(Baonghean) - Thủ đô Kabul của Afghanistan vừa qua đã rung chuyển bởi các vụ đánh bom liều chết và đấu súng do phiến quân Taliban thực hiện, khiến hơn 400 người thương vong. Với vụ tấn công đẫm máu ngay tại trung tâm thủ đô, Taliban đã gửi một thông điệp đầy thách thức với chính quyền Afghanistan đang phải loay hoay tự củng cố an ninh, sau khi Mỹ và NATO hoàn thành sứ mệnh và rút quân khỏi quốc gia Nam Á này. Liệu có phải chính quyền Kabul đang bất lực?

Lực lượng an ninh Afghanistan kiểm tra hiện trường sau vụ tấn công tự sát bằng bom xe vào một tòa nhà an ninh của chính phủ ở thủ đô Kabul, Afghanistan ngày 19/4. Ảnh: Reuters.

Taliban trở lại

Kể từ khi liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu rút khỏi Afghanistan cuối năm 2014 đến nay, lực lượng phiến quân Taliban đã trỗi dậy mạnh mẽ trở lại. Thậm chí nhóm này còn đang phát triển với tốc độ nhanh nhất và cường độ mạnh nhất tính từ khi bị lực lượng do Mỹ hậu thuẫn lật đổ năm 2001.

Dẫn chứng là bắt đầu từ năm ngoái, Taliban đã “ngang nhiên” công bố các chiến dịch tấn công mùa Xuân nhằm khuấy đảo Afghanistan. Cụ thể trong chiến dịch tấn công mùa Xuân 2015 mang tên "Azm", Taliban đã thực hiện hàng loạt vụ đánh bom liều chết và gài bom ven đường khiến nhiều người thiệt mạng.

Theo một báo cáo do phái bộ Liên hợp quốc tại Afghanistan công bố giữa tháng 2, hơn 3.540 dân thường đã thiệt mạng và hơn 7.450 người bị thương tại đây trong năm 2015.

Tiếp đà này, vừa qua, Taliban tiếp tục công bố “sự kiện thường niên” là chiến dịch tấn công mùa Xuân 2016 tại Afghanistan. Trong thông điệp đăng tải trên mạng, Taliban tuyên bố sẽ triển khai nhiều cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào cảnh sát và quân đội trên khắp Afghanistan trong chiến dịch mang tên “Chiến dịch Omari” theo tên của thủ lĩnh Taliban Mullah Omar - được thông báo đã chết hồi năm ngoái. Taliban cũng kêu gọi các quân nhân và viên chức Afghanistan từ bỏ chức vụ trong chính phủ để gia nhập Taliban.

Tuyên bố bắt đầu chiến dịch được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Kabul đang nỗ lực đưa nhóm phiến quân này trở lại bàn đàm phán nhằm chấm dứt xung đột kéo dài tại quốc gia Nam Á. Động thái này cho thấy, Taliban đang trở lại và đang rất tự tin thách thức chính quyền non trẻ của Afghanistan.

Không khó để lý giải cho sự trỗi dậy của Taliban tại Afghanistan thời gian này.

Thứ nhất, chính quyền Kabul vẫn chưa quen với việc phải “tự lực cánh sinh”, sau khi lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế do Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đứng đầu kết thúc sứ mệnh chiến đấu và chỉ duy trì lực lượng gồm khoảng 13.000 binh sĩ để hỗ trợ huấn luyện lực lượng an ninh Afghanistan. Lộ trình này sẽ tiếp tục vào đầu năm sau, khi lực lượng này sẽ giảm tiếp xuống chỉ còn một nửa.

Thứ hai, chính phủ đoàn kết dân tộc của Tổng thống Ashraf Ghani đang trong giai đoạn vô cùng khó khăn trong việc giải quyết núi thách thức cả về an ninh lẫn kinh tế. Trong khi nỗ lực hòa đàm và giải quyết vấn đề Taliban đang bế tắc, ông Ghani còn phải đối diện những tranh cãi nội bộ trước thực tế kinh tế giảm sút và trì trệ. Khó khăn chồng chất, phải giải quyết nhiều vấn đề cùng một lúc đã khiến chính quyền Kabul không thể kiểm soát tình hình, tạo ra những lỗ hổng an ninh cho lực lượng Taliban phát triển thời gian qua.

