(Baonghean) - Ở các bản làng thuộc vùng sâu vùng xa của tỉnh Nghệ An, giao thông cách trở, việc đến các khu chợ để giao lưu, trao đổi hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, từ rất lâu, ở những vùng quê này xuất hiện những đội quân chuyên vận chuyển hàng hóa vào trao đổi, người ta thường gọi là “chợ di động”.
Những người đưa hàng vượt núi chủ yếu là nông dân nghèo ở các vùng trung tâm và một số người từ miền xuôi lên. Họ tranh thủ những lúc công việc đồng áng cơ bản đã xong xuôi, mua sắm hàng hóa rồi băng qua bao núi đồi, khe suối, đến từng bản làng bán kiếm ít tiền chênh lệch để trang trải cuộc sống gia đình. Trước đây, những người đi bán hàng chủ yếu là phụ nữ, giờ đây có cả đàn ông. Khi chiếc xe máy còn hết sức hiếm hoi, phương tiện vận chuyển của những người bán hàng là đôi quang gánh trĩu nặng trên vai, rồi đến chiếc xe đạp cà tàng. Ngày nay, khi chiếc xe máy gần như đã trở nên phổ biến thì nó chính là phương tiện đắc lực để vận chuyển hàng. Bởi xe máy chở được khối lượng hàng nhiều hơn, tính cơ động cao, lại giải phóng được nhiều sức lực cho con người. Hàng hóa vận chuyển vào các bản làng vùng sâu vùng xa chủ yếu là các thực phẩm như cá biển, đậu phụ và các mặt hàng rau, củ, quả khác. Thời gian trước, người ta còn đem vào bán cả vải vóc, quần áo, kim chỉ, mỳ chính, mỳ tôm, muối... nhưng bây giờ những thứ hàng tạp hóa này đã được người dân bản địa lấy về bày bán.
Những con cá tươi được đưa lên với bà con bản Cha Hìa, xã Xiêng My (Tương Dương)
Không quản mưa gió, những người bán hàng vẫn cần mẫn đưa hàng hóa đến với các bản làng vùng cao
Những người chở hàng vượt núi suốt ngày rong xe khắp càng bản làng, vào tận nhà để chào hàng. Cứ thế, từ năm này qua năm khác, mối quan hệ giữa chủ và khách trở nên thân thiết. Bà con dân tộc cư trú ở vùng sâu vùng xa đa số còn nghèo, nguồn thu nhập chủ yếu nhìn vào nương rẫy, vì thế, bà con thường lấy hàng nợ, chờ mùa thu hoạch xong thanh toán một thể. Cũng có khi, số tiền mua hàng được quy thành gạo nếp, con gà, chai mật ong... Và điều này đã giải thích vì sao khi ở một số nơi như xã Môn Sơn, Mậu Đức (Con Cuông) đã có khu chợ để trao đổi hàng hóa nhưng loại hình “chợ di động” vẫn tồn tại.
Ông Vi Văn Thụ ở bản Cằng, xã Môn Sơn (Con Cuông) cho biết: “Bây giờ chợ không còn xa nhà nữa, nhưng đi chợ thì phải có tiền mặt mới mua được hàng, mà tiền mặt thì bà con ở đây còn ít lắm. Nên thường ngày bà con vẫn mua hàng của những người bán dạo, lúc nào có tiền thanh toán cũng được”.
Đối với những người bán hàng, việc trèo đèo lội suối tuy vất vả, gian nan thật nhưng bù vào họ có được niềm vui khi có thêm đồng ra đồng vào để mua sắm, trang trải và lo việc học hành cho con cái. Và mỗi khi bận rộn việc mùa màng, đồng áng lâu ngày, họ lại thấy nhớ các bản làng. Như lời tâm sự của chị Nguyễn Thị Lâm ở xã Cẩm Sơn (Anh Sơn), người chuyên đưa hàng vào bán ở vùng Mường Qụa (Con Cuông): “Nếu bận việc lâu ngày không đi bán hàng được, trong lòng thấy bứt rứt không yên, một phần vì nhớ, phần vì không đi sẽ thiếu hụt mất một khoản thu nhập. Và lâu ngày không thấy mình vào, khách quen người ta sẽ mua hàng của người khác, mình sẽ có nguy cơ mất dần khách quen”.
Vậy nên, không quản nắng mưa, những người đưa “chợ di động” hàng ngày vẫn cần mẫn, âm thầm băng đèo, vượt suối để đến với bà con các bản làng vùng sâu, vùng xa.