(Baonghean.vn) - Trong tình cảnh bão lũ ập đến nhưng không thể tránh, người dân vạn chài ở bản vùng biên thuộc xã Phúc Sơn (huyện Anh Sơn) gần như quen với việc đối mặt với con nước lớn đầy hiểm nguy.
Chúng tôi tìm đến với xóm chài ở bản Cao Vều, xã Phúc Sơn. Một xóm nhỏ nằm nép mình bên dòng sông Giăng. Sau cơn bão số 2 rồi ảnh hưởng từ cơn bão số 3, số 4, mưa lũ kéo về khiến con sông vốn hiền hòa nay lại đục ngầu dữ tợn. Ông Dương Văn Phương người lớn tuổi nhất từng 30 năm lênh đênh cùng xóm chài cho hay: Cuộc sống sông nước đã quen thuộc với những mùa nước lũ, mấy ngày nay mưa to nước lớn, những người đàn ông trong xóm cứ thế thay nhau cả ngày lẫn đêm canh chừng con nước. Để giữ cho những chiếc bè không bị nước lũ cuốn trôi, những chiếc cọc tre được dân chài chôn sâu trên bờ, khá cao so với mặt nước sông rồi cột chặt bằng dây thừng hòng neo giữ thuyền bè.
Cả xóm chài chỉ có 7 hộ, mỗi hộ 2-3 người, đa phần đều là người dân xã Thanh Nho, huyện Thanh Chương lên tận vùng sông Giăng của bản Vều xã Phúc Sơn (Anh Sơn) để mưu sinh. Một người đàn ông tên Vân cho biết: Cách đây nhiều năm trước khi những chiếc bè còn được làm bằng những cây nứa thô sơ thì sợ nhất là mùa nước lũ về, sóng đánh tan cả bè, rồi trôi đi mất, thiệt hại không nhỏ cho những người dân làm nghề cá trên sông, nhưng mấy năm trở lại đây người dân xóm chài biết dùng những chiếc thùng phi lớn kết lại với nhau dù sóng có lớn, nước có mạnh cũng khó mà làm bè hư hỏng. Thế nhưng mùa lũ việc làm ăn của những người làm nghề chài lưới lại khó khăn hơn bao giờ hết.
Tựa cửa nhìn ra dòng sông đục ngầu chảy xiết, chị Nguyễn Thị Oanh thở dài: Khi mùa lũ về, con tôm, con cá cũng theo dòng nước chảy về xuôi nên việc đánh bắt cá ngày càng khó khăn hơn. Những ngày này nước sông dâng cao, người dân xóm chài đành phải gác mái chèo mà thở dài trông theo những đợt sóng dữ dội. Nước lớn, sóng to, không thể ra sông đánh bắt cá, không còn nguồn thu nhập nào khác, người dân phải nhờ vào những khoản tiền ít ỏi dành dụm được để sống tạm, chờ cho lũ qua đi.
Huyền Trang