CDU thất thế?
Những con số vừa được công bố cho thấy rằng, không có nhiều thay đổi trong những cuộc bỏ phiếu trọng đại đầu tiên trong “năm siêu bầu cử” của nước Đức. Cả hai vị đương kim thủ hiến bang ở miền Tây - chính trị gia đảng Xanh Winfried Kretschmann tại bang Baden-Württemberg và vị chính khách đảng Dân chủ Xã hội Malu Dreyer ở bang Rhineland-Palatinate - đều dễ dàng tái cử và dường như nắm chắc quyền tự do khởi động tiến trình thành lập chính quyền mới của mình.
Nhưng bối cảnh quan trọng của năm 2021 - với 6 cuộc bầu cử cấp bang và 1 cuộc bầu cử liên bang, bà Merkel sắp rời chiếc ghế Thủ tướng vào mùa Thu tới, cùng với đại dịch Covid-19 đang hoành hành - đã và đang khuếch đại tầm quan trọng trong hoạt động của từng đảng phái. Với phần lớn giới quan sát, thực tế này cho thấy đang âm ỉ khả năng xuất hiện “cơn địa chấn” khuấy đảo bối cảnh vốn dĩ thường ít biến động của Đức.
Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) sở hữu nguyên do lớn nhất để lo lắng. Chính đảng mà bà Merkel lãnh đạo trong hơn 2 thập niên qua, cũng là đảng chi phối nền chính trị Đức kể từ khi cộng hòa liên bang được thành lập năm 1949, đã nhận được kết quả xấu nhất từ trước tới nay ở cả 2 bang: Những dự báo mới nhất cho thấy CDU đã giảm gần 3 điểm phần trăm tại Baden-Württemberg và hơn 4 điểm phần trăm tại Rhineland-Palatinate, lần lượt chỉ giành được 24% và 28% tổng số phiếu bầu.
Trong đó, kết quả bỏ phiếu tại Baden-Württemberg đặc biệt gây tổn hại. Là một bang giàu có nằm ở phía Nam, quê hương của nhiều doanh nghiệp đa quốc gia tiếng tăm lừng lẫy, Baden-Württemberg được biết đến như một thành trì của phe bảo thủ trong nhiều thập kỷ. Rõ ràng người chiến thắng tại đây có thể được đoán trước, khi căn cứ vào sự ủng hộ của lòng dân khó bề suy chuyển dành cho vị Thủ hiến luống tuổi Kretschmann, nhưng quả thực, đến hôm 14/3, CDU cũng cần phải tự chiêm nghiệm về những thất bại của mình.
Trong một tuyên bố ngắn gọn được đưa ra, Tổng thư ký của đảng này là Paul Ziemiak thừa nhận rằng, chính những bê bối tham nhũng khiến 3 nghị sỹ bảo thủ mất ghế trong Bundestag (Quốc hội) hồi tuần trước đã làm lung lay lòng tin của cử tri dành cho CDU, cũng như sự không hài lòng của người dân trước việc Đức chậm chạp triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Olaf Scholz, ứng viên thủ tướng đại diện cho đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và hiện là Bộ trưởng Tài chính trong nội các của bà Merkel, đã “thả nhẹ một quả lựu đạn” vào cuộc tranh luận của liên minh cầm quyền khi tuyên bố rằng “đó là một ngày đẹp trời bởi cho thấy có thể thành lập một chính phủ tại nước Đức mà vắng bóng CDU”.
Hết thảy những điều này đặt ra sức ép mới lên đôi vai của nhà lãnh đạo chân ướt chân ráo của CDU Armin Laschet, giữa lúc ông có khả năng còn phải đối diện với thách thức từ Thủ hiến bang Bavaria Markus Söder để trở thành ứng viên thủ tướng đại diện cho khối bảo thủ tại cuộc bầu cử liên bang diễn ra vào tháng 9 tới.
Có lẽ bởi vậy, nên cũng không quá ngạc nhiên khi Laschet chọn “ra đòn” tấn công ngay trong buổi họp báo của mình vào ngày 15/3. Dù không nêu đích danh ông Scholz, song ông Laschet phát biểu: “Bộ trưởng Tài chính lo giám sát tài chính cũng đã đủ bận rộn rồi”. Và đặt trong sự tương phản với việc mà ông gọi là hành động nhanh chóng từ đảng của mình để kiềm chế các bê bối hối lộ, Laschet tuyên bố: “Trong SPD và các đảng khác hiện vẫn có các vụ tố tụng vì vi phạm luật pháp đấy”.
Đảng Xanh trỗi dậy?
Chiến thắng gọi tên Kretschmann tại Baden-Württemberg được cho là sẽ tăng cường sự tự tin cho đảng Xanh trước thềm cuộc bầu cử liên bang vào tháng 9. Phân tích của kênh truyền hình ARD cho thấy rằng bang này đã ghi nhận sự chuyển dịch lớn - lên đến 145.000 lá phiếu từ đảng CDU sang đảng Xanh (so với chỉ 75.000 cử tri chuyển sang hướng khác).
Quan điểm mang tính thực dụng của vị thủ hiến đương nhiệm dường như đã thuyết phục được đại đa số người dân tại bang Tây Nam nước Đức này tin rằng đảng Xanh đủ sức lãnh đạo. Nhưng ông cũng có hạn chế về tuổi tác, khi đã 72 tuổi và tại nhiệm suốt 1 thập kỷ, nắm quyền trong mối hợp tác với CDU 5 năm qua.
