Chuyên gia quân sự Nga Vladimir Lodkin có bài báo cung cấp một số thông tin tương đối chi tiết về một lực lượng đáng gờm của Bắc Triều Tiên (BTT) - đó là lực lượng tàu ngầm.

Ngày 6/12/2017, Bình Nhưỡng chính thức ra tuyên bố về tình hình trên bán đảo Triều Tiên liên quan đến các cuộc tập trận quy mô lớn Mỹ-Hàn Quốc.

Theo tuyên bố thì những hành động (tập trận) nói trên của Mỹ cho thấy rằng chiến tranh trên bán đảo là không thể tránh khỏi. Với cuộc tập trận này, Mỹ đang chuẩn bị tấn công Bắc Triều Tiên.

Đã có nhiều bình luận, bài viết, phân tích của các chuyên gia về sức mạnh quân sự của các bên liên quan trên Bán đảo Triều Tiên, nhưng chúng tôi vẫn xin chuyển đến bạn đọc bài báo của chuyên gia quân sự Nga Vladimir Lodkin cung cấp một số thông tin tương đối chi tiết về một lực lượng đáng gờm của Bắc Triều Tiên (BTT) - đó là lực lượng tàu ngầm.

image_2966652.jpg

Sau đây là nội dung bài báo, các ảnh trong bài là của tác giả V.Lodkin:

“Muốn hòa bình - hãy chuẩn bị chiến tranh”. Câu cách ngôn thời Trung Cổ ngày càng trở nên đúng nếu xét tới tình hình BTT hiện nay.

Những lời dọa dẫm (của BTT) về việc các tàu ngầm của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (CHDCNDTT) có thể phóng tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân, nếu căn cứ vào những sự kiện chúng ta vừa mới chứng kiến, rõ ràng không phải là không có cơ sở.

Nguy cơ một đòn tấn công bằng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Nhật Bản, Nam Triều Tiên và các căn cứ quân sự của Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương trong tương lai gần – đó là một trong những kịch bản hiện thực nhất (dễ xảy ra nhất-ND).

Trong những năm gần đây Bình Nhưỡng đã đạt những thành tựu ấn tượng trong phát triển công nghệ tên lửa của các tàu ngầm và cho thấy ý định rõ ràng của họ sử dụng các thành tựu đó để giải quyết các nhiệm vụ chiến lược.

BTT không hề giấu diếm những tham vọng quân sự của mình, ngay cả khi Mỹ đang có ưu thế quân sự- chiến lược tuyệt đối trong khu vực và cũng đang gấp rút triển khai tại khu vực Bán đảo Triều Tiên các cụm tàu tấn công của Hải quân Mỹ gồm các tàu sân bay, tàu nổi và tàu ngầm mang tên lửa có cánh “Tomahawk”.

Những mối đe dọa từ các tàu ngầm BTT ngày càng làm gia tăng căng thẳng trong khu vực bởi vì giới lãnh đạo CHDCNDTT cho thấy họ hoàn toàn không có ý định từ bỏ kế hoạch hiện thực hóa các chương trình tên lửa-hạt nhân của mình.

Cần phải đặc biệt nhấn mạnh một điểm rằng, - căn cứ vào chiến lược quân sự quốc gia và theo đề xuất của giới cầm quyền BTT, vào tháng 4/2012, Hiến pháp nước này đã được sửa đổi và có bổ sung điều khoản xác định quy chế hạt nhân của CHDCNDTT.

Thêm nữa, từ khi lên nắm quyền, Kim Chính Ân (Kim Jong-un) đã giành cho lực lượng tàu ngầm một sự quan tâm đặc biệt.

Trước hết, đó là triển khai đóng các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo và xây dựng thành tố biển trong thành phần của lực lượng hạt nhân chiến lược CHDCNDTT.

Lực lượng tàu ngầm CHDCND Triều Tiên

Công tác thiết kế, đóng và sử dụng tàu ngầm các kiểu khác nhau tại CHDCNDTT đã được triển khai từ giữa những năm 1960. Theo nguồn số liệu của nước ngoài thì từ những năm 2000, Hải quân CHDCNDTT đã bắt đầu thực hiện kế hoạch hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm.

