cửa trong đợt dịch này. Ảnh: Thanh Phúc

Nhằm chia sẻ những khó khăn cùng chủ cửa hàng kinh doanh, hầu hết, các chủ nhà đều miễn hoặc giảm 50-70% tiền thuê ốt hàng tháng; giãn thời gian thu tiền nhà đến cuối năm, có nhiều hộ, trước đây thu tiền ốt trước 6 tháng - 1 năm thì nay chuyển sang thu 1 tháng. Với chi phí gồm đủ các khoản: tiền thuê mặt bằng, trả lương nhân viên, tiền điện, thuế các loại…, sự hỗ trợ đó đã giúp họ phần nào giảm được chi phí hàng tháng, trụ được qua thời gian khó khăn. 

Chính quyền các địa phương thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các hộ kinh doanh để có kiến nghị, đề xuất về việc miễn giảm thuế, giảm giá thuê mặt bằng. Ảnh: Thanh Phúc

Hiện các phường xã cũng đang có nhiều động thái nhằm hỗ trợ tiểu thương vượt qua khó khăn của dịch bệnh. Chẳng hạn như ở xã Hưng Lộc, theo thống kê, có 149 ki-ốt ở chợ Cọi và trên 250 cơ sở kinh doanh trên địa bàn phường phải đóng cửa. Trước thực trạng đó, UBND xã đã thống kê các hộ phải tạm dừng kinh doanh, đối với các hộ kinh doanh có đóng thuế thì kê khai, xác nhận để đề xuất miễn thuế; tuyên truyền, vận động các chủ nhà miễn, giảm tiền thuê ốt cho các tiểu thương.

Riêng đối với các hộ kinh doanh đóng phí tháng thì xã đề nghị BQL chợ hoàn trả phí trong những ngày mà các hộ phải đóng ốt… “Trước tình hình khó khăn chung, đây là cách mà các bên “dìu nhau” đi qua khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch bệnh”, ông Cao Văn Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Lộc cho biết.

CÂN NHẮC ĐỂ “ĐÔI BÊN CÙNG CÓ LỢI”
Kinh doanh ế ẩm, không trụ được áp lực về tài chính khi phải trang trải các chi phí kinh doanh, trong đó phần lớn là tiền thuê nhà, nhiều tiểu thương phải thanh lý cửa hàng, trả lại mặt bằng. Ảnh: Thanh Phúc

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chủ nhà không giảm, thậm chí khi người thuê trả lại mặt bằng đã cố tình gây khó dễ. Đã không ít tiểu thương chấp nhận mất một phần hoặc toàn bộ tiền đặt cọc; có những trường hợp người thuê đành chấp nhận mất không 1 năm tiền thuê mặt bằng đã đóng trước để đơn phương chấm dứt hợp đồng.  

Do đó, hai bên cần có sự thỏa thuận nhằm đảm bảo sự hợp tình, hợp lý, cùng nhau chia sẻ khó khăn trong mùa dịch. Bởi việc giảm giá, thậm chí miễn tiền thuê nhà trong thời gian xảy ra dịch bệnh ngoài sự hỗ trợ nhau trong lúc hoạn nạn thì còn là cơ hội để hai bên tiếp tục thực hiện hợp đồng.

Vì nếu hai bên không có tiếng nói chung, hợp đồng chấm dứt thì cả hai đều phải gánh chịu thiệt hại. Bên thuê đơn phương chấm dứt hợp đồng, chấp nhận mất cọc, mất một khoản tiền đầu tư sửa sang mặt bằng và ngược lại, bên cho thuê chưa chắc đã tìm được khách thuê ngay, còn phải chịu tốn thêm kinh phí bảo trì, vệ sinh, bảo vệ ki-ốt trong thời gian chờ người thuê.

Hiện nay, việc cho thuê mặt bằng cũng rất khó khăn vì rất ít người mở ốt kinh doanh vào thời điểm này. Ảnh: Thanh Phúc

Thực tế, hiện nay, hoạt động kinh doanh tạm thời bị đình trệ, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, khiến nhiều hộ kinh doanh không thể tiếp tục bám trụ, buộc phải trả lại mặt bằng, chuyển sang kinh doanh online hoặc chuyển về những địa điểm có giá thuê thấp hơn để giảm bớt gánh nặng tài chính. Do đó, nhiều mặt bằng kinh doanh trên những tuyến phố đắc địa cũng phải treo biển cho thuê mặt bằng hàng tháng trời, thậm chí cả nửa năm nay nhưng vẫn chưa có khách hỏi thuê...