Thuận chủ trương, băn khoăn % đóng góp
Thực hiện chủ trương chỉnh trang đô thị, UBND thành phố Vinh dự kiến trong thời gian tới sẽ tập trung cải tạo một số tuyến phố chính, gồm: Nguyễn Văn Cừ (đoạn từ đường Lê Hồng Phong đến Nguyễn Sỹ Sách), Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, tuyến đường từ sân bay về khách sạn Phương Đông và vòng quanh Quảng trường Hồ Chí Minh. Các tuyến phố này sẽ được cải tạo hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống thông tin liên lạc; cải tạo hệ thống cây xanh; cải tạo hệ thống thoát nước hiện trạng; cải tạo bó vỉa, đan rãnh, vỉa hè. Riêng đối với hạng mục cải tạo bó vỉa, đan rãnh, lát vỉa hè, giải pháp về vốn đầu tư được UBND TP. Vinh đề ra là: 70% từ ngân sách thành phố, 30% còn lại, huy động từ nhân dân và các tổ chức có công trình nhà ở, trụ sở bám mặt đường.
Vậy nhưng, thông tin từ các phường Hà Huy Tập, Hưng Dũng, Hưng Bình (địa bàn có các tuyến phố nêu trên) thì ở thời điểm hiện tại, vẫn chưa thực sự có được sự đồng tâm nhất trí từ các hộ dân. Cụ thể là các hộ dân cơ bản đồng tình, nhất trí với chủ trương chỉnh trang đô thị, cải tạo vỉa hè; nhưng đang băn khoăn về tỷ lệ % đóng góp, và cả với bản khái toán tổng mức chi phí/m² vỉa hè do UBND TP. Vinh chuyển về.
Như tại phường Hà Huy Tập, đã hoàn thành công tác tuyên truyền, vận động, lấy ý kiến các hộ dân và có báo cáo gửi lên UBND TP. Vinh. Trong nội dung báo cáo, phường này đã kiến nghị UBND TP. Vinh xem xét giải quyết không áp dụng hoặc giảm tỷ lệ % đối với một số chi phí để nhằm giảm một phần đóng góp cho người dân và tránh lãng phí vốn ngân sách nhà nước trong đầu tư xây dựng. Cụ thể gồm: Đối với công tác tư vấn về khảo sát thì không áp dụng chi phí (chi phí khảo sát Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, chi lập nhiệm vụ công tác khảo sát, chi phí giám sát công tác khảo sát, chi phí lập hồ sơ môi trường, đánh giá hồ sơ dự toán tư vấn giám sát); Giảm 50% tỷ lệ chi phí đối với công tác quản lý dự án và tư vấn giám sát thi công xây dựng.
Ở phường Hưng Dũng, việc thực hiện cải tạo một đoạn vỉa hè Đại lộ Lê Nin có liên quan đến 7 hộ dân và 16 tổ chức. Một cán bộ UBND phường Hưng Dũng cho biết, từ ngày 8 - 15/6/2020, phường đã phối hợp với Ban cán sự các khối đến từng hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp trên tuyến để đo vẽ tại thực tế, xác định diện tích vỉa hè cho từng hộ gia đình, tổ chức. Trên cơ sở khái toán Ban QLDA đầu tư xây dựng thành phố Vinh chuyển về, đã tính toán đóng góp cho từng trường hợp cụ thể và xin ý kiến họ bằng biên bản. Trong các ý kiến mà UBND phường Hưng Dũng nhận được, có ý kiến đề nghị UBND thành phố kiểm tra, rà soát lại việc lập khái toán, đơn giá hạng mục cải tạo vỉa hè; một số hộ gia đình đề nghị điều chỉnh giảm mức đóng góp, vì với cơ chế hiện nay quá cao so với mức thu nhập của hộ gia đình...
Lượng sức dân, huy động đúng mức
Thực tế ở khối Yên Phúc A, phường Hưng Bình, nơi được xác định sẽ cải tạo vỉa hè tuyến phố Nguyễn Văn Cừ (liên quan 102 hộ dân) thì người dân đang có những băn khoăn. Cụ thể, sau khi phát phiếu xin ý kiến, Ban cán sự khối đã thu về 35 phiếu. Trong đó, có 2 phiếu không đồng tình; 3 phiếu đề nghị giữ nguyên hiện trạng, chỉ thực hiện cắt tỉa cây xanh; có 30 phiếu đồng ý với chủ trương cải tạo vỉa hè nhưng đề nghị xem xét lại tỷ lệ % đóng góp của các hộ dân và khái toán tổng mức chi phí tính trên 1m².
