(Baonghean) - Những ngày nắng nóng dai dẳng này, truyền thông ví von miền tây Nghệ An như cái “chảo lửa” của cả nước. Ấy vậy mà lại có những vùng tiểu khí hậu mát rượi dù là giữa trưa nắng. Đó là xã Mường Lống, Huồi Tụ (huyện Kỳ Sơn). Cách đó không xa là đất Mỹ Lý cũng là một không gian trong lành giúp lòng người thư thái giữa mùa hè nóng nực. 

Để đến được Mường Lống, Huồi Tụ và Mỹ Lý có 2 tuyến xe ô tô chạy từ Thành phố Vinh nhưng giờ giấc chẳng mấy phù hợp. Buổi chiều, một xe xuất phát từ Thành phố Vinh phải đến nửa đêm mới vào đến đất Mường Lống. Một chiếc xe khác đến vào sáng sớm thì phải chiều muộn mới trở về Vinh. Thực ra thì chúng tôi có thể chọn đi 2 chặng xe khách đến Mường Xén rồi ngồi xe ôm hoặc chờ xe khách để vào Huồi Tụ rồi Mường Lống, hoặc Mỹ Lý, hoặc tham quan những điểm du lịch ở Vườn Quốc gia Pù Mát rồi đi tiếp lên Kỳ Sơn… 
 
images1174413_ch__b____mu_ng_l_ng.jpgChợ mua - bán bò ở Mường Lống.
Suy tính kỹ thấy đằng nào cũng bất tiện vậy nên tôi và cô bạn viết báo chọn phương tiện xe máy. Chẳng phải chúng tôi tiếc 300.000 đồng tiền xe khách mà một phần cũng vì cái tính ưa vẻ phong trần của kiểu du lịch “bụi”. Từ 4 giờ sáng chúng tôi đã phải xuất phát, sau 6 giờ đồng hồ ngồi xe máy, mới tới Thị trấn Mường Xén, trung tâm huyện Kỳ Sơn. Mường Lống còn cách Mường Xén 50 km nữa. Đến buổi chiều chúng tôi mới vào đến đất Mường Lống. Giờ nóng cao điểm, ở Thị trấn Mường Xén mức nhiệt dễ phải lên đến gần 400C.
 
Đắp chăn bông giữa ngày hè
 
Thế mà khi bắt đầu đến trung tâm xã Huồi Tụ, cái nắng nóng chợt dịu đi. Ở đây có độ cao gần 1400m so với mực nước biển. Đây là xã thuần người Mông với 13 bản ở rải rác trên tuyến đường vào Mường Lống, Mỹ Lý. Từ gần 15 năm nay người Mông ở Huồi Tụ đã bắt đầu trồng cây chè. Bây giờ chè đang trở thành cây trồng được nhiều hộ dân ưa thích bởi đầu ra được Tổng đội TNXP 8 đảm bảo ổn định. Thương hiệu chè shan tuyết Huồi Tụ cũng bước đầu được xây dựng. Đã có những hộ người Mông biết cách làm giàu từ chè, thứ cây trồng mà trước kia chẳng mấy ai tin trồng.
 
Ở bản Trung Tâm cũng là trung tâm xã Huồi Tụ có một khu chợ sầm uất nhất trên tuyến đường dài 54 km từ Thị trấn Mường Xén vào xã Mỹ Lý. Mấy người bán hàng tạp hóa khuyên chúng tôi nên kiểm tra bình xăng nếu không muốn dắt xe bởi quãng đường 16 km từ Huồi Tụ vào Mường Lống cũng như vào tận Mỹ Lý không có điểm bán xăng nào. Ở khu chợ bản Trung Tâm chỉ có vài nhà bán lẻ xăng. Họ phải đi bơm xăng từ cây xăng gần nhất ở cách phía ngoài 50 km. Mỗi lít xăng bán tại khu chợ này lên đến 25.000 đồng. 
 
Hang Thằm Lạn.
Mất thêm nửa giờ đồng hồ nữa thì chúng tôi tới cổng trời Mường Lống. Lúc này cái nóng nực tưởng như đã bay biến. Tôi từng nghe nói về vùng tiểu khí hậu đáng quý này. Mỗi ngày nơi đây có 4 mùa, y như ở Đà Lạt vậy. Dưới thung lũng cũng có một khu chợ nhỏ mỗi tháng có 2 lần họp phiên. Một phiên họp vào các ngày 14, 15, 16 dương lịch, phiên nữa hợp vào 3 ngày cuối cùng trong tháng. Tại mỗi phiên chợ, người dân trong những bản gần xa mang các mặt hàng lâm, thổ sản ra bày bán. Có hẳn một khu vực dành để mua bán trâu, bò.
 
