LTS:Năm 2015, nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) mà ngành Thuế được giao là gần 732 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa trừ đất là gần 600 nghìn tỷ đồng. Nhằm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao, ngay từ đầu năm, cơ quan thuế các cấp đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, biện pháp quản lý thu, khai thác mọi nguồn thu để huy động nguồn lực vào NSNN. Trong đó, các giải pháp chống thất thu NSNN được xác định là giải pháp mũi nhọn. Báo Nghệ An đã có cuộc trò chuyện với Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Phi Vân Tuấn xung quanh vấn đề này, trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
 
images1184401_a4__c_n_b__c_c_thu__ngh__an_ki_m_tra_h__so_doanh_nghi_p.___nh_mai_hoa.jpgCán bộ Cục Thuế Nghệ An kiểm tra hồ sơ doanh nghiệp. Ảnh: Mai Hoa
 
P.V: Thưa đồng chí Phó Tổng cục trưởng Phi Vân Tuấn, để thực hiện nhiệm vụ cụ thể được giao, một trong những biện pháp cơ quan thuế tập trung triển khai là thanh tra, kiểm tra chống thất thu NSNN? Ngành Thuế đã triển khai công tác này như thế nào ạ?
 
Đồng chí Phi Vân Tuấn:Không phải đợi sang năm 2015 ngành Thuế mới tập trung cho công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu NSNN, mà ngay từ tháng 12/2014, Tổng cục Thuế đã giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra thuế năm 2015 đến từng Cục Thuế bảo đảm số doanh nghiệp (DN) được thanh tra, kiểm tra đạt tỷ lệ 15% số DN đang hoạt động. Đồng thời chỉ đạo các Cục Thuế chú trọng triển khai các giải pháp chống thất thu NSNN như: thanh tra, kiểm tra 100% hồ sơ sau hoàn thuế GTGT có số thuế hoàn lớn; các DN nhiều năm chưa được thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là các DN lớn, các DN được hưởng ưu đãi miễn giảm thuế; DN có hoạt động liên kết, DN lỗ có dấu hiệu chuyển giá.
 
Bên cạnh đó, chúng tôi chú trọng việc đúc rút, nhân rộng các chuyên đề chuyển nhượng vốn, thương hiệu, dự án; chống gian lận hoàn thuế xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới đất liền; chống các hành vi kinh doanh mua bán hóa đơn bất hợp pháp để trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế. Chúng tôi cũng tổ chức triển khai sớm việc rà soát kế hoạch đã xây dựng, sắp xếp, sớm bổ sung nguồn lực tối đa cho công tác thanh tra, kiểm tra. Ở cấp cơ sở, nhiệm vụ được giao cụ thể đến từng phòng, chi cục, đoàn, đội gắn với động viên, thi đua, khen thưởng, phấn đấu hoàn thành dự toán thu NSNN năm 2015. 
 
Đồng thời, chúng tôi cũng chú trọng tăng cường quản lý rủi ro theo lĩnh vực, ngành nghề rủi ro cao như: hoàn thuế GTGT, quản lý hóa đơn, thương mại điện tử, chuyển giá. Việc phối hợp chặt chẽ với bộ phận kê khai, tin học để thường xuyên rà soát, quản lý chặt chẽ đối tượng nộp thuế; phân loại giám sát chặt chẽ các đối tượng có dấu hiệu kinh doanh mua bán hóa đơn bất hợp pháp, trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế cũng là những giải pháp mang lại hiệu quả cao.
 
P.V: Vâng, và kết quả của công tác này trong 6 tháng đầu năm có đạt kỳ vọng của ngành không, thưa đồng chí?
 
Đồng chí Phi Vân Tuấn: 6 tháng đầu năm 2015, cơ quan thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với gần 30 nghìn DN, số thuế xử lý tăng thu đạt trên 4.500 tỷ đồng, bằng 86,71% so cùng kỳ năm 2014. Số tiền giảm khấu trừ cũng đạt 455,4 tỷ đồng; giảm lỗ 7.870 tỷ đồng, đôn đốc nộp vào NSNN gần 3.000 tỷ đồng. Trong đó, chúng tôi đã thanh tra tại gần 4000 DN, tăng gần 6% so với cùng kỳ; xử lý truy thu, truy hoàn và phạt gần 2.200 tỷ đồng, giảm khấu trừ 221 tỷ đồng; giảm lỗ 4.130 tỷ đồng và nộp NSNN 1.107 tỷ đồng, bằng 77,89% so với cùng kỳ.
 
Về kiểm tra, toàn ngành đã kiểm tra tại trên 25 nghìn DN, xử lý truy thu, truy hoàn và phạt gần 2.200 tỷ đồng, giảm khấu trừ 215 tỷ đồng, nộp NSNN gần 1.700 tỷ đồng (bằng 97,77% so với cùng kỳ năm 2014). Việc thực hiện kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế đã được triển khai với gần 866 nghìn hồ sơ, qua đó xử lý điều chỉnh tăng thu gần 200 tỷ đồng. Riêng về thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá, 6 tháng đầu năm 2015, chúng tôi đã thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với 513 DN lỗ, DN có dấu hiệu chuyển giá và DN có hoạt động giao dịch liên kết, qua đó giảm lỗ gần 1.200 tỷ đồng; truy thu, truy hoàn và phạt gần 180 tỷ đồng; giảm khấu trừ là gần 140 tỷ đồng.
 
P.V: Như vậy, công tác phối hợp, quản lý nội ngành đã được ngành Thuế thực hiện đạt hiệu quả cao. Còn kết quả công tác phối hợp liên ngành, liên cơ quan thì thế nào, thưa đồng chí?
 
