Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Tham gia có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
1.392 cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC
Tại cuộc họp, đại diện Công an tỉnh thông tin, hiện qua rà soát, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 1.392 cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCCđược đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC 2001 có hiệu lực và 4 cửa hàng kinh doanh xăng dầu không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC nằm trong khu dân cư (các cơ sở vi phạm phổ biến gồm: cơ sở sản xuất, kinh doanh, chợ, kho hàng hóa có nguy cơ cháy, nổ cao; trụ sở làm việc của một số cơ quan Nhà nước; các cơ sở giáo dục công lập…).
Theo đó, với nội dung Dự thảo Nghị quyết, Công an tỉnh tham mưu đề xuất 2 nội dung quy định việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn tỉnh Nghệ An, gồm: Quy định việc xử lý các cơ sở trên địa bàn tỉnh không đảm bảo yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 có hiệu lực.
Quy định phương án xử lý các cơ sở thuộc loại hình kho chứa và công trình chế biến sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm cháy, nổ nằm trong khu dân cư, nơi tập trung đông người không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC.
Cần thiết ban hành dự thảo Nghị quyết
Tại cuộc họp, các đại biểu tham gia đều cho rằng, cần thiết ban hành Dự thảo Nghị quyết. Theo đó, nêu rõ quan điểm, cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC trên địa bàn tỉnh đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực phải thực hiện các biện pháp khắc phục đối với từng nội dung không đảm bảo an toàn PCCC: Bố trí lại mặt bằng, công năng sử dụng; giao thông phục vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; khoảng cách an toàn về PCCC; bậc chịu lửa; lối ra thoát nạn; ngăn cháy lan; trang bị phương tiện PCCC và hệ thống kỹ thuật có liên quan về PCCC…
Đồng thời, chủ cơ sở phải xây dựng kế hoạch, phương án di chuyển ra khỏi khu dân cư, nơi tập trung đông người để đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trong thời gian thực hiện các thủ tục phục vụ việc di dời, chủ cơ sở phải giảm trữ lượng, khối lượng tồn chứa chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ; trang bị bổ sung phương tiện và hệ thống kỹ thuật về PCCC, thường xuyên duy trì các điều kiện an toàn PCCC. Chỉ được phép hoạt động khi đã tuân thủ đầy đủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định, bảo đảm khoảng cách an toàn về PCCC.
Các loại kho chứa và công trình chế biến sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm cháy, nổ sau khi di chuyển ra khỏi khu dân cư, nơi đông người cần đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật về PCCC và các yếu tố kỹ thuật khác theo tiêu chuẩn và quy chuẩn chuyên ngành liên quan.
Tuy nhiên, vấn đề nhiều đại biểu phân vân, đó là đối với cơ sở không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC, cần tính toán phương án di dời, quy hoạch địa điểm, có cơ chế, hỗ trợ kinh phí... Đối với những cơ quan thuộc ngân sách Nhà nước thì phải được phê duyệt ngân sách, chưa kể đó là thời gian thực hiện, hoàn thành… Có như vậy, dự thảo Nghị quyết mới khả thi.
Kết luận cuộc họp, đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nêu rõ, về quy trình, thủ tục ban hành dự thảo đảm bảo các bước. Theo đó, để hoàn thiện dự thảo, Công an tỉnh cần phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, xây dựng phương án di chuyển, nội dung hỗ trợ (nếu có); lộ trình, thời gian thực hiện cụ thể.
Lưu ý, cần tách bạch 2 nhóm cơ sở không đảm bảo yêu cầu an toàn về PCCC, đó là đơn vị sản xuất, kinh doanh chế xuất và cơ sở là các công trình làm việc của một số cơ quan Nhà nước, các cơ sở giáo dục... chưa đủ đi kiện bắt buộc về PCCC. Đối với nhóm thứ 2, cần có khung chính sách, bố trí thêm ngân sách ngoài cải tạo, sửa chữa cơ sở, cần có phương án kinh phí về PCCC.