Anh Phó Chủ tịch xã trẻ măng Vừ Bá Lềnh tỏ ra ái ngại cho chúng tôi bởi trong xã chưa có một điểm đón khách du lịch nào. Trước đó qua điện thoại tôi có trao đổi muốn giới thiệu về tiềm năng du lịch của Kỳ Sơn trong đó có xã Mường Lống, anh Phó Chủ tịch có nhã ý mời về nhà dùng bữa tối nhưng chúng tôi từ chối bởi muốn ăn tối thử tại một hàng quán nào đó ở trung tâm xã để biết được khẩu vị người dân nơi đây. Không có nhà đón tiếp khách du lịch, anh Lềnh bố trí cho mỗi người một nơi nghỉ qua đêm ở UBND xã. Những phòng làm việc vừa là phòng nghỉ của cán bộ xã mới xây cất, nhìn chẳng mấy kém cạnh những nhà nghỉ ở phố huyện vùng cao, chỉ thiếu mỗi máy lạnh.
 
Tôi bước vào căn phòng thấy nóng nực hơn ngoài trời. Trong khi mấy người miền xuôi mới lên bán hàng tại khu chợ chưa quen khí hậu đã phải mặc ấm. Tôi mở toang tất cả cửa sổ cho gió trời lùa vào phòng. Kinh nghiệm đi miền núi dạy cho tôi rằng chỉ cần làm vậy sau khoảng nửa giờ đồng hồ đi ăn tối trở về sẽ có hẳn một phòng ngủ có máy lạnh như ở miền xuôi. Chỉ có điều đây là chiếc máy lạnh thiên nhiên, chẳng phải tốn chút tiền điện năng nào. Trước khi chia tay anh Lềnh bảo rằng: Thật ra ở đây mỗi tháng chỉ có vài người tìm đến khám phá du lịch. Họ thường trở ra trung tâm huyện ngay trong ngày, chẳng mấy khi ở lại địa bàn vì thiếu nơi ăn chốn ở. 
 
Cũng như anh Phó Chủ tịch xã, cô chủ quán tỏ ra ái ngại: “Anh chị muốn ăn cơm với thị gà đen của người Mông thì phải đặt trước. Ở đây ít khách nên nấu ra sợ không bán được. Thôi thì ăn tạm cơm với thịt lợn và canh rau cải nhé.” Thôi thì cũng được, tôi bảo vậy, vì biết rau cải nơi đây được trồng quanh năm, ăn cũng ngon ra phết. Nghe đâu sắp tới có một doanh nghiệp đưa cây nấm linh chi và tam thất về trồng ở đất này. Vào mùa hoa cải nở, nhất là khi dịp gần Tết Nguyên đán, hoa cải, hoa mận tạo thành một bức tranh với những gam màu xanh, vàng đỏ rực rỡ như gấm thêu. Đó là thời điểm Mường Lống trở nên quyến rũ nhất trong năm. Trong khi chờ cô chủ quán nấu bữa tối, tôi tranh thủ đi dạo trong rừng mận dưới thung lũng. Những tốp phụ nữ Mông đi kín nước cười rúc rích giữa rừng mận. Chỉ tiếc mùa này hầu như chẳng cây mận nào còn trái vì cách đây ít lâu, mưa đá đã vắt trụi cả những vườn mận ở Mường Lống.
 
Sau bữa tối, tôi trở về nơi nghỉ. Quả là như dự tính, căn phòng của tôi đã trở nên mát rượi như khi đang bật máy lạnh. Chỉ việc đóng hết các cửa sổ lại là đêm nay tôi sẽ có một giấc ngủ yên lành. Gần nửa đêm, cái lạnh đánh thức tôi dậy. Lúc này tôi có cảm tưởng mức nhiệt trong căn phòng đã xuống dưới 200C. Tôi quờ vội chiếc chăn bông đắp lên mình mới có thể tiếp tục giấc ngủ. Đó quả là một trải nghiệm lý thú ở Mường Lống, nhất là giữa những ngày nắng nóng kỷ lục trong suốt gần nửa thế kỷ này trên dải đất miền Trung. 
 
