Sáng 16/7, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác tài chính - ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021.
Dự và chỉ đạo Hội nghị, tại điểm cầu Bộ Tài chính có các đồng chí: Lê Minh Khái - Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Hồ Đức Phớc - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
CHI 21,5 NGHÌN TỶ ĐỒNG ĐỂ PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19
Trong 6 tháng đầu năm nay, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, bám sát các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, ngành Tài chính đã bám sát tình hình thực tiễn, chủ động đề xuất các giải pháp chính sách tài khóa, góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống Nhân dân.
Kết quả thu NSNN tích cực, đạt yêu cầu đề ra. Theo đó, thu NSNN 6 tháng đầu năm đạt 781 nghìn tỷ đồng, bằng 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thu nội địa đạt 56,3% dự toán, tăng 13,9%. Cả nước có 60/63 địa phương đảm bảo tiến độ dự toán thu nội địa (đạt trên 50%), trong đó 48 địa phương đạt trên 55% dự toán; có 54/63 địa phương có tăng trưởng thu, trong đó một số địa phương có mức tăng trưởng thu trên 15% so với cùng kỳ năm 2020.
Chi NSNN được quản lý chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên ngay từ khâu lập dự toán và trong quá trình thực hiện, gắn với việc triển khai công tác sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công theo các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XII). 6 tháng chi NSNN ước đạt 694,4 nghìn tỷ đồng, bằng 41,2% dự toán. Tính đến thời điểm này, Bộ Tài chính đã chi 21,5 nghìn tỷ đồng cho công tác chống dịch.
Công tác điều hành chính sách tài khóa chủ động, tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân ứng phó với đại dịch Covid-19. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP về giãn tiền thuế, tiền thuê đất; ban hành thông tư tiếp tục giảm phí, lệ phí... 6 tháng đầu năm 2021, đã miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí 27,5 nghìn tỷ đồng.
Bộ Tài chính cũng đã tham mưu thành lập Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19, ban hành Thông tư hướng dẫn về tổ chức hoạt động, quản lý, sử dụng và chế độ kế toán, hạch toán, quyết toán, công khai tài chính Quỹ Vắc xin phòng chống Covid-19. Tính đến 17 giờ ngày 15/7, quỹ đã thu được 8.133 tỷ đồng và hiện đã chi từ quỹ 2.500 tỷ đồng mua vắc xin.
Riêng Nghệ An, tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2021 của tỉnh đạt 7,58%, tăng 2,97% so với cùng kỳ, đứng thứ 14/63 tỉnh,thành. Thu NSNN 6 tháng đầu năm 2021 đạt 10.042 tỷ đồng, bằng 76,3% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 71,6% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 37,8% so với cùng kỳ năm 2020, cao nhất so với cùng kỳ các năm từ trước đến nay, vượt kịch bản do UBND tỉnh đề ra từ đầu năm. Chi ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm 2021 đạt 12.439 tỷ đồng, đạt 48,4% dự toán HĐND tỉnh giao; giải ngân vốn đầu tư công đạt 34% kế hoạch.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái biểu dương, đánh giá cao kết quả tài chính - ngân sách 6 tháng đầu năm 2021 là rất tích cực, góp phần thực hiện "mục tiêu kép": vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ kịp thời ban hành chính sách tài khóa chủ động, tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân ứng phó với đại dịch Covid-19. Tích cực tham mưu, huy động, hướng dẫn sử dụng nguồn lực cho công tác phòng chống dịch Covid-19 và mua vắc xin.
Đánh giá tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Chính phủ vẫn giữ nguyên mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2021.
Để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu ngành Tài chính tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tài khóa để trình cấp có thẩm quyền quyết định để chủ động, tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân ứng phó với đại dịch Covid-19; đảm bảo nguồn kinh phí cho các công tác phòng chống dịch Covid-19. Qua đó, tiếp tục kiên định thực hiện thắng lợi mục tiêu kép - vừa tập trung phòng chống dịch hiệu quả, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển sản xuất - kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, các đề án tài chính - NSNN theo kế hoạch. Rà soát, giải quyết các điểm chồng chéo, cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN năm 2021; quyết tâm thu đạt mức cao nhất dự toán Quốc hội quyết định; điều hành NSNN chặt chẽ; tăng cường quản lý giá; phát triển đồng bộ các loại hình thị trường tài chính.
Cùng với các giải pháp nêu trên, ngành Tài chính tiếp tục điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ chủ động, thận trọng; kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, giữ bội chi NSNN và nợ công... Đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công, giá dịch vụ công; chủ động hợp tác, hội nhập tài chính quốc tế...
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đang đặt ngành Tài chính trước những thách thức to lớn. Vì vậy, yêu cầu toàn ngành phải nỗ lực, quyết tâm lớn hơn để đạt được chỉ tiêu, mục tiêu mà Quốc hội giao, thực hiện thành công “mục tiêu kép”: vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Nhắc lại những kết quả nổi bật của ngành trong 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo, điều hành nêu tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 và các Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ khẩn trương triển khai nhiều giải pháp về điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, ổn định, chủ động kết hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.
Cùng với đó, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, các đề án tài chính - NSNN theo kế hoạch; thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN năm 2021; quyết tâm thu đạt mức cao nhất dự toán Quốc hội quyết định; điều hành NSNN chặt chẽ; tăng cường quản lý giá; phát triển đồng bộ các loại hình thị trường tài chính.