Đồng chí Phi Vân Tuấn:Cần phải xác định rõ: công tác thu NSNN không phải là nhiệm vụ của riêng cơ quan thuế, ngành tài chính mà là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, các địa phương. Chính vì vậy, chúng tôi chủ động tham mưu với lãnh đạo các địa phương để tranh thủ sự chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền trong việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, chống các hành vi gian lận về thuế trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành địa phương như hải quan, công an, kế hoạch và đầu tư... để tăng cường thực hiện các giải pháp đề phòng, xử lý, ngăn chặn kịp thời đối với các hành vi trốn thuế, gian lận về thuế và chiếm đoạt tiền thuế của NSNN.
 
Bên cạnh đó, chúng tôi tập trung chỉ đạo triển khai công tác đối chiếu chéo hóa đơn trong toàn ngành nhằm phát hiện xử lý vi phạm về mua bán hóa đơn bất hợp pháp, trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế. Phối hợp với cơ quan an ninh điều tra, cơ quan cảnh sát phòng chống tội phạm về kinh tế để điều tra, xác minh một số đường dây sử dụng hóa đơn bất hợp pháp chiếm đoạt tiền thuế của nhà nước nhằm răn đe, ngăn chặn đối với dạng tội phạm này và góp phần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh bình đẳng giữa các DN. Đối với các cơ sở kinh doanh có rủi ro cao về thuế thì triển khai thực hiện xác minh, đối chiếu với các đối tác có quan hệ mua bán, giao dịch thanh toán về các nội dung: kiểm tra, xác minh hàng hóa mua vào, xuất khẩu, quan hệ thanh toán, nguồn gốc đồng tiền thanh toán và vòng luân chuyển của dòng tiền thanh toán.
 
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế đã chủ trì và phối hợp với các đơn vị tham mưu trình Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng ký ban hành Thông tư Liên tịch số 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP ngày 08/5/2015 quy định về hóa dơn chứng từ đối với hàng hoá nhập khẩu lưu thông trên đường (thay thế Thông tư Liên tịch số 60/2011/TTLT-BTC-BCT-BCA ngày 12/5/2011). Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã ban hành các quy trình thanh tra, kiểm tra thuế và quy chế xử lý thông tin đối với tổ chức, cá nhân có giao dịch đáng ngờ thực hiện thống nhất tại cơ quan thuế các cấp.
 
P.V: Trong quá trình thực thi nhiệm vụ của mình, ngành Thuế còn gặp những khó khăn, hạn chế gì, và đâu là những giải pháp căn bản, thưa đồng chí?
 
Đồng chí Phi Vân Tuấn:Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thanh tra, kiểm tra thuế 6 tháng đầu năm 2015 còn gặp những khó khăn, hạn chế. Trong đó, đáng kể nhất là do số lượng DN phát sinh ngày càng nhiều, ngành nghề kinh doanh ngày càng đa dạng, phức tạp, đặc biệt là ngành nghề sử dụng công nghệ cao; phương thức, thủ đoạn gian lận thuế ngày càng tinh vi, phức tạp nên việc đấu tranh ngăn chặn kịp thời các vi phạm pháp luật thuế là khó khăn. Thứ hai là nguồn nhân lực cho công tác thanh tra, kiểm tra bố trí chưa đủ để đáp ứng với số lượng DN cần thanh tra, kiểm tra theo yêu cầu, dẫn đến khối lượng công việc tăng, tạo ra áp lực cho công chức thuế trong việc thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế.
 
Trong các giải pháp, biện pháp chống thất thu NSNN 6 tháng cuối năm 2015, chúng tôi cho rằng việc triển khai thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho DN đối với công tác kiểm tra, thanh tra thuế có vai trò rất quan trọng. Việc kiểm tra, thanh tra đều dựa trên cơ sở rủi ro về thuế, dứt khoát là không có rủi ro thì không kiểm tra, thanh tra; đúc kết phương thức, thủ đoạn, hành vi vi phạm liên quan đến thuế, phương pháp kiểm tra phát hiện và phổ biến nhân rộng toàn ngành. Ngoài ra, chúng tôi tập trung xử lý hóa đơn của các DN đã thông báo bỏ địa điểm kinh doanh để ngăn chặn kịp thời hành vi sử dụng bất hợp pháp hóa đơn nhằm trốn thuế, gian lận thuế. Công tác phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả với cơ quan công an để đấu tranh chống các hành vi trốn thuế, gian lận thuế, tội phạm về thuế được đẩy mạnh. 
 
Đặc biệt, chúng tôi tăng cường kiểm tra, thanh tra các chuyên đề chuyên sâu đối với các DN thuộc các ngành, lĩnh vực có tiềm ẩn rủi ro về trốn thuế, gian lận thuế cao như: khai thác khoáng sản, kinh doanh bất động sản, thương mại điện tử; kinh doanh thiết bị y tế, thiết bị trường học, thiết bị khoa học kỹ thuật; các DN được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế; các đường dây thành lập DN mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp; đặc biệt tập trung thanh tra đối với các DN có giao dịch liên kết, có dấu hiệu chuyển giá. Điều đáng nói là chúng tôi luôn thực hiện phương châm kiểm tra, thanh tra phải bảo đảm đúng trình tự, thủ tục theo quy định, xây dựng và triển khai quy chế giám sát đoàn kiểm tra, thanh tra phù hợp với thực tiễn công tác tại địa phương. 
 
P.V: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
 
Sông Hồng
(Thực hiện)