Chính quyền Hàn Quốc đang cho thấy cách tiếp cận “vừa cương, vừa nhu” trong việc đối phó mối đe dọa từ Triều Tiên, vừa tuyên bố sẽ có đối thoại nhưng vẫn tăng cường kho vũ khí của mình.
Việc bổ sung những thiết bị tân tiến, gắn vào tên lửa cũng nằm trong kế hoạch ra sức tăng cường kho vũ khí để đối phó với Triều Tiên trong bối cảnh Bình Nhưỡng được cho là sẽ sở hữu vũ khí hạt nhân. Hệ thống phòng không mới được kỳ vọng sẽ giúp Hàn Quốc bảo vệ hiệu quả vùng trời nước này trước các mối đe dọa từ tên lửa cũng như phi đội máy bay Triều Tiên .
Việc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân đã khiến Hàn Quốc phải thay đổi chiến lược của mình. Giờ đây nước này đã có phương án cơ động mang tính cao để tránh các cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân có thể xảy ra và tìm cách tiếp cận chính quyền Triều Tiên càng nhanh càng tốt trước khi tên lửa hạt nhân có thể phóng lên.
Để làm được điều này, Hàn Quốc cũng đang triển khai thành lập một lữ đoàn mang tên “Spartan 3000”, có nhiệm vụ “đánh phá các cơ sở quân sự trọng yếu của Triều Tiên nếu xung đột xảy ra”. Việc thành lập một lữ đoàn mới nằm trong khuôn khổ cải cách trên quy mô lớn trong lực lượng vũ trang Hàn Quốc.
Mặc dù đầu tư xây dựng “lớp áo giáp” dày hơn, Hàn Quốc rõ ràng cũng không muốn chiến tranh với Triều Tiên. Thủ đô Seoul của Hàn Quốc - nơi sinh sống của 25 triệu dân, chỉ cách biên giới liên Triều khoảng 50km - hoàn toàn nằm trong tầm ngắm của các vũ khí Triều Tiên. Do đó, dù năng lực quân sự Hàn Quốc cải thiện đáng kể thì bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào với Bình Nhưỡng cũng đều gây thiệt hại nặng nề cho Hàn Quốc.
Triều Tiên đang theo đuổi các chương trình hạt nhân và tên lửa, bất chấp các lệnh trừng phạt từ Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, công khai ý định phát triển tên lửa có khả năng tấn công lãnh thổ Mỹ, khiến căng thẳng trong khu vực tăng cao. Vấn đề Triều Tiên gần đây hạ nhiệt, sau khi Bình Nhưỡng và Seoul nối lại đàm phán trong thời gian gần đây được đánh giá là một tín hiệu tích cực.