Ông Trần Quốc Toản - Khối trưởng khối Yên Phúc A cho biết, ông đánh giá rất cao chủ trương cải tạo vỉa hè của thành phố. Vì giá trị đạt được bao gồm toàn xã hội, thành phố, và các hộ gia đình liên quan như tăng giá trị đất, thuận lợi trong kinh doanh hoặc cho thuê mặt bằng kinh doanh. Chính vì vậy, khi phát phiếu lấy ý kiến, ông đã trao đổi, vận động các hộ dân ủng hộ. Dù vậy, ông Toản cũng trao đổi: “Qua việc cải tạo đường Nguyễn Văn Cừ ở đoạn nối với đường Hồ Tùng Mậu, người dân đều thấy được lợi ích. Vì vậy cơ bản đồng tình với chủ trương của thành phố, nhưng mong muốn thành phố tính toán lại tổng mức đầu tư/m²; giảm % đóng góp từ dân; đồng thời, đề nghị quá trình thực hiện thì phải thật sự công bằng trong việc huy động kinh phí…”.
Về khái toán tổng mức chi phí cho 1 m² vỉa hè, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Vinh lập trên cơ sở một số công trình tương tự mà thành phố đã thực hiện trên địa bàn. Trong đó, tổng chi phí xây dựng mới cho 1 m² vỉa hè làm mới bằng đá tự nhiên là 1.378.000 đồng; tổng chi phí xây dựng mới cho 1m dài bó vỉa, đan rãnh bằng đá tự nhiên là 1.642.000 đồng. Chi phí này, ngoài chi phí vật liệu, nhân công, thì còn gồm các loại thuế, phí, trong đó có những chi phí mà UBND phường Hà Huy Tập kiến nghị không áp dụng, hoặc chỉ áp dụng 50%.
Theo một cán bộ của UBND TP. Vinh từng tham gia công tác chỉnh trang đô thị, cải tạo vỉa hè những năm trước đây cho biết, giai đoạn này thành phố thực hiện theo cơ chế ngân sách 50%, huy động các hộ dân 50%. Tuy nhiên, khi xây dựng mức chi phí để huy động nhân dân đóng góp thì chỉ đưa vào giá xây lắp trực tiếp, cắt bỏ hết các khoản phí, thuế, chi phí khảo sát thiết kế… Ông này trao đổi: “Trước đây vỉa hè lát gạch Terrazzo, đơn giá thấp hơn nhiều so với lát và bó vỉa bằng đá xanh tự nhiên. Nhưng khi đó thành phố xây dựng dự toán chi phí rất chi tiết, loại trừ những chi phí “râu, ria” như phí, thuế và chỉ đạo chính quyền các phường, xã chuyển xuống các khối, phố để các dân được nghiên cứu; đồng thời, thành lập các tổ giám sát cộng đồng để người dân thấy được chính quyền thực hiện dự án một cách minh bạch, rõ ràng. Nay việc cải tạo vỉa hè sử dụng loại vật liệu cao cấp, nguồn lực tính trên từng hộ dân phải đóng góp sẽ lớn hơn, đương nhiên, việc huy động sẽ khó vận động hơn. Vì vậy, càng cần cân nhắc, tính toán để tạo được sự đồng thuận trong nhân dân…”.
Tìm hiểu, để cải tạo các tuyến phố đảm bảo đạt tính thẩm mỹ, có rất nhiều nội dung công việc. Từ thay thế hệ thống điện chiếu sáng cũ, di dời, hạ ngầm các đường dây điện và hệ thống thông tin liên lạc; thanh lý các cây sâu bệnh, cong xấu, cây trong đề án cần loại bỏ và trồng mới cây xanh theo đề án cây xanh của thành phố…; đến thay thế các hố thu, sửa chữa các hố thăm hư hỏng… Riêng với hạng mục cải tạo vỉa hè, sẽ phá dỡ kết cấu hiện trạng; tạo mặt bằng mới, lắp đinh phản quang giao thông; lát vỉa hè, lắp ghép bó vỉa, đan rãnh, ô bồn cây bằng đá xanh tự nhiên trên lớp bê tông…
Để hoàn thành được tất cả những nội dung này trên 5 tuyến phố sẽ cần nguồn lực rất lớn, như UBND TP. Vinh từng công bố, lên đến 675 tỷ đồng. Rõ ràng đây là một chủ trương lớn cần được thực hiện. Nhưng để đạt được, cần sự tương trợ, đóng góp từ người dân và các tổ chức liên quan. Vì vậy, để đạt được kết quả, sớm có thêm những tuyến phố mới, đẹp như phố đi bộ Nguyễn Văn Cừ, Hồ Tùng Mậu…, chính quyền thành phố Vinh cần sớm nắm bắt những kiến nghị, đề xuất để có những điều chỉnh phù hợp!.