(Baonghean) - Tiến sỹ giáo dục Vũ Thu Hương - Giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội và cũng là một trong những chuyên gia hàng đầu Việt Nam về giáo dục giới tính giải đáp các thắc mắc thường gặp nhất của phụ huynh.

Hỏi:Bà từng nói việc giáo dục giới tính cho trẻ nên bắt đầu từ 3 tuổi. Vậy còn trẻ dưới 3 tuổi thì bố mẹ làm thế nào để bảo vệ con khỏi các hành vi xâm hại. Bởi trẻ dưới 3 tuổi thì chưa ý thức được để báo với bố mẹ?

images1878190_a_nh_1.jpgTiến sỹ giáo dục Vũ Thu Hương, một trong những chuyên gia hàng đầu Việt Nam về giáo dục giới tính. Ảnh: Thục Anh

Trả lời:Đúng là trẻ dưới 3 tuổi thì chưa nhận thức, ý thức được các hành vi xâm hại hay bất thường để báo với bố mẹ. Bố mẹ cần phải có ý thức chủ động hơn trong việc đề phòng trẻ bị xâm hại. Đề phòng như thế nào? Tôi khuyên bố mẹ đặc biệt chú trọng việc chọn trường mầm non cho trẻ. 

Giáo dục mầm non ở Việt Nam còn khá nhiều vấn đề. Song giáo dục chính thống vẫn ít vấn đề hơn giáo dục không chính thống. Các bố mẹ đừng quá tin vào những lời quảng cáo màu mè của các trường tư thục mà nên lựa chọn một cách thông thái. Tôi có hai lời khuyên.

Thứ nhất, nếu không có kỹ năng chọn trường thì hãy chọn trường công lập. Ở đó, chúng ta không phải quá lo lắng liệu cô giáo có bạo hành con không, bởi giáo viên mầm non được đào tạo bài bản hoàn toàn đủ kỹ năng dạy trẻ mà không cần roi vọt. 

Thứ hai, nếu chọn trường tư thì phải lưu tâm những điểm sau: Trường có giấy phép thành lập không? Cô giáo có bằng cấp không? Một loại giấy tờ nữa chúng ta có thể kiểm tra là giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm. Phụ huynh đưa con đi học hoàn toàn có quyền được hỏi những điều này. Nếu có vấn đề thì chuyển trường khác ngay. 

Dù cho con học ở trường công hay trường tư, bố mẹ luôn cần đề phòng nhân viên bảo vệ của trường. Thời gian duy nhất người này có thể tiếp cận trẻ là khi lớp tan và bố mẹ chưa đến đón. Tôi thấy nhiều bố mẹ để con chờ đến 6, 7 giờ tối mới đón về. Điều đó khiến đứa trẻ cực kỳ khủng hoảng tâm lý và cũng đặt nó vào nguy cơ bị người xấu tiếp cận, xâm hại.

Thậm chí chúng ta đón con về lại cơ quan để làm việc tiếp nếu chưa hoàn thành công việc chứ đừng làm con đau lòng và gặp rủi ro. 

Giáo dục giới tính cho trẻ cần được thực hiện từ 3 tuổi, với cách thức và mức độ phù hợp với từng lứa tuổi. Ảnh: Thục Anh

Hỏi:Nhiều bố mẹ cảm thấy rất ngại ngùng khi phải nói chuyện giới tính với con, nhất là lúc con bắt đầu bước vào tuổi dậy thì. Bố mẹ có nhất thiết phải nói với con hay con đã đủ nhận thức để tự tìm hiểu?

Trả lời:Có sự khác biệt lớn trong giáo dục giới tính cho trẻ dưới và trên 10 tuổi. Dưới 10 tuổi, trẻ chưa có nhu cầu tìm hiểu về giới tính. Trên 10 tuổi, trẻ có nhu cầu và có thể chủ động tìm hiểu về giới tính. Đây chính là lúc bố mẹ cần đồng hành với trẻ một cách sát sao, giải đáp các câu hỏi của trẻ. 

Tôi thấy nhiều bố mẹ còn chủ quan trong việc giáo dục giới tính cho trẻ khi bước vào tuổi dậy thì. Khi con gái tôi đang học THCS, có lần tôi đến trường đón cháu và thấy cảnh một cháu nam cõng một cháu nữ chạy trên sân trường. Sự va chạm tưởng như rất vô tư đó hoàn toàn có thể kích thích các cháu và dẫn chúng đi xa hơn.

