(Baonghean) - Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước với dân số hơn 3 triệu người, thành phố Vinh là trung tâm thương mại của vùng Bắc Trung Bộ nên lượng hàng hoá tiêu thụ rất lớn. Có đường biên giới, đường biển, đường bộ, hàng không, đường sắt, Nghệ An là địa bàn “nóng” của các hoạt động buôn lậu, hàng giả, hàng cấm... 

Đánh giá của Ban chỉ đạo 389 của tỉnh cho thấy, thời gian qua, tình hình buôn bán vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, vùng biển cũng như trên thị trường nội địa nhìn chung không có biểu hiện phức tạp, các vụ việc vi phạm có giá trị không lớn. Việc vận chuyển, buôn bán trái phép, hàng lậu, hàng cấm như: Các chất ma tuý, vật liệu nổ, pháo nổ, gỗ, động vật hoang dã, xăng dầu, rượu, thuốc lá, ô tô, qua cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn vẫn diễn ra mức độ nhỏ lẻ và lén lút ở các khu vực cánh gà cửa khẩu và qua các đường mòn, lối mở trên tuyến biên giới Việt - Lào.

Ngoài ra các mặt hàng như: Nước tăng lực, hàng điện tử, điện lạnh, bánh kẹo, đường kính trắng, mỹ phẩm, chăn, chiếu dụng cụ gia đình của Thái Lan nhập lậu về Vinh qua cửa khẩu cầu treo Hà Tĩnh; các mặt hàng điện thoại di động, hàng văn phòng phẩm, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em, vải, quần áo may mặc sẵn, giày dép, phụ gia thực phẩm, thực phẩm chế biến, đông lạnh, giống cây trồng, vật nuôi của Trung Quốc nhập lậu qua cửa khẩu Quảng Ninh, Lạng Sơn về hoặc qua địa bàn Nghệ An vào các tỉnh phía Nam để tiêu thụ.

images1744188_bna_582889b7a1996.jpgRất nhiều đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ được thu giữ tại cơ quan quản lý thị trường tỉnh.

Theo cơ quan Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh, mặt hàng thường được làm giả như: Rượu, nước uống đóng chai, bánh kẹo; thực phẩm, bột ngọt; dầu gội đầu, mỹ phẩm, bột giặt, nước rửa chén, lau nhà, xả vải, nhãn mác, vỏ bao bì các loại...

Đặc biệt, các lực lượng đã tăng cường công tác kiểm tra thị trường, đảm bảo an toàn thực phẩm, vì thế, đã phát hiện, xử lý rất nhiều vụ việc vận chuyển gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hoá chất, nông sản không đảm bảo VSATTP. 

10 tháng đầu năm 2016, Ban chỉ đạo 389 tỉnh Nghệ An đã kiểm tra, xử lý 9.793 vụ; tổng giá trị thu phạt ước đạt gần 316 tỷ đồng. Trong đó, phạt hành chính gần 87 tỷ đồng; phạt và truy thu thuế hơn 151 tỷ đồng; trị giá hàng vi phạm ước tính hơn 77 tỷ đồng. Hàng hóa vi phạm gồm: Hàng cấm, hàng lậu, hàng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng giả, hàng quá hạn sử dụng.

Trong năm, các lực lượng công an, QLTT cùng với các ngành chức năng đã tổ chức kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các đối tượng có hành vi vi phạm sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng. Cụ thể: 490 thùng sơn các loại, 46 chai/can nước giặt, 770 chai nước rửa bát giả; 193.560 cái ke chống bão giả, 952 gói bột ngọt giả; 9.010 gói bột chiên giòn giả; 103,25 tấn phân bón giả; 1.152 gói mỹ phẩm giả; 9.743 chai/lon nước giải khát quá hạn sử dụng...

Các lực lượng công an, bộ đội biên phòng chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an các huyện và các đồn biên phòng tập trung thực hiện tốt công tác điều tra cơ bản; nắm chắc tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, nhất là các phương thức, thủ đoạn mới; xác định các tuyến, địa bàn trọng điểm, đối tượng cần tập trung đấu tranh; tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, lập án đấu tranh các đường dây, ổ nhóm buôn lậu lớn; Đấu tranh có hiệu quả với các hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại, đặc biệt là việc buôn bán, vận chuyển tiền giả, các loại pháo, vật liệu nổ.

Để tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và cung ứng dịch vụ đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh, ngoài các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương các huyện, thành phố, thị xã cần tập trung chỉ đạo các phòng chuyên môn, chính quyền các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm VS ATTP, vận động toàn dân tham gia vào nhiệm vụ chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, nhất là trong việc cung cấp thông tin, tố cáo các hành vi vi phạm cho các cơ quan chức năng. Đồng thời, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường.

10 tháng đầu năm 2016 đã phát hiện xử lý: hơn 20.000 con và gần 16.000 kg gia cầm nhập lậu; 289 con và 11.697 kg gia súc nhập lậu, 159.300 quả trứng gia cầm, 46.862 con gia cầm giống, 23.239 kg sản phẩm gia súc gia cầm, 51.420 kg thủy, hải sản, 144 kg phụ gia thực phẩm, 3.000 kg thực phẩm chế biến, 55 tấn măng tươi, 38,5 kg hoá chất, hạt khô 885,5 kg, dấm gạo 684 lít, 3.885 kg trái cây, 3.885 kg nông sản khác...


Việt Phương

TIN LIÊN QUAN