Từ ngày 3/9, các phương tiện đi qua hầm Đèo Cả sẽ chính thức mất phí từ 52.000 đồng/lượt đến 200.000 đồng/lượt tùy theo loại phương tiện.

Sau hơn 1 tuần miễn phí, trạm thu phí hầm Đèo Cả sẽ chính thức thu phí từ ngày 3/9. Mức giá trên được chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đèo Cả khẳng định là phù hợp với Thông tư 35/2016/TT-BGTVT và nhỏ hơn mức giá đã được Bộ GTVT chấp thuận trong phương án tài chính của dự án. Vé tháng và vé quý sẽ được bán trực tiếp tại nhà điều hành trạm thu phí từ ngày 01/9/2017.

Theo đó, phương tiện nhóm 1 gồm các xe dưới 12 chỗ ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn, xe buýt chịu mức phí 52.000 đồng/lượt và nếu mua vé tháng số tiền sẽ là 1,56 triệu đồng. Phương tiện nhóm 5 (xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 fit) chịu mức phí cao nhất 200.000 đồng/lượt, 6 triệu đồng/tháng và 16,2 triệu đồng/quý.

1504232013220.jpgTrạm thu phí Đèo Cả; dự án hầm Đèo Cả đường bộ lớn thứ 2 Việt Nam, chỉ sau hầm đèo Hải Vân.

Sau hơn 4 năm thi công, ngày 21/8/2017, dự án hầm Đèo Cả đã tổ chức thông xe toàn tuyến.

Đây là dự án hầm đường bộ lớn thứ 2 Việt Nam, chỉ sau hầm đèo Hải Vân. Dự án có điểm đầu tại Km 1353+150 QL1 (Phú Yên), điểm cuối tại Km1374+525 QL1A (Khánh Hòa) với tổng chiều dài dự án 13,19km. Trong đó, hầm Đèo Cả dài 4.125m, hầm Cổ Mã dài 500m, với tổng mức đầu tư 11.378 tỉ đồng.

Theo thông tin từ chủ đầu tư, Công ty Cổ phần đầu tư Đèo Cả, dự án này được thực hiện hoàn toàn bằng vốn và các nhà thầu Việt Nam với tổng thời gian 8 năm.

Các mức phí qua trạm thu phí Đèo Cả.

Hai hạng mục chính của dự án là hầm Đèo Cả và hầm Cổ Mã, có quy mô mặt cắt lớn nhất trên QL1 với 2 ống hầm song song, mỗi ống có 2 làn xe khai thác cùng chiều. Vận tốc thiết kế là 80km/h.

Với dự án này, người dân có thể lựa chọn đi theo đường cũ với chiều dài 22km hoặc đi qua hầm với khoảng cách và thời gian chỉ bằng già nửa đồng thời có mức độ an toàn cao hơn. Thời gian thu phí dự kiến là 28 năm.

Theo Báo Lao động

TIN LIÊN QUAN