Làng Viên Sơn, xã Viên Thành vốn xưa làm nghề nồi đất nổi danh. Tuy nhiên, do cuộc sống đổi thay, từ những năm 80 của thế kỷ trước, nghề làm nồi đất ở đây đã không còn hưng thịnh. Công việc buôn bán nồi đất bây giờ ở Viên Sơn dường như là cái “còn lại” của làng nghề ngày ấy. Hiện xã Viên Thành có hơn chục hộ gia đình làm nghề buôn bán nồi đất. Ông Bùi Văn Chương (54 tuổi) - một người buôn nồi đất lâu năm ở đây cho biết, nhà ông buôn nồi từ thời ông nội, riêng đời ông đã có 38 năm trong nghề. Hàng ngày ông đi xe máy vào xã Trù Sơn (Đô Lương) để lấy nồi, còn anh con trai thì hỗ trợ cha bán hàng qua mạng, đặc biệt là phối hợp cùng ông tổ chức những chuyến xe ra Bắc chở theo hàng vạn chiếc nồi. Ảnh: Huy Thư
Cứ ngỡ nghề buôn nồi đất phải đi xa, vận chuyển khó khăn… chỉ có đàn ông mới làm được, nhưng một số phụ nữ ở Viên Sơn lại đảm đang khá tốt. Bà Bùi Thị Nhường (45 tuổi) đã có 10 năm chuyên đi mua nồi, vận chuyển nồi ở Trù Sơn về cho chồng bán. Bà Nhường không chỉ sành sỏi việc lựa chọn nồi, mà còn sắp xếp, chuyên chở nồi bằng xe máy không thua cánh đàn ông. Theo bà Nhường, chọn nồi đất là phải gõ để nghe tiếng kêu, nếu âm thanh trong, vang thì nồi “chuẩn”, còn tiếng rè rè là nồi đã rạn vỡ. Ảnh: Huy Thư
Nồi đất ở Trù Sơn (Đô Lương) được đánh giá có chất lượng tốt (hình dáng chuẩn, đốt chín đều, màu sắc đẹp, tiếng kêu thanh, đa dạng sản phẩm) và là nguồn hàng chính của những người buôn nồi đất ở Viên Thành. Ảnh: Huy Thư
Những chiếc nồi đất mới ra lò, màu đỏ tươi được những người buôn nồi lựa chọn kỹ lưỡng. Chiếc nồi nào ưng ý, họ để riêng và sắp vào gióng. Gióng cột nồi là 4 thanh tre nhỏ bằng chiếc đũa, dài tầm 2m nối với nhau tạo thành hình chữ thập. Nồi cùng loại được xếp thành chồng cao và cột thành từng cây nồi khá chắc chắn. Ảnh: Huy Thư
Cầm từng chiếc nồi đất cảm giác mong manh dễ vỡ, nhưng khi cột thành cây lại khiêng vác dễ dàng. Nồi lớn mỗi cây xếp được hơn 10 cái, nồi con (niêu kho cá) thì hơn 20 cái. Ảnh: Huy Thư
Ngoài cột dọc bằng các thanh tre, các cây nồi còn được cột ngang bằng những sợi giang nhằm cố định nồi một cách chắc chắn. Ảnh: Huy Thư
Dân buôn nồi ở Viên Thành có thể đặt trước mẫu mã, số lượng nồi cho các cơ sở sản xuất nồi ở Trù Sơn, để nhập hàng định kỳ hoặc có thể đến tận nơi, thích gì mua nấy. Giá nồi được mua sỉ từ vài nghìn đồng đến vài chục nghìn đồng/chiếc, tùy vào từng loại nồi. Ảnh: Huy Thư
Nghề buôn nồi đất ở Viên Thành đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, ngày xưa cả làng đều dùng xe thồ. Các “tay lái nồi” hầu hết là những nhà nông “rỗi mùa chạy chợ” thường sắm sửa chiếc xe đạp cà tàng nối thêm tay ngai và hai cái sọt tre thật to để chở nồi. Mỗi chuyến hàng đưa nồi đất đi bán ngoại tỉnh đều kéo dài trên dưới 15 ngày, đi bộ hàng trăm cây số ra tận Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nam, Hà Nội... Đầu những năm 2000, các hộ dân ở đây mua được xe máy mới chấm dứt cảnh đẩy xe thồ chở nồi đi bán rong. Bây giờ vận chuyển nồi đi xa đều sử dụng ô tô. Trong ảnh: Nồi sau khi cột thành cây, được sắp lên xe máy. Ảnh: Huy Thư
Việc bán hàng cũng tùy vào từng hộ dân, thị trường hấp dẫn của dân buôn nồi ở Viên Thành không phải nội tỉnh mà là Thanh Hóa và các tỉnh phía Bắc. Những gia đình có vốn, tập kết được hàng nhiều, mỗi lần xuất hàng theo hợp đồng cũng bán được vài nghìn chiếc nồi. Hộ vốn liếng eo hẹp, hay neo người thì chấp nhận làm ăn nhỏ lẻ, bán lẻ dọc Quốc lộ 7. Trong ảnh: Một "hợp đồng" làm ăn suôn sẻ với người dân làng nồi. Ảnh: Huy Thư
Theo ông Bùi Văn Chương: “Mỗi chuyến xe máy, tôi chở được khoảng 700 chiếc nồi loại nhỏ. Đi chở nồi, lên xe ra về là lo vì hàng cồng kềnh, dễ vỡ, nên phải cẩn thận cả lúc chạy xe, lẫn dừng xe. Cái này mà va chạm, ngã đổ là tan luôn chứ không có cơ hội để sắp lại". Nghề buôn nồi đất luôn gắn với “nỗi lo đổ vỡ”, đi xe chở hàng về đến cổng nhà cũng chưa hết lo, chỉ khi dừng xe trong sân, dỡ hết hàng xuống sắp đâu vào đó, họ mới khẳng định là “chuyến đi đã an toàn”. Ảnh: Huy Thư
Cuộc sống thay đổi, việc giao lưu kết nối, chuyên chở hàng hóa có phần thuận tiện, nhưng nghề buôn bán nồi cũng gặp không ít khó khăn, Trước đây, Tết Nguyên đán là một dịp làm ăn lớn của dân buôn nồi vì nhà nào cũng phải sắm nồi để nấu. Còn nay, ngày Tết cũng như ngày thường. May chăng là nhờ vào sự phát triển của nghề kho cá bằng niêu đất ở đồng bằng Bắc Bộ và việc sử dụng niêu đất trong các món ăn truyền thống ở nhà hàng, khách sạn đã thổi một luồng gió mới, dưỡng thêm sức sống cho nghề nặn nồi ở Trù Sơn và nghề buôn bán nồi đất ở Viên Thành. Ảnh: Huy Thư
Nghề buôn nồi đất: Chở theo cả nỗi lo. Video: Huy Thư