Nếu các bố mẹ nghĩ tôi lo xa thì hãy nhìn vào con số này: 10% trẻ em Việt Nam quan hệ tình dục từ năm lớp 6. Ở thành phố Hồ Chí Minh, 76% trẻ em quan hệ tình dục trước 18 tuổi. Ở Hà Nội con số này là 60%. Nếu không giáo dục giới tính cho trẻ thì bố mẹ rất có thể lên chức ông bà lúc nào không hay.

Vậy nên đừng ngại ngùng, né tránh khi trẻ đặt câu hỏi. Hãy giải thích cho chúng về những thay đổi trong cơ thể người nam và người nữ khi lớn lên, cách đón nhận sự thay đổi đó. Hãy dạy cho trẻ cách nhận biết những lời dụ dỗ xấu, những người bạn xấu. 

Hãy nói với trẻ về sex một cách nghiêm túc, thẳng thắn dưới góc độ khoa học, tâm sinh lý và pháp lý nữa. Có lần tôi đến dạy cho các cháu THCS về giới tính. Các cháu rất ngạc nhiên khi biết nếu quan hệ tình dục trước 16 tuổi thì bạn nữ là nạn nhân còn bạn nam là người xâm hại, có thể bị đi tù.

Thế là các cháu nam liền quát các cháu nữ: “Ngồi xa ra không là bọn tớ bị đi tù”. Còn các cháu nữ sau khi nghe tôi nói nếu có bầu trước tuổi vị thành niên sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ ra sao, việc học hành bị ảnh hưởng như thế nào thì các cháu sợ và tự nói: “Con không muốn có bầu bây giờ đâu cô ạ”. 

Tôi hay nói đùa với các bố mẹ là trẻ con hồn nhiên và dễ sợ lắm nên “hù dọa” chúng một chút cũng có thể đạt hiệu quả không ngờ. Nhưng “doạ” rồi cũng phải đưa ra cho bọn trẻ một hạn mức cụ thể: Bây giờ chưa được nhưng bao giờ con 18 tuổi thì sẽ được. Nói như thế không phải để vẽ đường cho hươu chạy, mà để trẻ cảm thấy yên tâm và không còn tò mò nữa. 

Phụ huynh và con em tham gia Hội thảo phòng chống xâm hại tình dục trẻ em tổ chức tại TP. Vinh, Nghệ An. Ảnh: Thục Anh

Hỏi:Tiến sỹ có lời khuyên gì để bố mẹ có thể tạo dựng mối quan hệ gần gũi với con, để con cởi mở chia sẻ với bố mẹ mà không giấu diếm điều gì?

Trả lời:Rất nhiều bố mẹ hỏi tôi về điều này. Tôi khẳng định luôn là trẻ con ít khi trả lời câu hỏi của người lớn một cách hợp tác và cởi mở. Với trẻ dưới 6 tuổi chưa có tư duy logic nên khó có thể trả lời câu hỏi một cách chính xác. Chúng chỉ trả lời theo cảm tính thôi. Còn trẻ lớn hơn thì lại cảm thấy câu hỏi của bố mẹ mang tính “điều tra” nhiều hơn là quan tâm. 

Một cách trả lời câu hỏi thường thấy ở trẻ em là lấy chữ cuối cùng của câu hỏi nối thêm chữ “ạ”. Con làm bài tập chưa? Chưa ạ. Con uống sữa rồi à? Rồi ạ. Bằng cách đó, chúng “từ chối” cung cấp cho chúng ta thêm thông tin, thậm chí là cung cấp thông tin sai.

Giải pháp là hạn chế hỏi trẻ những câu hỏi dạng “Yes/No”. Hãy bắt đầu câu hỏi bằng cách kể câu chuyện của mình. Ví dụ: Ngày xưa mẹ đi học, cô giáo hay cho mẹ cắt hoa, mà mẹ hay được cô giáo khen là cắt đẹp đấy. Thế lớp con cô giáo hay cho làm gì? Trẻ sẽ trả lời: Lớp mẹ cũng được cắt hoa à. Lớp con cô cũng cho cắt hoa đấy.

Cách này áp dụng được với trẻ ở mọi lứa tuổi. Với trẻ nhỏ thì việc kể câu chuyện của chúng ta sẽ tạo lên một hình mẫu để chúng bắt chước theo. Đồng thời, chúng sẽ khớp với câu chuyện thật của mình để cung cấp những thông tin chính xác.

Còn với trẻ lớn, việc bố mẹ chia sẻ câu chuyện của mình trước sẽ giúp chúng cảm thấy tin tưởng và thoải mái hơn khi nói chuyện với bố mẹ. Khi đã tạo được thói quen, thậm chí bố mẹ không cần hỏi nhiều trẻ cũng tự nói chuyện với bố mẹ.

Thục Anh

TIN LIÊN QUAN