Lực lượng An ninh Quốc gia Afghanistan (ANA) được huy động đến hiện trường vụ đánh bom tại Kabul. Ảnh: Reuters.

Liệu đã hết giải pháp?

Thế nhưng, dù trỗi dậy mạnh mẽ trở lại nhưng không phải Taliban không có những điểm yếu mà chính quyền Kabul có thể khai thác. Nếu như Taliban đang chơi chiến lược “dùng dằng” trong hòa đàm với chính phủ thì chính thời gian cũng là con dao hai lưỡi của lực lượng này. Bởi Taliban dù đang gây dựng lại thế lực cả về chính trị và quân sự; nhưng khả năng khôi phục trở lại một thể chế Hồi giáo như trước là rất khó.

Trong khi đó, Taliban lại đang bị “cạnh tranh ảnh hưởng” mạnh mẽ bởi nhóm phiến quân Nhà nước hồi giáo (IS) tự xưng đang vươn vòi bạch tuộc sang châu Á. Nếu như trước đây, al-Qaeda và Taliban luôn đi đầu trong phong trào thánh chiến ở Afghanistan và Pakistan thì bây giờ, thế thượng tôn đã không còn trước sự ảnh hưởng của IS.

Không chỉ vậy, nội bộ Taliban cũng vẫn còn những mâu thuẫn và chia rẽ trong việc đàm phán hòa bình với chính phủ. Nếu như giới lãnh đạo có thâm niên đang muốn một sự thỏa hiệp chính trị với chính phủ thì thế hệ Taliban trẻ hơn lại kịch liệt phản đối quan điểm này.

Như thế, trong chính nội bộ Taliban cũng đang tồn tại những bế tắc mà nhóm này chưa thể giải quyết. Trong khi đó về phía chính phủ Afghanistan, dù đã rút hầu hết quân sĩ ra khỏi quốc gia Nam Á này, nhưng chính quyền Mỹ vẫn luôn khẳng định cam kết sát cánh cùng chính phủ đoàn kết dân tộc của Kabul. Thể hiện mới đây là chuyến thăm bất ngờ của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Afghanistan hôm 9/4 vừa qua.

Bên cạnh đó, dù Taliban khẳng định, vụ tấn công đẫm máu vừa qua gửi thông điệp mạnh mẽ đến chính phủ; nhưng nhiều quan chức NATO lại cho rằng, chính sự việc đã cho thấy dấu hiệu suy yếu của Taliban. Bởi nhóm này chỉ có thể đánh bom gây thương vong cho dân thường chứ không đủ lực để tấn công trực diện và đối phó trực tiếp với các cuộc tấn công của quân đội chính phủ.

Một người đàn ông Afghanistan được điều trị tại một bệnh viện sau vụ đánh bom xe liều chết hôm 19/4 tại thủ đô Kabul. Ảnh: Reuters.

Vì thế, việc mà chính quyền Kabul có thể làm lúc này là tìm ra một cơ chế và điều kiện hợp lý để kéo Taliban ngồi lại vào bàn đàm phán hòa bình. Thêm vào đó, nỗ lực từ phía Mỹ, Trung Quốc và Pakistan cũng là những nhân tố tích cực tác động vào tiến trình này. Quả bóng lúc này sẽ rơi về phía Taliban, khi lựa chọn một giải pháp chính trị với chính phủ để có một vị trí chấp nhận được trên chính trường Afghanistan, hoặc sẽ phải cạnh tranh “một mất một còn” với IS và có khả năng bị nhóm này thôn tính. Nhưng chắc chắn, lựa chọn nào cũng sẽ khó khăn với Taliban và lực lượng này sẽ còn cần nhiều thời gian để cân nhắc kỹ lưỡng.

Phương Hoa