Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về đầu tư, kinh doanh vừa được cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ, với việc chốt phương án giảm 53 ngành, nghề trong Danh mục Ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện so với quy định hiện hành.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, cộng đồng doanh nghiệp tin là Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát và sẵn sàng bãi bỏ thêm những ngành nghề, điều kiện kinh doanh không hợp lý, không phù hợp.
Thưa ông, Dự thảo có đề xuất việc bãi bỏ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, đang có quan điểm cho rằng, những ngành nghề vừa được Chính phủ ban hành nghị định quy định điều kiện đầu tư, kinh doanh thì chưa nên bãi bỏ vội, mà cần đợi thực tiễn kiểm nghiệm…
Cần phải làm rõ các vấn đề này. Trong quá trình hoàn tất 50 dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh vài tháng trước, VCCI đã tham gia rất sát, đã trực tiếp đề xuất Chính phủ không ban hành nghị định quy định về một số điều kiện kinh doanh ngay vào thời điểm đó. Có thể kể tới các ngành nghề như kinh doanh dịch vụ mua bán nợ; kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy… Lý do đã được chúng tôi nghiên cứu dựa trên cơ sở lý luận, pháp lý và thực tiễn.
Chẳng hạn, với ngành kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy, mục tiêu cốt lõi trong quản lý đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm là đảm bảo chất lượng của mũ bảo hiểm khi được sản xuất và lưu thông trên thị trường, bảo vệ tính mạng của người sử dụng. Điều này có thể kiểm soát thông qua các quy chuẩn kỹ thuật, hay những yêu cầu về chất lượng của sản phẩm.
Hiện tại, đã có Quy chuẩn kỹ thuật QCVN 2:2008/BKHCN - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy (ngày 28/4/2008). Nghĩa là, dù kinh doanh thế nào thì các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm cũng phải đáp ứng điều kiện về quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm. Do đó, việc áp đặt điều kiện đối với các chủ thể sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm là chưa hợp lý và ít ý nghĩa, trong khi đây lại là rào cản đáng kể đối với quyền tự do kinh doanh…
Ngay thời điểm đó, các cơ quan quản lý chuyên ngành cũng đồng tình với VCCI. Tuy nhiên, quan điểm của Chính phủ là sẽ tuân thủ đúng theo quy định của Luật Đầu tư, việc đề xuất bãi bỏ sẽ được thực hiện ngay sau, cùng với hoạt động rà soát lại toàn bộ Danh mục Ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Cũng có lo ngại rằng, việc bãi bỏ ngay một văn bản vừa ban hành sẽ khiến doanh nghiệp cảm thấy bất an. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Đòi hỏi sự ổn định của pháp luật là vô cùng cần thiết và quan trọng với hoạt động của doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp cũng mong muốn những gì không phù hợp phải được sửa đổi ngay. Chúng ta không thể chấp nhận sự ổn định mang tính hình thức.
Một chính phủ kiến tạo, một chính phủ lắng nghe và hành động vì sự phát triển không chỉ là một chính phủ ban hành những quy định đúng, quy định cần thiết, mà còn phải là một chính phủ dám nhận sai và sửa sai.
Trong bối cảnh Việt Nam đang hoàn thiện hệ thống pháp luật để phù hợp với những yêu cầu mới của hội nhập kinh tế, đòi hỏi mới của nội tại nền kinh tế đang trong giai đoạn chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thì việc sửa đổi, bổ sung các quy định là vô cùng cần thiết. Tất nhiên, mọi thay đổi đều phải cân nhắc cẩn trọng, trên cơ sở khoa học và thực tiễn rõ ràng.
Liên quan các quy định về điều kiện kinh doanh, quan điểm của VCCI là việc quy định điều kiện kinh doanh cho ngành nghề không cần thiết phải kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh, tư duy tiền kiểm sẽ là rào cản với doanh nghiệp, ảnh hưởng tới “quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp” theo tinh thần của Hiến pháp, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và không phù hợp với một chính phủ kiến tạo mà Thủ tướng Chính phủ đã cam kết.
Có thể nói, mục tiêu quan trọng vẫn là tạo môi trường thực sự minh bạch, thuận lợi và an toàn cho doanh nghiệp, thưa ông?
Đúng vậy. Khi Chính phủ hành động thật, làm thật vì môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, thì doanh nghiệp chắc chắn sẽ có niềm tin để làm thật, để xây dựng định hướng phát triển dài hạn.
Theo Baodautu