Tại phiên họp, các thành viên UBND tỉnh đã được nghe báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện đề án phát triển công tác y tế theo hướng xã hội hóa tại Quyết định 813/2017 của UBND tỉnh.
Theo đó, sau 1 năm thực hiện, Đề án đã cho nhiều kết quả tốt, cụ thể: 22/35 bệnh viện công lập đã thực hiện xã hội hóa, với việc triển khai 12 đề án, lắp đặt 42 máy với tổng kinh phí hơn 73 tỷ đồng. Một số đơn vị đã xây dựng các cơ sở hạ tầng, phòng khám chữa bệnh theo yêu cầu riêng biệt.
Hiện nay, Nghệ An có 11 bệnh viện ngoài công lập, đứng thứ 3 cả nước. Trong năm 2017, các bệnh viện này đã đầu tư hơn 300 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất và đầu tư 72 tỷ đồng mua 479 trang thiết bị; khám và điều trị cho trên 600 ngàn người bệnh, chiếm tỷ lệ 11% số bệnh nhân toàn tỉnh.
Bên cạnh những mặt tích cực, công tác xã hội hóa y tế hiện nay gặp nhiều khó khăn, bất cập, đặc biệt ở khối công lập. Xã hội hóa ở cơ sở công lập hiện có các hình thức liên doanh, liên kết, góp vốn, thuê thiết bị, đặt máy bán hóa chất...đang bộc lộ nhiều kẽ hở, ảnh hưởng đến sự phát triển dịch vụ kỹ thuật, nghiêng về sinh lợi, nhẹ về phúc lợi xã hội. Nhiều hình thức xã hội hóa đang bị Bảo hiểm Xã hội Việt Nam “tuýt còi” không cho thanh toán, hoặc bị Bộ Y tế yêu cầu dừng lại.
Để lành mạnh hóa hoạt động xã hội y tế hiện nay, cũng như có kinh phí để thực hiện đề án (hiện đề án cần 1.097 tỷ đồng để thực hiện nhưng ngân sách không đủ để chi), sau khi nghiên cứu thực tế tại tỉnh Phú Thọ và Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Y tế Nghệ An đề xuất phương án vay vốn ngân hàng để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị y tế.
Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban và đại diện các sở ngành đã có nhiều ý kiến phát biểu mang tính xây dựng cao. Đồng tình với các ý kiến phát biểu, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường nêu rõ: Thống nhất chủ trương cho phép vay vốn ngân hàng để xây dựng, mua sắm trang thiết bị ở bệnh viện công lập.
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường nhấn mạnh: Để được vay, các bệnh viện phải xây dựng đề án vay, trong đó phải có đầy đủ nội dung: Vay để làm gì? Ai bảo lãnh? Khả năng trả nợ? Giám đốc bệnh viện phải đứng ra chịu tư cách pháp nhân để ký vay. Đề án phải được Sở Y tế và các sở ngành liên quan thẩm định kỹ, trước khi trình lên UBND tỉnh phê duyệt. Sau xây dựng và mua sắm, các bệnh viện cần trình Sở Tài chính và các sở ngành liên quan xây dựng giá dịch vụ kỹ thuật theo đúng Luật Giá.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường yêu cầu Sở Y tế và Văn phòng UBND tỉnh hoàn thiện báo cáo với giải pháp xã hội hóa y tế bằng cách vay vốn ngân hàng để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong phiên họp tới đây.