Giảm lệ phí trước bạ lần đầu ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi; bổ sung chính sách đối với nhà giáo công tác tại vùng đặc biệt khó khăn; trợ cấp thêm 50% lương đối với cán bộ y tế luân phiên xuống tuyến dưới... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2013.
Giảm lệ phí trước bạ lần đầu ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi
Ảnh minh họa
Theo Nghị định 23/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số45/2011/NĐ-CP ngày 17/6/2011 của Chính phủ về lệ phí trước bạ, ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe) nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu là 10% (quy định cũ 10-20%).
Trường hợp cần áp dụng mức thu cao hơn cho phù hợp với điều kiện thực tế tại từng địa phương, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định điều chỉnh tăng nhưng tối đa không quá 50% mức quy định chung.
Ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe) nộp lệ phí trước bạ lần thứ 2 trở đi với mức thu là 2% và áp dụng thống nhất trên toàn quốc.
Nghị định 23/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2013.
Bổ sung chính sách đối với nhà giáo công tác tại vùng đặc biệt khó khăn
Nghị định 19/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có hiệu lực từ ngày 15/4/2013.
Theo đó, tính từ ngày 15/4/2013, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã hết thời hạn công tác theo quy định nhưng cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền chưa sắp xếp, luân chuyển công tác trở về nơi ở hoặc nơi làm việc cuối cùng trước khi luân chuyển đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì tiếp tục được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có), nhưng thôi không hưởng phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn quy định tại Điều 5 Nghị định số 116/2010/NĐ-CP.
Về trợ cấp chuyển vùng, thay vì quy định cụ thể mức trợ cấp là 6,5 triệu đồng thì Nghị định 19/2013/NĐ-CP quy định nếu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có gia đình chuyển đi theo thì được trợ cấp tiền tàu xe, cước hành lý cho các thành viên đi cùng và được trợ cấp chuyển vùng bằng 12 tháng lương tối thiểu chung cho một hộ tại thời điểm nhận công tác, luân chuyển ghi trong quyết định luân chuyển.
Tương tự, về trợ cấp lần đầu đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục khi được luân chuyển đến công tác tại các cơ sở giáo dục ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, thay vì quy định cụ thể mức trợ cấp là 4 triệu đồng thì Nghị định mới quy định mức cấp lần đầu bằng 10 tháng lương tối thiểu chung cho một người tại thời điểm nhận công tác, luân chuyển ghi trong quyết định luân chuyển.
Quy định tiêu chuẩn vật chất hậu cần đối với lực lượng Công an
Nghị định quy định tiêu chuẩn vật chất hậu cần đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ trong lực lượng Công an nhân dân có hiệu lực từ ngày 10/4/2013.
Theo đó, đối tượng áp dụng là sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ trong lực lượng Công an nhân dân bao gồm: Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, học viên đang công tác; đang đào tạo và huấn luyện trong các trường đào tạo của lực lượng Công an nhân dân và Công an các đơn vị, địa phương.
Về tiêu chuẩn ăn cơ bản của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, nhiệt lượng khẩu phần ăn 3.200 Kcal/người/ngày, cơ cấu định lượng các loại lương thực, thực phẩm và tỷ lệ các chất sinh nhiệt hợp lý (Protein từ 14% - 16%, Lipit từ 18% - 20%, Gluxit từ 64% - 68%).
Đáng chú ý, mức tiền ăn của cán bộ, chiến sĩ đảm nhiệm công việc đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm hoặc nặng nhọc, nguy hiểm được tính cao hơn so với cán bộ, chiến sĩ hưởng sinh hoạt phí từ 1,3 đến 3,5 lần. Cán bộ, chiến sĩ bị thương, ốm đau điều trị tại bệnh viện, bệnh xá, nhà nghỉ dưỡng ăn theo tiêu chuẩn bệnh lý.
