Nhiều vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng
Vào ngày 6/5/2019, cơ quan cảnh sát ĐTTP về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03), Công an Nghệ An đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 đối tượng gồm ông Phan Tiến Sỹ - nguyên Trưởng ban, ông Nguyễn Thọ Huy - Phó trưởng ban và ông Nguyễn Văn Thanh - Trưởng phòng Kỹ thuật của Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Yên Thành. 3 người bị khởi tố về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Theo thông tin ban đầu, 3 người này bị bắt để phục vụ điều tra hành vi tạo lập hồ sơ giả nhằm chiếm đoạt khoảng 5 tỷ đồng tiền đền bù việc cho thuê đất.
Trong năm 2018 đã có 11 cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý hành chính vì có dấu hiệu tham nhũng, thu hồi 1,694 tỷ đồng về ngân sách Nhà nước. Về xử lý hình sự TAND các cấp đã thụ lý xét xử 4 vụ/6 bị cáo. Kết quả phạt tù 5 bị cáo, 1 bị cáo cho hưởng án treo. Qua công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng phát hiện đã gây thiệt hại cho Nhà nước và nhân dân 789,9 triệu và 157.943m2 đất, trong đó hiện nay đã thu hồi 789,9/789,9 triệu đồng.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, các vụ án được xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Hình phạt áp dụng đối với các bị cáo đều đảm bảo nghiêm minh, đáp ứng yêu cầu của công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm tham nhũng trong tình hình hiện nay.
Những hành vi hay dấu hiệu liên quan đến tham nhũng của cán bộ, công chức, người có chức vụ không chỉ gây thiệt hại đối với Nhà nước, tổ chức, cá nhân mà còn gây mất niềm tin trong nhân dân, ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội.
Tăng cường giám sát, xử lý nghiêm
Hiện nay, theo đánh giá của UBND tỉnh “tình hình tham nhũng vẫn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, xảy ra trên một số lĩnh vực nhạy cảm như: đầu tư, xây dựng, quản lý đất đai, thương mại, hành chính...”, “số vụ việc, bị can bị khởi tố nhiều hơn so với năm trước, phát hiện các vụ việc phức tạp liên quan đến đất đai”.
Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên về công tác phòng, chống tham nhũng chưa đầy đủ. Một số ít cán bộ, công chức thiếu tu dưỡng, rèn luyện, lợi dụng sơ hở, trong quản lý, cơ chế, chính sách, lợi dụng nhiệm vụ được giao để nhũng nhiễu, vụ lợi.
Tại cuộc thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND tỉnh đối với báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018, một số thành viên bày tỏ sự băn khoăn khi biểu hiện tham nhũng “vặt”, tham nhũng nội bộ chưa được thủ trưởng các cơ quan quan tâm phòng, chống. Vai trò thanh tra nhân dân trong các cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp chưa được phát huy... Qua thẩm tra, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Phan Đức Đồng đề nghị Thanh tra tỉnh quan tâm bổ sung nội dung quản lý, giáo dục đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức vào giải pháp phòng, chống tham nhũng để nâng cao hiệu quả công tác này.
Theo ông Vi Văn Sửu - Chánh Thanh tra tỉnh, để phòng ngừa nạn “tham nhũng vặt” và các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, ngoài trách nhiệm của các cá nhân, cần xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, trên các lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tham nhũng; tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thủ trưởng các ngành, các cấp trong việc chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng gắn với thanh tra việc thực hiện chức trách, công vụ của cán bộ, công chức.
Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng và thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng như vấn đề công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị và trong chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức; ban hành, thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, các quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính để ngăn ngừa hiện tượng quan liêu, nhũng nhiễu. Đồng thời phát huy vai trò của người đứng đầu trong công tác tự kiểm tra, giám sát nội bộ để ngăn chặn các hành vi sai phạm trong hoạt động của cán bộ, công chức.
Điều 356, BLHS năm 2015 quy định về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ:
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.