(Baonghean) - Trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại, bên cạnh hàng rào pháp lý, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, thì yếu tố quan trọng chính là sự chủ động phối hợp có hiệu quả của các doanh nghiệp và tinh thần cảnh giác của người tiêu dùng.

Hiện nay, các loại túi xách, mắt kính, đồng hồ, mỹ phẩm… mạo danh các thương hiệu nổi tiếng đang bày bán công khai. Giá bán cao hay thấp phần nhiều không phải do chất lượng hàng mà tùy thuộc vào giá thuê mặt bằng kinh doanh. Tại chợ Vinh, không khó (nếu không muốn nói là rất dễ) để khách hàng tìm mua được một chiếc kính hiệu Hermes, Gucci, RayBan với giá 50.000 - 100.000 đồng; nước hoa, son môi, kem dưỡng da các thương hiệu Lancome, L'Oreal, Coco Chanel giá bán từ 60.000 - 150.000 đồng/sản phẩm. Với giá siêu rẻ, chỉ bằng 1/20, thậm chí 1/100 giá hàng chính hãng. 

Gian đối chứng hàng thật - hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Hội chợ Công nghệ thiết bị năm 2014.
Gian đối chứng hàng thật - hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Hội chợ Công nghệ thiết bị năm 2014.

Anh Đỗ Dũng (xóm Mẫu Đơn, xã Hưng Lộc - TP. Vinh) vừa chọn mua một cặp đồng hồ nam nữ thương hiệu cao cấp Orient tại cửa hàng phía bên ngoài cổng chợ Vinh cho hay: “Với giá 2,8 triệu đồng một cặp thì ai cũng biết đâu phải hàng xịn. Nhưng cũng là hàng fake (thời trang dạng vòng) cao cấp rồi đấy, nhìn đẹp không thua gì hàng chính hãng đâu...”. Theo chị Nguyễn Thị Mây - chủ kinh doanh hàng mỹ phẩm, túi xách thời trang trên đường Nguyễn Văn Cừ (TP. Vinh): “Những sản phẩm hàng chính hiệu giá bán quá cao, rất ít người tiêu dùng có đủ điều kiện kinh tế để sở hữu chúng. Vì vậy, đa số khách hàng biết đó là hàng nhái nhưng vẫn mua sử dụng vì chúng cập nhật mẫu mã theo hàng chính hãng rất nhanh. Thị trường có “cầu” thì ắt có “cung” thôi, khách đến cửa hàng tôi cũng chẳng thấy ai bắt bẻ gì, vì bây giờ chúng rất phổ biến”.

Do chính “thượng đế” chấp nhận mua và dùng hàng giả. Bởi thế, các nhãn hiệu “nghìn đô” của thế giới dễ dàng được tìm thấy từ chợ cóc, siêu thị cho đến vỉa hè. Việc các khách hàng mua phải hàng giả do không phân biệt nổi đâu là hàng thật, đâu là hàng giả (vì chúng được làm giả quá tinh vi) đã là chuyện đương nhiên, nhưng cũng không ít người chọn loại hàng hóa này vì phù hợp với túi tiền của họ. Khách hàng chấp nhận mua mà không nghĩ rằng mình đang tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái trong việc phân phối và tiêu thụ để rồi mặt hàng này ngày càng chiếm thị phần trên thị trường… Mặt khác, do thói quen mua bán theo kiểu “tiền trao - cháo múc”, người tiêu dùng hầu như không có bất kỳ giấy tờ, hóa đơn nào để chứng minh quá trình giao dịch. Đây chính là nguyên nhân  để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất thiếu trách nhiệm với người tiêu dùng, tiếp tục đưa ra thị trường các sản phẩm, dịch vụ không đảm bảo chất lượng.

Trước đây, khi nhắc đến hàng giả, hàng nhái thông thường chỉ phát sinh khi hàng hóa lưu thông không đáp ứng đủ yêu cầu tiêu dùng. Nhưng nay, nhiều mặt hàng cung vượt cầu, hàng giả, hàng nhái vẫn phát triển. Chính vì vậy, đối với doanh nghiệp, cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái nhằm bảo vệ thương hiệu của chính mình là nhiệm vụ khó khăn. Không trực tiếp sản xuất, nhưng ông Hoàng Phan Thái - Giám đốc Công ty Phú Thái cũng thấm thía về hậu quả mà hàng giả gây ra, nó không chỉ giảm lợi nhuận mà uy tín về thương hiệu cũng giảm sút. “Sản phẩm nồi cơm điện và ấm siêu tốc đang bị làm giả nhiều nhất. Chúng không chỉ bán ở các chợ mà còn ngang nhiên bán công khai tại các cửa hàng kinh doanh lớn, trung tâm thương mại, siêu thị. Hàng giả, giá rẻ khoảng một nửa so với hàng thật, có dán cả tem chống hàng giả, thậm chí còn dán cả hướng dẫn khuyến cáo người tiêu dùng để tránh mua nhầm”- ông Thái bức xúc cho biết.