Giờ đây, kết quả cho thấy ông còn có phương án liên minh 3 bên với SPD và đảng Dân chủ Tự do (FDP). Nếu động thái này trở thành sự thật sẽ gióng lên hồi chuông báo động tại trụ sở của CDU ở Berlin, dù những tín hiệu ban đầu cho thấy rằng bằng sự phán đoán thiên phú của mình, Kretschmann cảm thấy cử tri mong muốn sự ổn định sẽ dẫn lối để ông tiếp tục hợp tác với phe bảo thủ.
Sự nổi lên của đảng Xanh cũng đi kèm với những cảnh báo khi cuộc bầu cử tháng 9 tiệm cận. Tuổi tác của Kretschman tương phản với sức trẻ trung của các nhà lãnh đạo quốc gia trong đảng này: Robert Habeck (51 tuổi) và Annalena Baerbock (40 tuổi), những chính khách hiện vẫn chưa tuyên bố ai sẽ chạy đua tranh cử chức Thủ tướng vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, điều mà họ rõ ràng đã nhận ra, là phong cách của Kretschmann không phù hợp với cử tri Đức. Vào đêm Chủ nhật vừa rồi, Habeck đã phát biểu với kênh ARD rằng: “Tầm nhìn xa trông rộng và chủ nghĩa thực dụng: Ấy là nhiệm vụ được đặt ra cho đảng Xanh trong đêm bầu cử này”. Đó là một tín hiệu rõ rệt cho thấy bang Baden-Württemberg theo đường hướng bảo thủ đã vạch ra chiến lược cho đảng Xanh - tiến dần về trung tâm và chiếm lấy cử tri của CDU. Thời gian sẽ cho câu trả lời, nhưng trong bối cảnh hiện nay, có vẻ khó xảy ra khả năng chính phủ kế nhiệm của nước Đức sẽ vắng đi “yếu tố Xanh”.
So bó đũa, chọn cột cờ
Theo DW, khi hiện đảng Xanh và CDU đã tự định hình là 2 đảng lớn nhất nước Đức, khu vực còn lại của sân khấu chính trị đang phải tranh đấu để “ghi điểm”. Theo các cuộc thăm dò mới nhất, Dreyer đã giành chiến thắng về cho SPD tại Rhineland-Palatinate dù tỷ lệ lá phiếu của đảng này có giảm nhẹ, và đảng Dân chủ Xã hội hiện vẫn đang nỗ lực để vượt qua mốc 16% cử tri ủng hộ trên toàn quốc.
Tuy vậy, Scholz vẫn thể hiện sự tự tin trong đêm bầu cử, làm nổi bật sự tương phản trong việc SPD quả quyết chọn ông là ứng viên hàng đầu và sự lưỡng lự, thiếu quyết đoán của CDU và đảng Xanh. Ông nói với ARD: “Đây là toàn bộ phần trong một chiến lược rõ ràng cần để lãnh đạo chúng ta từ tuần này sang tuần khác, tháng này qua tháng khác, tiến gần hơn đến mục tiêu của mình”.
Các kết quả bầu cử khu vực cũng cho phép Đảng Dân chủ Tự do (FDP) được nghỉ xả hơi đôi chút sau khi nỗ lực giành thêm hơn 2 điểm phần trăm và chiếm 10% tổng số phiếu tại Baden-Württemberg, trong lúc duy trì con số 5% tại Rhineland-Palatinate. Đó là sự củng cố đáng hoan nghênh đối với nhà lãnh đạo Christian Lindner, với chiến lược ủng hộ doanh nghiệp, không ngừng chỉ trích cách chính phủ xử lý đại dịch Covid-19. Nước cờ này đã khá hiệu quả đối với đảng đối lập, nhưng với tình thế hiện nay, hy vọng lớn nhất về việc tiến vào chính phủ cho FDP vẫn nằm ở liên minh 3 bên với đảng Xanh và SPD hoặc CDU.
Còn với đảng cánh tả, không hề có sự “hồi sinh” nào tại các bang phái Tây, khi họ một lần nữa không giành đủ số phiếu để bước vào bộ máy cấp bang. Dẫu vậy, với ban lãnh đạo mới được bầu, đảng cánh tả hiện vẫn đang nỗ lực nhóm lại trước thềm các cuộc bầu cử quan trọng hơn vào cuối năm. Trong khi đó, “kẻ thua cuộc” thấy rõ trong đêm bầu cử vừa qua ở Đức là đảng cực hữu Sự lựa chọn thay thế cho nước Đức (AfD), khi để mất tới 1/3 số phiếu. Những dự đoán hiện nay cũng cho rằng đảng theo đường hướng dân tộc chủ nghĩa này sẽ chiếm không tới 10% số phiếu tại cả 2 bang, mà nguyên do “thất sủng” được cho xuất phát từ tiết lộ gần đây về chủ nghĩa cực đoan hiện diện trong nội bộ đảng, cũng như việc không thể tận dụng lợi thế từ làn sóng biểu tình phản đối phong tỏa mà họ bắt đầu ủng hộ từ năm ngoái.