(Baonghean) - Một số người dân ở huyện Anh Sơn phản ánh việc chi trả tiền hỗ trợ mua máy cày theo Quyết định số 09/QĐ-UBND ngày 4/2/2012 của UBND tỉnh (từ đây gọi tắt là QĐ 09) ban hành về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 - 2015 chưa công bằng, người được hưởng, người không.

Điều 9 của QĐ 09 nêu rõ: Hỗ trợ 20% giá trị máy hoàn chỉnh và cấp bù lãi suất cho 80% giá trị máy hoàn chỉnh còn lại trong thời gian 36 tháng đối với các huyện, xã miền núi. Với những chính sách ưu đãi đó, khi QĐ 09 có hiệu lực thi hành, huyện Anh Sơn đã áp dụng cho người dân trên địa bàn mua máy cày, máy cắt chè, máy gặt...
 
Tuy nhiên, tìm hiểu, trong năm 2013 nhiều hộ dân các xã Tào Sơn, Tường Sơn đã mua máy nhưng số tiền hỗ trợ 20% theo quy định tại QĐ 09 thì không được nhận. Riêng ở xã Tào Sơn hiện nay còn có 8 hộ dân Nguyễn Thanh Vân (xóm 8), Hoàng Văn Hiếu (xóm 10), Hoàng Văn Đệ (xóm 10), Trần Văn Bình (xóm 8); Đào Văn Hữu, Nguyễn Văn Xuân, Mai Xuân Hương, Nguyễn Văn Hải (đều ở xóm 12) chưa nhận được tiền hỗ trợ. 
 
images1477600_1.jpgÔng Nguyễn Văn Hải, xóm 12, Tào Sơn, Anh Sơn, là một trong những hộ đến nay vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ theo quyết định 09
Trong khi có những hộ dân đã mua máy trước và sau thời điểm năm 2013 lại nhận được tiền hỗ trợ đầy đủ. Ông Nguyễn Văn Minh - Phó phòng NN&PTNT cho biết: Theo chính sách được quy định tại QĐ 09, tiền hỗ trợ không chuyển về huyện mà chuyển về các công ty được chỉ định trực tiếp bán máy cho người dân. Vì vậy, kinh phí hỗ trợ mà tỉnh đã chuyển về cho các doanh nghiệp là bao nhiêu thì huyện không nắm được.  
 
Anh Nguyễn Viết Xuân bên chiếc máy cày đa năng mà gia đình anh mua năm 2013.

Còn theo ông Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc công ty CP cơ giới nông nghiệp và phát triển nông thôn Nghệ An là doanh nghiệp liên quan đến việc bán máy cày và chi trả tiền hỗ trợ cho người dân ở Tào Sơn cho biết:  "Hng năm tỉnh cấp kinh phí theo QĐ 09 làm 2 đợt; đợt đầu cho ứng trước một nửa, sau khi quyết toán thì cấp đợt hai. Vì vậy, tỉnh cấp kinh phí thời điểm nào thì công ty thực hiện chi trả kinh phí hỗ trợ cho những hộ dân mua máy của thời điểm đó. Đối với công ty, từ năm 2012 đến năm 2014, đã được tỉnh phân bổ chỉ tiêu trên 2 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2012 là 500 triệu đồng, năm 2013 là 750 triệu đồng, năm 2014 là 1,05 tỷ đồng. Việc người dân mua quá số tiền hỗ trợ thì công ty cũng đã thống nhất với họ, hiện tại chỉ tiêu của năm đã hết, các hộ nông dân chấp nhận mua thì phải chờ tiền tỉnh hỗ trợ; lúc nào tỉnh hỗ trợ thì công ty mới có tiền chi trả; bên công ty không bắt buộc người dân mua máy".

Theo ông Hoàng Minh Quân - Trưởng phòng Quản lý giá và công sản (Sở Tài chính), hàng năm tỉnh đều có chỉ tiêu phân bổ ngân sách thực hiện QĐ 09. Do nhu cầu người dân quá lớn, nên diễn ra hiện tượng “phạm luật ngân sách”. Vì vậy, không chỉ ở huyện Anh Sơn mới xảy ra tình trạng người dân mua máy cày, nhưng chưa được nhận hỗ trợ mà còn có cả ở nhiều huyện khác như Thanh Chương, Tân Kỳ... Và cũng không chỉ xảy ra trong năm 2013 mà còn có năm 2012, năm 2014.

 
Hồ Phương