(Baonghean) - Dòng họ Lim ở bản Hội 3, xã Châu Hội (Quỳ Châu) chỉ có 18 hộ, nhưng ít ai biết rằng dòng họ người Thái này đã có nhiều thành tích đáng nể trên con đường tìm đến cái chữ...Sống giữa bản người dân tộc thiểu số, cái nghèo cái đói vẫn còn đeo bám qua bao đời, nên ít gia đình cho con theo học lấy cái chữ, thế mà, dòng họ Lim đã chăm lo sự học. Chỉ vẻn vẹn 85 nhân khẩu/18 hộ, dòng họ Lim có trên 30 người là cán bộ công chức nhà nước (trong đó 8 người tốt nghiệp đại học, 23 người tốt nghiệp cao đẳng và trung cấp). Ngoài ra, còn có gần 10 học sinh đang ở độ tuổi đến trường đều đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi...

Cho của không bằng cho chữ ảnh 1Ôm Lim Văn Ban cùng cháu.

Theo ông Lim Văn Tiêm, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Châu Hội (cũng là người con ở bản Hội 3): Trước đây, muốn học tiểu học, người dân bản phải trèo đèo lội suối đến trung tâm xã, trời mưa thì lầy lội, trời nắng thì bụi mù. Lên cấp THCS, phải về trường huyện, cách xa nhà hàng chục cây số, nhưng con em vùng đất Hội 3 này cố gắng theo học, bởi vậy truyền thống hiếu học ở đây đã có từ lâu đời. Dòng họ Lim có ông Bo (ông tổ) vốn người gốc Thanh Hóa vào đây sinh con, lập nghiệp. Là một người có học từ dưới thời phong kiến, cụ tổ luôn quan tâm răn dạy con cháu “để của cho con, không bằng cho con cái chữ”. Từ đó, con cháu các đời sau đều noi theo nề nếp của ông cha, nhiều người thành đạt. Điển hình như gia đình ông Lim Dương Sinh, có 4 người thì cả 4 người học đại học; gia đình ông Lim Văn Sơn nhà có 2 đại học và 1 cao đẳng; ông Lim Văn Ban nhà có 2 đại học... Học tập xong, đa số họ đều trở về phục vụ quê hương, công tác ở các ngành Y tế, Giáo dục, cơ quan đoàn thể của huyện, xã. Dù đang sinh sống hay công tác ở đâu, mỗi độ tết đến xuân về, con cháu dòng họ Lim lại về sum họp đông đủ tại nhà ông tộc trưởng để báo công việc học hành, công tác trong năm.Ngược dòng thời gian, ông Lim Văn Ban (nguyên cán bộ huyện ủy về hưu), nhớ lại: “Nhà có 3 anh em, cha mẹ mất sớm, nên phần trọng trách trong gia đình đều do người anh trai Lim Văn Thìn gánh vác. Lúc đó, cả nhà tôi sống dựa vào mấy sào ruộng, không đủ bữa qua ngày. Khó khăn, vất vả như thế, nhưng các anh em ai cũng muốn cắp sách đến trường. Để theo đuổi cái chữ, chúng tôi một buổi đến trường còn một buổi làm thuê, từ phụ hồ đến chặt củi, hái măng…”. Thời gian trôi qua, giờ đây 3 anh em đều là cán bộ huyện, xã, đã nghỉ hưu. Các con ông hiện đang làm cán bộ xã hoặc giáo viên, ai cũng có của ăn của để.Giữ vững truyền thống hiếu học trong dòng họ, các vị tiền bối dòng họ Lim luôn vận động con cháu giúp đỡ bà con nghèo bằng nhiều cách: chia gạo ăn lúc giáp hạt, giúp vốn phát triển kinh tế... cùng với lời khuyên “hãy cố gắng cho con ăn học, có con chữ thì việc xóa đói, giảm nghèo mới hiệu quả”. Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta có nhiều chính sách khuyến khích học sinh vùng sâu, vùng xa đến trường học chữ, nếu cha mẹ không tạo điều kiện cho con em học thì thiệt thòi lắm! Mong muốn của ông Ban là không những dòng họ Lim, mà tất cả con em trong bản đều được tạo điều kiện để học hành đến nơi đến chốn. Khi dân trí được nâng cao, việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước mới thuận lợi, từ đó chuyện xóa đói, giảm nghèo sẽ hiệu quả, bền vững hơn.

Trần Ngọc Lan