Người xưa nói: “Đức bạc nhi vị tôn;
trí tiểu nhi mưu đại; lực tiểu nhi nhâm trọng; tiên bất cập hĩ”.
Tức là đức hạnh kém mà nhận địa vị tôn quý;
Trí tuệ và năng lực thấp mà lại mưu sự lớn;
Sức lực yếu ớt mà nắm giữ trọng trách;
Người như vậy không có mấy người là không gặp tai họa.
Dân gian có câu: “Mua danh ba vạn, bán danh ba tiền”.
Danh là tên, tên người, tên chức danh, được dư luận xã hội biết đến và coi trọng. Danh – tự nó có ý nghĩa nhân văn, tốt đẹp. Vì vậy, ở đời, có nói ra hay không nhưng ai cũng muốn có chút danh phận. Không chỉ là nhu cầu tự thân, mong ước có một chữ danh chính đáng còn là động lực, thúc đẩy con người không ngừng phấn đấu để tiến bộ và hoàn thiện mình.
Nếu chỉ như vậy thì khỏi phải bàn. Vấn đề là có nhiều người nhận thức không đầy đủ, không hiểu hết bản thân mình, sa vào ham chuộng danh vọng, địa vị đến mức quá đà, trở thành căn bệnh. Đó là bệnh háo danh.
Bệnh háo danh cũng là một trong những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống mà Hội nghị Trung ương 4 khóa XII của Đảng đã từng cảnh báo: Một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện “háo danh, phô trương, “đánh bóng” tên tuổi; thích được đề cao, ca ngợi”,...
Đáng buồn là không chỉ cá nhân háo danh mà lãnh đạo, tập thể lãnh đạo – kể cả ở cấp cao, cũng vô tình tiếp sức cho sự háo danh. Sự đề bạt dễ dãi, nể nang, giải quyết “để anh em khỏi tâm tư” không phải là cá biệt. Số cấp phó như Thứ trưởng, Phó Sở, Phó Ban, Phó phòng, Vụ phó,... vốn đã “hùng hậu”, đông “như quân Nguyên”; lại còn có thêm các vị hàm cấp phó cũng ngày càng “lạm phát”! Từ đó, một số nơi cán bộ lãnh đạo, “chém gió”, chỉ tay năm ngón, “sự vụ, cạo giấy” lại nhiều hơn số cán bộ tham mưu, chuyên sâu,... Đỉnh điểm, đã có Sở nọ được “lên báo, lên ti vi” khi có 14/16 người là chức danh lãnh đạo. Tình hình này đã được nêu trên các phương tiện thông tin đại chúng, kể cả trên nghị trường Quốc hội. Đã có hàm cấp, chức vụ là “hóng” trong quy hoạch tương lai. Và phụ cấp – “tiền tươi thóc thật” là lẽ đương nhiên.
Không còn hiếm những người háo danh, ham địa vị đến quá mức. Họ khôn khéo lấy lòng, vào luồn ra cúi, mua chuộc, nịnh nọt, ton hót cấp trên để mong được bổ nhiệm vào vị trí cao hơn. Có người, đang ngồi ghế này nhưng lúc nào cũng nhăm nhắm cái ghế cao hơn, “ngon hơn”, bằng mọi cách để tiếp cận, thậm chí không ngại ngần dùng đủ mánh khóe, thủ đoạn – kể cả “gọi điện cho người thân” can thiệp để chiếm đoạt được quyền cao chức trọng.
