(Baonghean.vn) -Trong tỉnh Nghệ An, có rất nhiều phiên chợ ở các huyện miền núi, trung du và các vùng ven biển. Nhưng độc đáo và còn lưu giữ được những nét chân quê, thôn dã hơn cả có lẽ vẫn là chợ phiên Cầu Giát (TT.Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu). Nơi đây năm nào nhà văn tài hoa Nguyễn Minh Châu đã đắm say, thai nghén rồi cho ra đời tác phẩm “Phiên chợ Giát” làm mê hoặc bao độc giả trong cả nước. Mỗi dịp Tết đến xuân về, phiên chợ quê Cầu Giát lại càng thêm nhộn nhịp, rực rỡ, người người náo nức, vui cười đi chợ chơi xuân…
Nhà văn Nguyễn Minh Châu viết “Phiên chợ Giát” vào năm 1989, khi đất nước ta mới bước vào giai đoạn đổi mới đầy khó khăn, thử thách. Quỳnh Lưu là một huyện vùng duyên hải ven biển, đời sống chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, nên cái đói, cái nghèo vẫn hiển hiện trên từng nếp nhà, góc phố, trên từng khuôn mặt, dáng đi khắc khổ, lam lũ của người dân.
Tác phẩm “Phiên chợ Giát” có kết cấu khá đơn giản, chỉ là chuyện kể về lão Khúng đi chợ bán con bò đã già cho hàng thịt ở chợ, là cuộc hành trình từ nhà đến phố, từ lúc ông thức dậy hai, ba giờ sáng cho đến lúc sáng rõ mặt người. Một quảng đường khá gần với dăm ba tiếng đồng hồ đi bộ, song cuộc hành trình này dài thêm, thêm mãi bởi những hồi tưởng, những quảng đời ông sống lại với những tự hào, khổ đau, những đọa đày, nhọc nhằn, cái sống, cái chết và những giọt nước mắt…. Cùng với “Mảnh trăng cuối rừng”, tác phẩm “Phiên chợ Giát” đã đưa nhà văn Nguyễn Minh Châu lên một tầm cao mới, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng độc giả cả nước. Đặc biệt sau tác phẩm viết về quê hương xứ Nghệ, du khách trong và ngoài nước đã biết đến, nhiều người tìm về “Phiên chợ Giát” để được trải nghiệm, hòa mình trong không gian phố chợ ngày nào.
Đã gần 25 năm trôi qua kể từ ngày nhà văn cho ra đời tác phẩm, chợ Giát nay đã có nhiều đổi thay, mới mẻ. Nhưng nhìn chung nơi đây vẫn giữ được những nét đơn sơ, giản dị; túp lều, ghế chõng ngày nào vẫn bày bán những thức ăn, đồ uống thôn quê phục vụ người nông dân chân lấm, tay bùn. Tính theo âm lịch, cứ cách 5 ngày chợ phiên Cầu Giát lại họp một lần. Bà Ngô Thị Miên - một người bán hàng lâu năm ở đây tâm sự: “Bây giờ theo đà phát triển, nhà nước đã cho xây nhà lồng, sạp chợ kiên cố, bán nhiều hàng hóa hiện đại. Nhưng nhiều người đi chợ, nhất là dịp cuối năm trời se lạnh thế này, vẫn tìm đến những lều chõng đơn sơ, mộc mạc để uống chén nước trà, hút điếu thuốc lào trò chuyện, tâm sự với nhau. Những túp lều này qua hàng mấy chục năm, vẫn bán duy nhất một món hàng dân dã của dân mình làm ra”.
Phiên chợ Giát không chỉ là nơi bán buôn mà còn là nơi giao lưu văn hoá, hẹn hò, trao đổi. Mới sáng tinh mơ, khi sương mai còn phảng phất, mờ ảo chưa thấy rõ mặt người, bà con đã từ các ngã đường nườm nượp đổ về chợ phiên. Chợ Giát không chỉ là nơi giao thương của người dân huyện Quỳnh Lưu mà còn cho các vùng lân cận như Yên Thành, Diễn Châu. Với những người thôn quê, đi chợ phiên, chọ xuân như niềm vui được tặng thưởng sau những ngày làm lụng mệt nhọc, vất vả. Chị Trương Thị Hiền ở xã Quỳnh Tam vui vẻ cho hay: “Đến phiên chợ, mình đưa mấy thứ lặt vặt xuống bán buôn cho vui. Xuống chợ được nói chuyện, tâm sự với các chị em, thấy lòng người nhẹ hẳn, bao mệt nhọc đều tan biến”.