Đến thời điểm hiện tại, lực lượng tàu ngầm BTT - một trong những lực lượng tàu ngầm có số lượng tàu nhiều nhất trên thế giới. Theo tiêu chí số lượng tàu ngầm phi hạt nhân thì CHDCNDTT đứng cùng hàng với Nga, Trung Quốc, Iran và Ấn Độ trong tốp 5 nước có nhiều tàu ngầm phi hạt nhân nhất.

Trong biên chế của các lực lượng tàu ngầm CHDCNDTT có hơn 75 tàu ngầm.

Lực lượng nòng cốt của hạm đội tàu ngầm BTT là các tàu ngầm diesel kiểu”033” với 20 chiếc. Tàu ngầm “033” được đóng tại BTT theo giấy phép của Liên Xô trong những năm 60 của thế kỷ XX. Nguyên mẫu của tàu ngầm “033” là tàu ngầm Xô Viết dự án 633 (kiểu “Romeo” theo định danh NATO).

Chiều dài tối đa của tàu ngầm “033” : 76,6m, chiều rộng tối đa: 6,7m, mớn nước: 5,2m, lượng giãn nước khi nổi (khi lặn): 1.475 (1.830) tấn, tốc độ tối đa trên mặt nước (ngầm): 15 (13) hải lý/h, độ sâu lặn: 300m. Vũ khí của tàu là 8 thiết bị (ống) phóng lôi 533mm. Kíp thủy thủ: 54 người.

Ngoài các tàu “033”, trong trang bị của Hải quân CHDCNDTT còn có hơn 50 tàu ngầm nhỏ và siêu nhỏ các lớp khác nhau.

Các tàu ngầm cỡ nhỏ của Hải quân CHDCNDTT (từ trên xuống dưới) –kiểu Yogo, kiểu Р-4, kiểu Sang-O

Tàu ngầm cỡ nhỏ “Sang-O” được thiết kế trong những năm 1980-1990. Tổng cộng CHDCNDTT đã đóng 40 tàu kiểu này, và “Sang-O” vẫn tiếp tục được đóng.

Chiều dài của “Sang-O”: 34m, chiều rộng: 3,8m, lượng giãn nước khi lặn: 370 tấn, tốc độ trên mặt nước (ngầm):7,2 (8,8) hải lý/h, cự ly hoạt động: 1.500 hải lý, vũ khí- 2 thiết bị phóng lôi 533mm (cơ số đạn- 4 ngư lôi).

Tàu ngầm “Sang-O” được sử dụng để tiến hành các chiến dịch đặc biệt, rải mìn và chống tàu nổi (cả tàu chiến lẫn tàu dân sự). Tàu ngầm cỡ nhỏ “Sang-O” được khởi công đóng từ năm 1991.

Trong sery này, ngoài phiên bản chủ yếu là tàu ngầm phóng lôi (ngư lôi kiểu 53-56 Xô Viết) còn có 2 chiếc chuyên thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt mang 16 mìn trên những móc treo bên ngoài. Ngoài nhiệm vụ rải mìn, những tàu ngầm này (2chiếc nói trên) còn có thể vận chuyển các thiết bị ngầm chở người nhái. Trong thành phần vũ khí của tàu còn có súng máy 12,7 ly và một tổ hợp tên lửa phòng không vác vai.

Theo số liệu từ các nguồn khác nhau, CHDCNDTT còn có đến 10 tàu ngầm siêu nhỏ kiểu “Yugo”. Tàu ngầm siêu nhỏ “Yugo” được thiết kế tại BTT, thời gian đầu chuyên dùng cho xuất khẩu.

Một số tàu kiểu “Yugo” đã được bán cho Iran và Việt Nam. Chiều dài của tàu: 20m, chiều rộng: 2m, lượng giãn nước khi lặn: 90 tấn, tốc độ trên mặt nước (khi lặn)-10 (4) hải lý/h, vũ khí- 2 thiết bị phóng lôi 533mm (cơ số đạn - 2 quả ngư lôi).  

Theo Báo Đất việt

TIN LIÊN QUAN