Về cơ bản, chính sách của chính quyền Tổng thống Trump không có gì đột phá bởi lựa chọn giải quyết vấn đề Triều Tiên không có nhiều.
Bình mới rượu cũ?
Trong một phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã một lần nữa lên tiếng cho rằng, thời kỳ áp dụng chính sách “kiên nhẫn chiến lược” với Triều Tiên vốn được chính quyền tiền nhiệm của ông Obama thông qua đã kết thúc.
Theo Ngoại trưởng Mỹ, Washington sẽ không bị cuốn vào những cuộc đàm phán sáo rỗng với Bình Nhưỡng. Thay vào đó, “Triều Tiên phải có những bước đi cụ thể để giảm bớt các mối đe dọa đặt ra với Mỹ và các đồng minh liên quan đến chương trình phát triển vũ khí hạt nhân bất hợp pháp của nước này. Đây là điều kiện tiên quyết trước khi Mỹ có thể cân nhắc đàm phán”. Trong khi chờ đợi, chính quyền Mỹ sẽ thúc đẩy các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên.
Chính sách “kiên nhẫn chiến lược” mà Ngoại trưởng Tillerson đề cập ở trên có nội dung chính đó là chờ đợi Triều Tiên tự cam kết từ bỏ chương trình phát triển đầu đạn hạt nhân và tên lửa, đồng thời hối thúc Trung Quốc gây sức ép buộc Triều Tiên làm điều này.
Chính sách này được chính quyền Tổng thống Obama áp dụng nhưng không mang lại hiệu quả. Triều Tiên vẫn tiếp tục xây dựng kho vũ khí của mình trong khi Trung Quốc luôn lảng tránh việc gây sức ép với Triều Tiên, thậm chí Bắc Kinh hầu như không ủng hộ những lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Bình Nhưỡng. Trung Quốc cho rằng, Mỹ phải giải quyết vấn đề thông qua các cuộc đàm phán trực tiếp với Triều Tiên.
Thật ra, không phải lỗi ở chính quyền Tổng thống Trump khi theo đuổi một chính sách không có gì mới so với những gì chính quyền Obama đã làm với Triều Tiên. Phải thừa nhận một thực tế đó là lựa chọn để ông Trump có thể đối phó với một Triều Tiên đầy bí ẩn, không thể đoán định chỉ có thể dẫn tới hậu quả từ “xấu” đến “thực sự khủng khiếp”.
Những nỗ lực đàm phán trước đây dường như không thu được bất kỳ kết quả nào đáng khích lệ và cho tới nay, bài toán Triều Tiên vẫn chưa thể tìm ra lời giải. Tuy vậy, nếu Mỹ quyết định “động binh” thì điều đó có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh tàn phá trên bán đảo Triều Tiên mà kết quả rõ ràng là không có lợi cho tất cả các bên liên quan.
“Trao đổi” với Trung Quốc
Các quan chức chính quyền Mỹ cho rằng, ông Trump đã đi đúng hướng khi đặt Triều Tiên vào vị trí trung tâm trong cuộc gặp đầu tiên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với lời đề nghị rõ ràng, đó là gạt sang một bên các tranh chấp kinh tế song phương để đối lấy sự hợp tác trong vấn đề Triều Tiên.
Đã có những dấu hiệu tích cực cho thấy Trung Quốc ủng hộ hướng đi này khi cấm nhập khẩu than đá từ Triều Tiên cho đến hết năm 2017 và lên tiếng cảnh báo có thể sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt của riêng mình nếu Triều Tiên tiếp tục thử hạt nhân.
Về phía Tổng thống Mỹ Trump, ông liên tiếp phát đi những tín hiệu cho thấy, Mỹ và Trung Quốc đã có sự đồng thuận nhất định để giải bài toán Triều Tiên. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn CBS News, ông Trump cho biết: “Nếu ông ấy (Kim Jong-un) chỉ thị thử hạt nhân, tôi sẽ không vui, và tôi có thể nói với bạn rằng, tôi không tin Chủ tịch Trung Quốc thấy vui vì điều đó”.
Tổng thống Mỹ cũng cho biết thêm rằng, Mỹ đang hợp tác với Trung Quốc , đồng minh quan trọng nhất của Triều Tiên để kêu gọi Bình Nhưỡng kiềm chế không để căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục gia tăng.
“Tôi tin rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gây áp lực đối với ông ta (Kim Jong-un). Nhưng cho đến nay, có lẽ không có gì xảy ra hoặc cũng có thể là có”, ông Trump nhấn mạnh.
Mỹ vẫn “loay hoay” với bài toán Triều Tiên
Ngoài biện pháp “trao đổi” với Trung Quốc, Mỹ đương nhiên vẫn tiếp tục theo đuổi các biện pháp trừng phạt, phong tỏa các nguồn lực có thể giúp Triều Tiên nuôi tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân. Ngoại trưởng Tillerson chỉ ra rằng, các biện pháp trừng phạt hiện thời nên được thực thi nghiêm túc hơn trong khi áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt mới.
Cụ thể, ông Tillerson kêu gọi các nước cần thắt chặt hơn nữa các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân hoặc công ty có thể gia vào chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, hạ mức quan hệ ngoại giao với Triều Tiên, hạn chế sử dụng lao động Triều Tiên. Muốn làm được điều này cần có sự đoàn kết, giống như những gì các nước từng làm được trong việc xử lý chương trình hạt nhân Iran.
Nói là vậy nhưng để có được áp lực như trên là điều không dễ, dù sao, đó vẫn là lựa chọn tốt nhất hiện nay mà chính quyền Mỹ có thể theo đuổi.
Ông Trump có thể rất hay khi “mặc cả” với Trung Quốc nhưng lại phá hỏng sáng kiến của chính mình vì làm phật lòng các đồng minh truyền thống trong cách giải quyết vấn đề Triều Tiên. Hôm 27/4, trả lời phỏng vấn Reuters, ông tuyên bố rằng Hàn Quốc nên trả chi phí cho hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà Mỹ triển khai trên lãnh thổ nước này.
Dù sau đó, cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster đã khẳng định Mỹ vẫn sẽ chi trả kinh phí triển khai THAAD nhưng rõ ràng, tuyên bố của Tổng thống Trump chẳng khác nào một “món quà” dành cho người đang “sáng cửa” trở thành tân Tổng thống Hàn Quốc trong cuộc bầu cử hôm 9/5 tới đây. Ai cũng biết rõ rằng, ứng cử viên sáng giá cho chiếc ghế Tổng thống Hàn Quốc, ông Moon Jae-in là người phản đối việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc cũng như cách tiếp cận cứng rắn của Mỹ đối với Triều Tiên.
Là bậc thầy trong lĩnh vực kinh doanh, ông Trump có lý khi cân nhắc bài toán kinh tế vì giá trị của THAAD lên đến 1 tỷ USD nhưng Tổng thống Mỹ cũng cần phải xem xét các yếu tố liên quan. Mỹ khó có thể hy vọng nhận được sự ủng hộ trong việc ngăn chặn những mối đe dọa tiềm tàng nếu phát động các cuộc “chiến tranh chính trị” tương tự với những đồng minh quan trọng của họ.
Theo Dân trí