Bổ sung quy định về chế độ tiền lương đối với cán bộ công chức
Theo Nghị định 17/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, cán bộ, công chức, viên chức lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ mà chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh thì được xét nâng một bậc lương trước thời hạn tối đa là 12 tháng so với thời gian quy định.
Theo quy định hiện đang được áp dụng tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức được nâng bậc lương trước thời hạn trong một năm không quá 5% tổng số cán bộ, công chức, viên chức thuộc biên chế trả lương của cơ quan, đơn vị. Tỷ lệ này được tăng lên thành không quá 10% tại Nghị định 17/2013/NĐ-CP.
Nghị định 17/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ 10/4/2012.
Tạm dừng thi công công trình không đảm bảo an toàn
Theo Nghị định 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng có hiệu lực từ 15/4/2012, trường hợp phát hiện chất lượng công trình không đảm bảo yêu cầu, có nguy cơ gây sập đổ công trình hoặc biện pháp thi công không đảm bảo an toàn thì cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng được quyền tạm dừng thi công công trình.
Cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng chỉ cho phép thi công sau khi chủ đầu tư và các nhà thầu khắc phục các tồn tại, đảm bảo an toàn.
Khi phát hiện các hành vi vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng qua công tác kiểm tra hoặc do tổ chức, cá nhân phản ánh, cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng phải kịp thời yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan khắc phục, đồng thời đề xuất xử lý theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng.
Trợ cấp thêm 50% lương đối với cán bộ y tế luân phiên xuống tuyến dưới
Theo Quyết định 14/2013/QĐ-TTg về việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (bác sỹ, điều dưỡng viên, hộ sinh viên, kỹ thuật viên), các đối tượng trên trong thời gian đi luân phiên sẽ hưởng 100% tiền lương, các khoản phụ cấp theo lương (không bao gồm phụ cấp ưu đãi nghề); phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp độc hại, phụ cấp đặc biệt; phụ cấp khu vực (nếu có) như đối với người hành nghề tại nơi đến công tác; phụ cấp đặc thù đối với viên chức y tế và các quyền lợi khác.
Ngoài ra, những đối tượng này trong thời gian luân phiên cũng được hưởng chế độ đặc thù với người hành nghề đi luân phiên.
Đặc biệt, nếu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời gian đi luân phiên (có quyết định khen thưởng của đơn vị, nơi người hành nghề đến luân phiên) thì được xét ưu tiên nâng bậc lương trước thời hạn, thay đổi chức danh nghề nghiệp khi đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và được hưởng các chế độ khen thưởng khác do đơn vị quy định.
Quyết định 14/2013/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2013.
Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
Theo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống mua bán người có hiệu lực từ 15/4/2013, nạn nhân bị mua bán sẽ được hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại, hỗ trợ y tế, tâm lý, trợ giúp pháp lý, trợ cấp khó khăn ban đầu.
Cụ thể, đối tượng được hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại gồm 3 trường hợp: (1) Nạn nhân là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam, người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam; (2) Người trong thời gian chờ xác minh là nạn nhân theo quy định tại Điều 24, Điều 25 của Luật phòng, chống mua bán người; (3) Người chưa thành niên đi cùng nạn nhân.
Chế độ hỗ trợ gồm: Hỗ trợ tiền ăn trong thời gian tạm trú tại cơ sở bảo trợ, cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Thời gian hỗ trợ tối đa từ nguồn ngân sách nhà nước không quá 60 ngày. Ngoài ra còn hỗ trợ quần áo, vật dụng sinh hoạt cá nhân cần thiết.
5 đối tượng trẻ được hỗ trợ ăn trưa
Theo Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BNV hướng dẫn thực hiện chi hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non quy định tại Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg, có 5 đối tượng trẻ em được hưởng chế độ chính sách theo Quyết định 60/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
- Đối tượng 1 là trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non theo quy định tại Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 9/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
- Đối tượng 2 là trẻ em mẫu giáo 3 đến 5 tuổi dân tộc rất ít người đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non theo quy định tại Quyết định số 2123/QĐ-TTg ngày 22/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
- Đối tượng 3 là trẻ em mẫu giáo 3 và 4 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, núi cao, hải đảo, các xã và thôn bản có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định hiện hành.
