(Baonghean.vn) -Sáng 22/12, trời mưa to nhưng hội trường Trung tâm Văn hóa huyện Nam Đàn vẫn chật kín người. Hội thi “Kể chuyện lịch sử địa phương: Nam Đàn – Tự hào một miền quê” không chỉ thu hút học sinh, giáo viên mà còn rất đông phụ huynh và những người yêu thích lịch sử đến cổ vũ.

Cô Nguyễn Thị Thu Hà - Trưởng phòng Giáo dục huyện Nam Đàn, cho biết: Nhằm giáo dục học sinh tinh thần tự hào, tự cường dân tộc, nâng cao ý thức tự giác và trách nhiệm của thế hệ trẻ với những hi sinh, cống hiến của cha anh, Phòng Giáo dục Nam Đàn đã tổ chức hội thi “Kể chuyện lịch sử địa phương: Nam Đàn – Tự hào một miền quê”.
 
Tham gia hội thi có 21 trường THCS, PTCS trên địa bàn huyện. Trước đó, Hội thi đã được tổ chức cấp trường để lựa chọn đội dự thi cấp huyện. Mỗi đơn vị tham gia dự thi có sự chuẩn bị công phu, chu đáo trong việc lựa chọn câu chuyện tiêu biểu, đặc sắc; màn phụ họa dàn dựng sinh động; các hình ảnh chiếu trên màn hình phù hợp với từng câu chuyện kể. Cô Hoàng Thị Nam Thanh - giáo viên lịch sử trường THCS Xuân Hòa, cho biết: Chương trình lịch sử địa phương đã được đưa vào giảng dạy từ nhiều năm nay. Song, thời lượng chương trình còn ít (mỗi năm học chỉ từ 1-3 tiết), tài liệu còn rất sơ khai nên việc dạy học bộ môn này gặp không ít khó khăn. Để giáo dục, bồi đắp cho học sinh tình yêu quê hương, yêu lịch sử địa phương mình, chúng tôi đã thành lập CLB Lịch sử của trường, tổ chức cho các em đi tham quan các di tích lịch sử trên địa bàn; ngày lễ 30/4, 22/12 mời cựu chiến binh đến kể chuyện lịch sử... Hội thi được nhà trường tổ chức giữa các lớp, các khối với nhau từ đầu tháng 12, tạo nên sự hứng thú, thu hút đông đảo học sinh tham gia, tạo nên hình thức mới trong giáo dục lịch sử địa phương.

787386_small_88156.jpg

Tiết mục kể chuyện “Nguyễn Tiềm ở nhà lao Vinh” của trường THCS Xuân Hòa

Những câu chuyện kể về tên đất, tên làng, tên người gắn với dòng chảy lịch sử của quê hương Nam Đàn như: Chuyện Vua Mai Thúc Loan; chuyện về Phan Bội Châu; chuyện về Lê Hồng Sơn; chuyện về Bí thư tỉnh ủy đầu tiên Nguyễn Tiềm, hay chuyện về những bà mẹ áo vải, chân đất nhưng rộng lòng che chở những người con cách mạng; về những học giả nổi tiếng đã làm rạng danh quê hương Nam Đàn... Mỗi câu chuyện tái hiện sinh động lịch sử huyện Nam Đàn ở mỗi giai đoạn khác nhau qua giọng kể trong trẻo, đầy cảm xúc, qua cách nhìn của các em. Có những câu chuyện không được ghi lại trong sử sách mà chỉ được lưu truyền trong dân gian, có những câu chuyện do chính các em sưu tầm được từ những tài liệu của dòng họ mình, từ những người thân của các nhân vật đó kể lại. Điển hình như câu chuyện “Liệt sĩ Trần Hữu Thân” mà thí sinh Phan Thị Quế Anh (trường THCS Vân Diên) mang đến hội thi đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng mỗi người về sự hi sinh cao cả của những người ngã xuống vì độc lập, tự do cho Tổ quốc.



Học sinh các trường học nhận chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ



Học lịch sử qua hình thức sinh hoạt CLB “Em yêu lịch sử” ở trường Tiểu học Lê Hồng Sơn (Xuân Hòa, Nam Đàn)

Kết quả, giải Nhất được trao cho em Nguyễn Thị Mĩ Tiên (trường THCS Kim Liên) với câu chuyện “Thủ lĩnh Chung Nghĩa Binh ở Kim Liên”; giải Nhì được trao cho Trường THCS Vân Diên và PTCS Nam Thượng; giải Ba được trao cho Trường THCS Anh Xuân và THCS Nam Lộc.


Thanh Phúc