Anh Lê Quốc Cường - chủ đại lý sản phẩm may Việt Tiến tại thị trường TP. Vinh cũng cho hay: “Từ nhiều năm trước, khi áo sơ mi Việt Tiến đã khẳng định thương hiệu của mình trên thị trường, được người tiêu dùng tín nhiệm thì nay đã bị làm nhái. Một số cửa hàng thường treo bảng hiệu mập mờ các sản phẩm mang nhiều nhãn hiệu khác nhau như: Viettien, Vicitien, Victien… Người tiêu dùng khi mua và sử dụng những sản phẩm bị làm giả, nhái này sẽ mất lòng tin vào doanh nghiệp chân chính. Nếu thực trạng trên không được giải quyết triệt để thì về lâu dài, thị trường sẽ bị thu hẹp dần, ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu của công ty. Trong khi doanh nghiệp chân chính phải chịu đủ mọi chi phí từ đầu tư sản xuất, xây dựng thương hiệu cho đến nộp thuế và đăng ký bảo hộ cho sản phẩm, thì hàng giả, hàng nhái lại không phải chịu các khoản chi phí đó, sản phẩm bán ra với giá thành rẻ nên tiêu thụ rất nhanh. Mặt khác, khi bị phát hiện, mức xử phạt chưa đủ sức răn đe nên mức độ vi phạm, tái phạm rất cao. Đây cũng là lý do khiến một số doanh nghiệp tỏ ra buông xuôi, thờ ơ với chính thương hiệu của mình, hoặc nếu triển khai công tác phòng, chống cũng chỉ dừng lại ở việc khuyến cáo người tiêu dùng phải kiểm tra sản phẩm bao bì, tên nhãn hiệu, nơi sản xuất để mua được sản phẩm thật thay vì tiến hành khởi kiện ra tòa án.

 

Tính đến tháng 10/2014, lực lượng QLTT đã kiểm tra và xử lý 452 vụ vi phạm về hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ với tổng giá trị thu phạt là 673.424.000 đồng. Tuy nhiên, trong thực tế nạn hàng nhái, hảng giả đang hoành hành thì con số này vẫn còn rất khiêm tốn... Theo lãnh đạo Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường: Công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm kiểu dáng công nghiệp không hề đơn giản. Để xác định rõ, buộc phải có doanh nghiệp tham gia cung cấp hàng chính hãng thì mới có cơ sở xử lý được hàng giả, hàng nhái. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp lại không mặn mà, vì sợ khi thông tin hàng hóa chính hiệu bị làm giả sẽ gây tâm lý hoài nghi cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến doanh thu.

Để chống lại vấn nạn hàng giả phải triển khai quyết liệt đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, quan trọng là doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với lực lượng chức năng. Bởi theo quy định của pháp luật, để xử lý vi phạm quyền sở hữu công nghiệp, nhất thiết phải có sự tham gia của doanh nghiệp chủ sở hữu xác nhận hàng hóa xâm phạm khi cơ quan chức năng bắt giữ. Nếu doanh nghiệp bất hợp tác, cơ quan chức năng rất khó khăn trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại. 

Nhằm tìm ra các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa cơ quan thực thi và doanh nghiệp, đề cao vai trò của doanh nghiệp trong việc nâng cao ý thức tự bảo vệ hàng hóa, tài sản trí tuệ của mình, Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng Nghệ An phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường đã tổ chức 2 gian hàng đối chứng hàng thật - hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ Hội chợ Công nghệ thiết bị năm 2014. Tại gian hàng trưng bày, có hơn 50 mặt hàng thuộc các nhóm sản phẩm hàng hóa như: xe máy, xe đạp, phân bón, mũ bảo hiểm dành cho người đi xe mô tô và xe máy, mỹ phẩm và một số sản phẩm tiêu dùng thiết yếu khác là hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ do cơ quan Công an và lực lượng Quản lý thị trường đã tịch thu, xử phạt vi phạm hành chính.

Thông qua hội chợ, cán bộ của hai đơn vị đã giới thiệu, hướng dẫn tận tình những dấu hiệu, cách thức nhận biết hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; phổ biến một số các quy định của Nhà nước về tiêu chuẩn, quy chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa và các quy định ghi nhãn, sở hữu trí tuệ. Đồng thời cung cấp các thông tin về chất lượng sản phẩm hàng hóa, hướng dẫn cho người tiêu dùng tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng không bảo đảm chất lượng… 

Thực tế cho thấy, sự phối hợp giữa nhà sản xuất và các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ, do đó việc kiểm tra, kiểm soát để bảo vệ cho người tiêu dùng và nhà sản xuất chưa đạt hiệu quả cao... Chế tài không đủ mạnh, doanh nghiệp lại bất lực, người dân thì mặc nhiên chấp nhận, cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái không thể thành công nếu cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người tiêu dùng chưa liên kết chặt chẽ. 

 Bài, ảnh:Ngọc Anh