Ai học qua chương trình phổ thông về lý luận chính trị, trong môn Triết học đều quen thuộc với cặp phạm trù “Nội dung và hình thức”. Ai cũng biết nội dung và hình thức thống nhất, gắn bó với nhau; nội dung quyết định hình thức; hình thức có tác động đối với nội dung,... và cũng rất dễ nhận ra nhiều nơi, nhiều lĩnh vực, nhiều khi chúng ta đang mắc bệnh hình thức. Thậm chí trở thành căn bệnh, thành chủ nghĩa hình thức.

Bệnh hình thức là hiện tượng trong mua sắm, trong công việc, trong sinh hoạt, trong làm việc quá chú trọng cái bên ngoài mà quên đi bản chất bên trong.

Từ xưa đến nay, người Việt đã có tâm lý trọng hình thức: “Miếng trầu không đẹp, đẹp ở tay bưng”. Dù chưa khá giả, có khi vay mượn nhưng nhà có đình đám, giỗ chạp, có khách phải thịnh soạn, cho đẹp mặt với khách, với làng xóm, cho bằng chị, bằng em, sử dụng không hết, gây lãng phí. Nơi ở phải “nhà cao, cửa rộng”, có khi làm xong quét dọn không xuể mới thấy bất hợp lý. Ô tô, xe máy là phương tiện giúp con người di chuyển nhưng người ta coi biển số đẹp là sự phân biệt “đẳng cấp” của uy quyền, sang trọng…

tranh_minh_hoa_benh_hinh_thuc9923937_3092021.jpgTranh minh họa: baoquangnam.vn

Đáng buồn, bệnh hình thức còn nhiễm vào trong một số hoạt động của bộ máy công quyền. Nhiều cuộc khai trương, động thổ, cắt băng khánh thành tổ chức rất hoành tráng. Thành phần tham dự càng đông, càng nhiều sếp bự về “dự và chỉ đạo” càng sang trọng. Sự chuẩn bị được bố trí kỹ càng từ thiếu nữ cầm ô che nắng, những cán xẻng được cuốn giấy xanh, đỏ, những ca sĩ nổi tiếng đến phục vụ chào mừng,... trong khi nội dung rất đơn giản, thậm chí sáo rỗng.

Bệnh thành tích còn thường thể hiện trong xây dựng, mua sắm. Mỗi sếp lên cầm quyền thì xây cổng mới, cải tiến phòng làm việc, sắm lại đồ nội thất,... cho hợp với phong thủy. Càng nâng cấp hàng hiệu, “hàng khủng” thì càng có cơ hội bớt xét, lợi dụng, lãng phí, càng quan liêu, xa dân.

Năm 1947, khi viết tác phẩm 

Sửa đổi lối làm việc
, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gọi đây là “bệnh hữu danh vô thực” với các biểu hiện như: “Làm được ít suýt ra nhiều, để làm một bản báo cáo cho oai nhưng xét kỹ lại rỗng tuyếch”, “khuyết điểm thì giấu đi, không nói đến”, “làm việc không thiết thực, báo cáo không thật thà”, “việc gì cũng không xét đến kết quả thiết thực, cần kíp, chỉ nhằm về hình thức bề ngoài, chỉ muốn phô trương cho oai”.

Theo Người, những cán bộ, đảng viên mắc phải căn bệnh này đều có chung đặc điểm như: Ham địa vị, hay lên mặt, ưa người khác tâng bốc, khen ngợi mình; hễ làm được việc gì hơi thành công thì khoe khoang, vênh váo, cho ai cũng không bằng mình; tự cho mình là anh hùng, vĩ đại, có khi vì cái tham vọng đó mà việc không đáng làm cũng làm; chỉ ham làm chủ tịch này, ủy viên nọ, chớ không ham công tác thiết thực,...

Bác Hồ nhắc nhở cán bộ “phải kiên quyết tẩy sạch bệnh ham chuộng hình thức”. Bác cũng là người sống giản dị, tiết kiệm. Năm 1961, khi về thăm Nghệ An, tỉnh đã chuẩn bị chiếc xe con mui trần, kết vải và hoa quanh xe, bên trong có lót vải trắng,... để đón Bác. Bác nói: “Các chú làm hình thức tốn kém quá. Bác về quê là thăm đồng bào, quê hương, Bác có phải là vua đâu. Các chú cứ ngồi xe này, Bác không ngồi đâu”.

Hình thức là cần thiết, hình thức “chở” nội dung, phù hợp với nội dung, phản ánh đúng nội dung, tác động tích cực đến nội dung, nhưng phải hài hòa, hợp lý. Các nghi thức cấp quốc gia, các cuộc đại sự, có tính đối ngoại,... mà hình thức sơ sài thì không thể chấp nhận được. Chúng ta đang tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với học tập, làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Một trong những nội dung đó là chống căn bệnh hình thức.

Các cụ ngày xưa chưa có khái niệm triết học hình thức và nội dung nhưng đã dặn con cháu: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Thực ra là phải biết coi trọng cái bản chất, cái quan trọng, cái quyết định, cái thiết thực.