Hang núi “triệu người” bên bản Thái
 
Hôm sau, chúng tôi vào xã Mỹ Lý. Theo nghiên cứu của một nhà khoa học thì nơi đây khi xưa là là một mường cổ của người Thái cách xã Mường Lống chừng 20 km. Nơi đây có khí hậu khá khác biệt với Mường Lống. Chúng tôi vẫn cảm nhận rõ cái nắng nóng. Mỹ Lý là vùng ven phía ngoài của lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ nên cái nóng nực phần nào được điều hòa. Nếu có nhiều thì giờ hơn chúng tôi đã có thể thuê một chiếc thuyền ở bến nước bản Xốp Tụ đi du ngoạn một vòng trên hồ xem cảnh người dân đánh cá và cho nguôi đi cái nóng nực ngày hè. Chúng tôi chọn khám phá hang Thằm Lạn (hang triệu người - Tiếng Thái). Gần đây truyền thông giới thiệu về cái hang đá này với cái tên Thằm Đạn. Bởi khi khai thác thông tin các ký giả nghe những người bản địa chủ yếu là người Thái nhóm Tày Thanh phát âm chữ “lạn” thành chữ “đạn” khiến người đọc liên tưởng đến một kho vũ khí thời chiến tranh. 
 
Hang Thằm Lạn lẩn khuất sau rừng cây và núi đá nên ít gây sự chú ý. Gần đây chính quyền xã đã xây những bậc thang trên đường lên cửa hang để du khách tiện lợi tham quan. Nhìn vẻ ngoài chiếc hang có vẻ kém hấp dẫn thế nhưng khi bước vào trong, một thế giới kỳ lạ hiện lên đầy lý thú. Những nhũ đá rêu phong trên vách hang nom hệt như mô hình bầy khủng long thời tiền sử vẫn trình chiếu trên phim ảnh. Một ngách hang khác lại y như căn buồng ngủ với đầy đủ, giường gối. Cảm tưởng đây vốn là nơi ở của một vị lãnh chúa miền sơn cước đã hóa đá bởi sự phù phép của tạo hóa. Nhìn những cảnh tượng này, cô bạn đồng hành của tôi vừa sợ sệt lại vừa thích thú. Trải dọc suốt nền hang dài khoảng 300m này là những thửa ruộng bậc thang nom rất kỳ thú. Sau này tôi mới biết rằng người dân ở bản Xốp Tụ, Xiềng Tắm tin rằng họ biết làm ruộng nước là nhờ thần hang Thằm Lạn bày dạy.
 
Phó Chủ tịch xã Mỹ Lý Lô Văn Liệu là một người đau đáu với việc phát triển du lịch nơi đây. Anh chia sẻ với tôi trong buổi chiều muộn, khi những tia nắng sắp tắt lụi rằng: Ở Mỹ Lý, tiềm năng du lịch là có. Vào với đất này là vào với chốn hiếu khách và tình người. Những bản người Thái sống hồn nhiên giữa thiên nhiên xanh mướt lúc nào cũng sẵn lòng tiếp đón những khách phương xa. Ở đây ngoài hang Thằm Lạn còn có tháp cổ Yên Hòa và thác Cành Lẹt cũng rất đáng tham quan. Thế nhưng, để khai thác được những tiềm năng này thì cần phải nhiều thời gian và nỗ lực nữa. Anh Liệu chia sẻ thêm: “Năm ngoái chính quyền huyện có gợi ý xã nên tổ chức một lễ hội ở hang Thằm Lạn nhưng nghĩ đến việc duy trì lễ hội vào những năm sau nên chúng tôi quyết định dừng lại. Địa phương còn khó khăn về kinh tế mà việc duy trì lễ hội lại phải đòi hỏi một nguồn kinh phí.”
 
Những trăn trở của vị Phó Chủ tịch xã là rất thiết thực bởi phải nói rằng không chỉ riêng gì xã Mỹ Lý hay huyện Kỳ Sơn, để khai thác tiềm năng du lịch ở các địa phương miền núi Nghệ An còn quá nhiều việc phải làm. Đầu tư tổ chức lễ hội có thể chưa hẳn là cách làm hay nhất là đối với những nơi đặc biệt khó khăn như Mỹ Lý.
 
Sau chuyến đi trở về gặp cái nóng hầm hập phả ra từ những ngôi nhà cao tầng, tôi mới hiểu được giá trị thực sự của những tiểu vùng khí hậu vừa đi qua. Những lòng chảo Mường Lống, cao nguyên Huồi Tụ, hang Thằm Lạn xã Mỹ Lý… như là những viên ngọc quý đang chờ ngày tỏa sáng. Thế nhưng để khai thác được những tiềm năng này vào việc phát triển du lịch cần phải có sự vào cuộc bởi ngạn ngữ đã dạy rằng “ngọc bất trác bất thành khí” quả là chẳng có sai chút nào.
 
Hữu Vi