Chưa tính ở trên không, trên biển, lực lượng lục quân đã sở hữu số lượng xe tăng, thiết giáp, súng pháo lên tới con số hàng vạn.
Trong thành phần Lực lượng Vũ trang Liên bang CHXHCN Xô Viết, lục quân hay còn được gọi là Quân đội Liên Xô (biệt danh “ Hồng quân Liên Xô”) được coi là thành phần lớn nhất với quân số thường trực năm 1991 đạt 3,66 triệu người, chưa kể 4,12 triệu lính dự bị.
Với quân số lớn tới như vậy, rõ ràng trang bị khí tài hạng nặng trên mặt đất của Hồng quân Liên Xô là vô cùng khủng khiếp.
Thật vậy, theo thống kê mang tính tương đối, số lượng vũ khí Quân đội Liên Xô có thể nói là khó tưởng tượng.
Tính tới thời điểm năm 1990, về lực lượng xe tăng, Hồng quân Liên Xô sở hữu tới 55.000 xe tăng các loại. Trong đó, hiện đại nhất là T-80, chiếm số lượng lớn nhất là T-54/55.
Cụ thể, hồng quân khi đó có 4.000 chiếc T-80, 10.000 T-72, 9.700 T-64, 11.300 T-62, 19.000 T-54/55 và 1.000 PT-76.
Lưu ý, hiện nay Quân đội Nga sở hữu số lượng xe tăng “khổng lồ” nhất thừa hưởng từ Liên Xô chỉ khoảng 15.000 chiếc, Trung Quốc cũng rất mạnh nhưng chỉ có chưa tới 10.000, cường quốc quân sự Mỹ chỉ còn duy trì khoảng 5.000 chiếc.
Số lượng xe thiết giáp chở quân và trinh sát của hồng quân lên tới khoảng 73.500 chiếc gồm 70.000 chiếc xe thiết giáp BTR-50/60/70/80/152, MT-LB và 3.500 chiếc thiết giáp trinh sát BRDM.
Số lượng xe chiến đấu bộ binh – thường trang bị cho các sư đoàn bộ binh cơ giới gồm 24.000 chiếc BMP-1/2/3
Về pháo binh, số lượng pháo kéo xe lên tới 33.000 khẩu các loại đủ kích cỡ gồm: 4.300 khẩu D-30 122mm; 1.175 khẩu M-46 130mm; 1.700 khẩu D-20 152mm; 598 khẩu 2A65 152mm; 1.000 khẩu 2A36 152mm; 1.600 khẩu ML-20 152m….
Số lượng pháo tự hành lên tới 9.000 khẩu bao gồm: 2.700 khẩu 2S1 122mm; 2.300 khẩu 2S3 152mm; 507 khẩu 2S5 152mm; 347 khẩu 2S7 Pion; 430 khẩu 2S4…
Đáng chú ý, số lượng pháo tự hành hiện đại nhất khi đó của Quân đội Liên Xô là 2S19 Msta ước tính chỉ có khoảng 20 khẩu. Con số này dưới thời Quân đội Nga tăng lên 500 khẩu gồm nhiều phiên bản mới hiện đại hơn.
Số lượng pháo phản lực lên tới 8.000 khẩu, chủ yếu là BM-21 Grad, trong khi đó các loại pháo phản lực hạng nặng như BM-27 220mm và BM-30 300mm không nhiều (lần lượt là 857 và 123). Tuy nói là không nhiều, đó là so với mặt bằng chung của Hồng quân Liên Xô, còn thực tế đó là con số rất lớn.
Pháo binh Liên Xô khi đó cũng tổ chức đơn vị tên lửa chiến dịch – chiến thuật được trang bị các loại tên lửa đạn đạo tầm bắn từ 500km trở xuống gồm Scud, Tochka, Oka và Luna-M.
Lực lượng phòng không thuộc lục quân Liên Xô sở hữu sức mạnh “khủng khiếp” với khả năng tiêu diệt được hầu hết mục tiêu trên không gồm cả tên lửa đạn đạo. Trang bị tính tới năm 1990 của phòng không lục quân khi đó gồm:
1.350 bệ phóng tên lửa 2K11 Krug (SA-4); 854 2K12 Kub (SA-6); 950 9K33 Osa (SA-8); 430 9K31 Strela-1 (SA-9); 860 9K35 Strela-10 (SA-13); 130 9K22 Tunguska; 300 bệ phóng Buk (SA-17) và 70 bệ phóng tên lửa S-300. Chưa kể số lượng các khẩu đội pháo phòng không tự hành ZSU.
Số lượng pháo phòng không kéo xe lên tới 12.000 khẩu từ cỡ nhỏ 12,7-14,5mm tới cỡ lớn 100mm KS-19. Trong ảnh là khẩu đội pháo cao xạ tầm cao KS-19, bằng thứ vũ khí này, Việt Nam đã từng sử dụng bắn hạ cả “pháo đài bay” B-52.
Ngoài ra, lực lượng lục quân của Quân đội Liên Xô cũng tổ chức cả không quân riêng với 4.300 máy bay – số lượng bằng mấy lực lượng không quân các nước cộng lại.
Cụ thể gồm: 1.420 trực thăng tấn công Mi-24; hơn 3.000 chiếc trực thăng vận tải Mi-2/6/8/17/26.