- Đối tượng 4 là trẻ em mẫu giáo 3 và 4 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non không thuộc đối tượng 3 có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định hiện hành của Nhà nước. Chuẩn nghèo được thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo từng thời kỳ.
- Đối tượng 5 là trẻ em mẫu giáo 3 và 4 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế.
Việc chi trả kinh phí hỗ trợ ăn trưa được cấp theo số tháng thực học, tối đa 9 tháng/năm học và thực hiện 2 lần trong năm: lần 1 chi trả đủ 4 tháng vào tháng 10 hoặc tháng 11 hàng năm; lần 2 chi trả đủ 5 tháng vào tháng 3 hoặc tháng 4 hàng năm.
Thông tư liên tịch này chính thức có hiệu lực từ ngày 25/4/2013. Chính sách hỗ trợ đối với trẻ mầm non được tính hưởng từ ngày 1/9/2012.
Điều chỉnh phí sát hạch lái xe cơ giới đường bộ
Theo Thông tư 23/2013/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sát hạch lái xe cơ giới đường bộ, kể từ ngày 15/4/2013, phí sát hạch lái xe cơ giới đường bộ sẽ được điều chỉnh tăng.
Đối với thi sát hạch lái xe mô tô (hạng xe A1, A2, A3, A4), mức phí sát hạch lý thuyết sẽ là 40.000 đồng/lần thay mức 30.000 đồng/lần hiện nay theo quy định tại Thông tư53/2007/TT-BTC; mức phí sát hạch thực hành là 50.000 đồng/lần thay mức 40.000 đồng/lần đang áp dụng.
Đối với thi sát hạch lái xe ô tô (hạng xe B1, B2, C, D, E, F), mức phí sát hạch lý thuyết sẽ tăng từ 70.000 đồng/lần lên 90.000 đồng/lần; Sát hạch thực hành trong hình tăng từ 230.000 đồng/lần lên mức 300.000 đồng/lần; Sát hạch thực hành trên đường giao thông công cộng sẽ tăng từ 50.000 đồng/lần lên 60.000 đồng/lần.
Công khai thông tin Tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt
Theo Thông tư 07/2013/TT-NHNN quy định về việc kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng, áp dụng từ ngày 27/4/2013, tùy vào thực trạng tài chính, mức độ rủi ro và vi phạm pháp luật của tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định đặt tổ chức tín dụng vào tình trạng kiểm soát đặc biệt dưới hình thức giám sát đặc biệt (giám sát hoạt động hàng ngày của tổ chức tín dụng) hoặc kiểm soát toàn diện (kiểm soát trực tiếp và toàn diện hoạt động hàng ngày).
Ngân hàng Nhà nước sẽ yêu cầu chủ sở hữu các tổ chức tín dụng thuộc diện kiểm soát đặc biệt triển khai việc tăng vốn điều lệ để đảm bảo giá trị thực của vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định cũng như đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định trong một thời hạn được xác định cụ thể.
Trong trường hợp tổ chức tín dụng tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt không có khả năng hoặc không thể thực hiện việc tăng vốn điều lệ theo yêu cầu và trong thời hạn được Ngân hàng Nhà nước xác định, Ngân hàng Nhà nước có thể yêu cầu chủ sở hữu tổ chức tín dụng này xây dựng, trình kế hoạch tái cơ cấu hoặc bắt buộc sáp nhập, hợp nhất, mua lại với các tổ chức tín dụng khác.
Ngân hàng Nhà nước sẽ công khai danh tính đơn vị thuộc diện kiểm soát đặc biệt trên website của tổ chức tín dụng đó hoặc của Ngân hàng Nhà nước cũng như trên một số phương tiện thông tin đại chúng hoặc công bố tại Đại hội đồng cổ đông.