Chợ không chỉ là nơi phản ánh đời sống vật chất, tinh thần của người dân, mà còn lưu giữ những nét văn hóa, hồn quê có từ hàng trăm năm qua. Chợ Giát vào những dịp Tết đến xuân về, những ông đồ ngồi bên khay mực múa bút viết câu đối, thư pháp cho khách, những trò chơi dân gian khiến bao cậu nhóc mê tít, những sản vật đặc trưng của vùng duyên hải Quỳnh Lưu hay từ miền núi đưa về. Người đi chợ Tết mua bán thì ít mà người đi dạo chơi, ngắm nghía thì nhiều. Bởi vậy vào những ngày giáp Tết, chợ Giát đông nghịt người từ khắp mọi nơi đổ về. Chợ đông là thế nhưng đi từ đầu đến cuối chợ, toàn gặp người quen, ai nấy tay bắt mặt mừng, cười nói rồi kéo nhau vào những cái chõng bên góc chợ uống bát nước chè xanh nóng hổi, hút điếu thuốc lào tuyệt ngon của vùng biển Quỳnh Dị.
Phiên chợ họp từ sáng tinh mơ cho đến gần trưa, chợ có hôm chừng vài ba trăm người nhưng sao thấy đông vui lạ thường. Người mua kẻ bán tấp nập nhưng chẳng thấy cảnh chen lấn, cãi vã như thường thấy ở một số nơi khác. Người bán hàng niềm nở, mời chào, khách mặc sức xem, ưng bụng thì lấy chứ ít khi cò kè, thách giá. Đi chợ phiên, có lẽ vui nhất là những đứa trẻ. Niềm vui lấp lánh trong đôi mắt thơ, chúng nhảy nhót, nũng nịu cha mẹ để được mua quà, chơi trò chơi.
Nép mình bên góc chợ là những thúng bánh đa, hàng trầu cau, mẹt thuốc lào, bánh trái dân dã của các bà cụ đã ở tuổi “xưa nay hiếm”. Bà Nguyễn Thị Tị miệng móm mém nhai trầu, vui vẻ cho hay: “Từ ngày tóc bà còn để chỏm đã có chợ này rồi. Thấm thoắt thời gian trôi, vậy mà gánh quà của bà đã hơn 50 năm rồi đấy. Tuổi già, sức yếu, con cháu bảo ở nhà nghỉ ngơi, nhưng xa chợ vài hôm là nhớ không chịu được”. Hơn nữa thế kỷ trôi qua, tóc người con gái năm nào giờ đã bạc trắng, da đồi mồi, những dấu vết thời gian hằn trên khuôn mặt nhăn nheo, phúc hậu.
Đi chợ phiên Cầu Giát, ngoài thưởng thức những món ăn dân dã của vùng quê còn có những món đặc sản như bánh mướt Phú Diễn nóng hổi, ăn ngay khi vừa tráng xong trên lò; tô cháo lươn, súp lươn thơm phức, béo ngậy, chỉ mới ngửi thôi đã muốn thưởng thức. Và có một món dù đi cùng Bắc chí Nam vẫn không thể tìm thấy trừ miền đất nắng gió này: món canh lá lằng. Cái vị đăng đắng, bùi bùi mỗi khi tận hưởng như lưu mãi với những vị khách lạ, dùng dằng nửa muốn đi, nửa muốn ở lại.
Bên góc chợ, có một nơi đông vui và hấp dẫn du khách thập phương tham quan là “chợ cún”. Chưa thấy nơi nào chó con lại được mua bán nhiều như ở chợ này. Mới từ sáng sớm, hàng ngàn chú chó con với đủ chủng loại được người dân “tập kết” về đây cho du khách, người dân khắp nơi mua bán, trao đổi. Ngoài ra còn có một bãi đất trống sau chợ để bán trâu bò. Không nhiều như chợ trâu bò Đại Sơn (chợ Ú, Đô Lương) nhưng mỗi chợ phiên, có hằng trăm con bò được mua bán ở đây. Cảnh mua bán, trao đổi tấp nập khiến ai một lần ghé đến, cũng cảm thấy vui lây.
Tết đến, xuân về, chợ Giát lại khoác lên mình “bộ quần áo” sặc sỡ, đầy màu sắc. Bên cổng chợ, những chậu hoa cúc, hoa mai, hoa đào đua nhau khoe sắc; mấy chú nhóc trong bộ quần áo mới tinh được bố mẹ mua cho, những câu thơ, câu đối được các ông đồ phóng bút đỏ chót, còn thơm mùi mực; những tấm lá dong xanh mướt chờ được gói bánh chưng. Trên gương mặt của người lớn, trẻ nhỏ, ai cũng háo hức, vui tươi, chuẩn bị không khí tiễn biệt năm cũ, chào đón năm mới.
Qua thăng trầm biến thiên của thời gian, chợ Giát vẫn lưu giữ được những nét văn hoá đặc trưng của vùng quê dân dã, mỗi năm thu hút hàng triệu lượt người mua bán, tham quan, trong đó có nhiều khách du lịch ngoại tỉnh và quốc tế. Những người con xa xứ, mỗi dịp cuối năm về thăm lại cố hương đều tìm ghé chợ phiên thăm thú, chơi Xuân, tận hưởng không khí yên bình rất đỗi quê nhà.
Triều Dương