Đã là con người thì ai cũng có một phần riêng tư, đó là gia đình, dòng họ, bạn bè, quê hương của mình. Trong suy nghĩ, tình cảm, ai cũng có một “góc riêng” cho những mối quan hệ thân thiết ấy. Raxun Gamzatop từng nói: “Người ta có thể lấy con người ra khỏi quê hương, nhưng không thể lấy quê hương ra khỏi mỗi con người”.
Người Việt vốn có truyền thống cố kết cộng đồng để chống lại thiên tai, giặc dã. Cũng từ đó, con người nặng nghĩa, nặng tình với quê hương, họ tộc, bạn bè. Khi có người thành đạt, cả cộng đồng ngưỡng mộ, tự hào, kể cả có khi “công thần’, dựa dẫm. Họ quan niệm “một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Cộng đồng càng gian khó, càng cố kết bền chặt thì biểu hiện này càng rõ.
Nếu chỉ có như vậy thì khỏi phải bàn nhiều.
Khi những mối quan hệ và quan niệm này phát triển một cách lệch lạc, rất dễ làm cho người ta chỉ “thấy cây mà không thấy rừng”, chỉ luẩn quẩn trong một không gian nhỏ hẹp mà không thấy được cái lớn lao, toàn cục; chỉ nhìn thấy cái trước mắt, riêng lẻ mà không thấy được lợi ích chung, lâu bền,... và đó chính là một thói xấu - một “mảnh đất màu mỡ” cho chủ nghĩa cá nhân phát triển.
Nguy hiểm nhất là khi có những cán bộ lãnh đạo ngành, địa phương, đơn vị tạo ra những “sân chơi – anh hùng nhất khoảnh”. Họ tạo ra những bè cánh, cùng quê, cùng họ, cùng sở thích, quyền lực bị tha hóa, lợi dụng, tạo ra lợi ích nhóm. Có những trường hợp chương trình, dự án được ưu tiên vùng quê của sếp; có những trường hợp tổ chức cán bộ chỉ là người thực hiện “quy trình hợp lý hóa” theo sự chỉ đạo của sếp; có cả những cú điện thoại của cấp trên “phủ quyết” cả một quy hoạch cán bộ của cả nhiệm kỳ; không phải là không có những phi vụ chia chác “làm một vụ, ăn cả đời”,... Dư luận không khỏi bức xúc khi nhiều nơi xuất hiện tình trạng “một người làm quan cả họ được nhờ”, “cấp ủy họ ta”, “hội đồng nhân dân thôn ta”,…
Ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị, từ thói cục bộ, bè phái đã xuất hiện những vấn đề nhạy cảm như lấy phiếu quy hoạch, lấy phiếu tín nhiệm, phiếu đánh giá, phiếu bầu cử,... trong công tác nhân sự, bầu cử trong đại hội hay trong hội nghị biểu quyết quyết định đầu tư các dự án quan trọng. Đây là “mảnh đất màu mỡ” cho chủ nghĩa cá nhân phát triển, chủ nghĩa cơ hội lộng hành.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ rõ: cục bộ, bè phái trong công tác cán bộ là căn bệnh rất nguy hiểm, một trong những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng, bản chất nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Vì vậy, nhận diện và kiên quyết đấu tranh, loại bỏ “căn bệnh” nguy hiểm này, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, nâng cao sức chiến đấu, uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng là vấn đề cấp bách hiện nay.
Từ tháng 10-1947, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm chỉ ra một trong những căn bệnh mà một bộ phận cán bộ, đảng viên mắc phải là “kéo bè kéo cánh”, từ bè cánh mà đi đến chia rẽ. Bác khẳng định bệnh này “rất nguy hiểm”, “rất tai hại cho Đảng”, vì: “Nó làm hại đến sự thống nhất... Nó làm mất sự thân ái, đoàn kết giữa đồng chí. Nó gây ra những mối nghi ngờ”.
Gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng cho rằng, trong số các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, thì: “Nhân dân và dư luận xã hội quan tâm nhiều nhất, bức xúc nhất là tình trạng tham nhũng, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm ở một bộ phận đảng viên có chức, có quyền, cả trong một số cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước”.
Phòng, chống, đấu tranh với căn bệnh bè phái, cục bộ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, cấp bách để làm trong sạch bộ máy công quyền hiện nay. Muốn vậy, phải đề cao trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong việc giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng. Thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình; Phải quan tâm công tác kiểm tra, giám sát, nhất là kiểm tra, giám sát khi có dấu hiệu vi phạm, làm cho kiểm tra, giám sát thực sự là thanh kiếm sắc và lá chắn vững chắc để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, quan tâm chăm lo xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, giữ vững và phát huy truyền thống dân chủ, thương yêu đồng chí lẫn nhau; tôn trọng những đảng viên có ý kiến khác biệt nhưng không làm phương hại đến mục tiêu, lợi ích chung của tập thể, cộng đồng và đất nước.
Muốn vun đắp tinh thần đoàn kết thật sự, mỗi cán bộ, đảng viên – nhất là hàng ngũ lãnh đạo, cần chú trọng chọn cử, giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, thái độ trung thực, đức tính khiêm nhường, tinh thần cao thượng cho mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Phải có bản lĩnh vững vàng, không để kẻ xấu lèo lái vào “cánh hẩu” vì những động cơ, mục đích thiếu lành mạnh. Phải trung thực, thể hiện tính khảng khái, công tâm của bản thân và nói “không” với các biểu hiện theo đuôi, a dua sai trái. Phải khiêm nhường để lắng nghe, học hỏi, tiếp thu cái hay, cái tốt của đồng chí, đồng đội và nhân dân, tránh xa thái độ hẹp hòi khi nhìn nhận, đánh giá. Phải cao thượng để ứng xử thủy chung, nhân nghĩa với anh em trong cơ quan, đơn vị, không để “cái tôi” cá nhân lấn át “cái ta” tập thể, dẫn đến những rạn nứt, sứt mẻ không đáng có trong nội bộ.
Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt phải biết giải quyết hài hòa, xử lý đúng đắn các mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng, giữa xã hội với gia đình, giữa tập thể với cá nhân; không để tư duy, quan niệm, lối sống duy tình, thân hữu chi phối vào việc công, lợi ích công, làm ảnh hưởng đến kỷ cương, phép nước, làm phai nhạt niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.