Có người háo danh đến mức bất chấp luân thường đạo lý, quên cả tình bằng hữu, chà đạp lên tình đồng chí, đồng nghiệp, sẵn sàng “biến đối tác thành đối thủ”, hạ bệ người khác để đạt được tham vọng cá nhân. Họ không biết rằng: “Đức bạc nhi vị tôn/ Trí tiểu nhi mưu đại/ Lực tiểu nhi nhâm trọng/ Tiên bất cập hĩ”. Tức là đức hạnh kém mà nhận địa vị tôn quý/ Trí tuệ và năng lực thấp mà lại mưu sự lớn/ Sức lực yếu ớt mà nắm giữ trọng trách/ Người như vậy không có mấy người là không gặp tai họa. Dân gian có câu: “Mua danh ba vạn, bán danh ba tiền”. Cái danh không có từ tài năng, đức độ, thực lực, tín nhiệm của mình tạo ra, mà càng phải mua đắt bao nhiêu thì giá trị của nó càng bị coi thường, rẻ rúng bấy nhiêu! Tấm gương tày liếp xưa nay cũng nhiều?
Có vị khi đến đâu, sự giới thiệu phải đầy đủ hàm cấp, chức vụ, kể cả chức vụ kiêm nhiệm. Khi phát biểu cũng khéo léo “lồng ghép” giới thiệu, nói về mình “không biết chán”. Người nghe rất dễ phát hiện ra cái “lượng” không đủ, chưa theo kịp cái chất, “cái trống” thì to nhưng rỗng tuếch, không kêu!
Khi có nhiều “hàm dởm”, “danh hão” thì những người ưu tú, nghĩ sâu, nói thẳng, làm thật mất hết hứng thú, mất hy vọng, mất động lực, mất ý chí, niềm tin!
Năm 1927, khi viết tác phẩm Đường Kách mệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những tiêu chuẩn cần có của một người cán bộ cách mạng, trong đó có một tiêu chuẩn là “Không hiếu danh; không kiêu ngạo”.
Năm 1947, khi mới giành chính quyền được hai năm, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận diện và cảnh báo những sai lầm, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên dễ mắc phải. Một trong những sai lầm, khuyết điểm đó là mắc bệnh hiếu danh, bệnh ham danh vọng, địa vị, bệnh hình thức. Người chỉ rõ, những cán bộ, đảng viên mắc phải các căn bệnh này đều có chung đặc điểm như: Ham địa vị, hay lên mặt, ưa người khác tâng bốc, khen ngợi mình; hễ làm được việc gì hơi thành công thì khoe khoang, vênh váo, cho ai cũng không bằng mình; tự cho mình là anh hùng, vĩ đại, có khi vì cái tham vọng đó mà việc không đáng làm cũng làm; chỉ ham làm chủ tịch này, ủy viên nọ, chớ không ham công tác thiết thực…
***
Để phòng, chống và chữa trị căn bệnh háo danh, mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao nhận thức, ứng xử đúng mức với cái danh chân chính. Biết tự thanh lọc tâm hồn, gạt bỏ tâm lý háo danh, kèn cựa, địa vị, nâng cao tính tự trọng, giữ gìn liêm sỉ, tự rèn luyện mình, lo tích lũy kiến thức, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn – đó là tích lũy về “lượng” để tạo ra sự biến đổi về “chất”; tránh xa thói nịnh bợ, mua bán, chạy chọt, ngày càng làm tha hóa cán bộ.
Về phương diện tổ chức, cần nghiêm túc quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị quyết 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả của Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XII) của Đảng. Kiên quyết thực hiện phương châm “3 giảm, 2 tinh”. Cụ thể là “giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm cấp phó”, tinh giản bộ máy và tinh giản biên chế.
Đây là một việc vô cùng khó khăn, tế nhị, nhạy cảm vì nó liên quan đến quyền lợi, danh phận của cán bộ, công chức; nhưng cũng vô cùng hệ trọng, vì nó quyết định cho năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của mỗi tổ chức, đảng viên, quyết định cho hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước của Dân, do Dân, vì Dân và hệ thống chính trị các cấp và niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Chúng ta định ra thiết chế, bộ máy. Chúng ta định ra cán bộ. Cán bộ của ta suốt ngày bận rộn. Cái quan trọng là Dân được hưởng lợi gì từ sự bận rộn ấy?