Vẫn tiếp tục thực hiện tạo nguồn cải cách tiền lương.
Chính phủ cũng đề nghị chưa điều chỉnh chuẩn nghèo trong bối cảnh cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2021 khó khăn. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn tiếp tục thực hiện các quy định hiện hành về tạo nguồn cải cách tiền lương.
Trong đó, cho phép tiếp tục loại trừ 8 khoản thu khi tính số tăng thu ngân sách địa phương thực hiện năm 2020 và dự toán 2021 dành để cải cách tiền lương như đã áp dụng với dự toán 2020 và loại trừ thêm khoản thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.
Chính phủ yêu cầu các địa phương sử dụng 50% số giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên do thực hiện các Nghị quyết 18, 19 của Trung ương về bổ sung nguồn cải cách tiền lương. Phần còn lại thực hiện chi trả các chính sách an sinh xã hội và tăng cường cơ sở vật chất.
Các địa phương chủ động sử dụng các nguồn tài chính hợp pháp năm 2020, triển khai và phấn đấu tăng thu năm 2021 để chia sẻ trách nhiệm trong đảm bảo nhiệm vụ chi tiền lương và các chính sách xã hội.
Trường hợp thu cân đối ngân sách địa phương dự kiến giảm so với dự toán được cấp có thẩm quyền giao, địa phương phải chủ động nguồn lực của địa phương, bao gồm cả nguồn cải cách tiền lương còn dư từ 2020 trở về trước để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương theo dự toán chi ngân sách địa phương đã được Quốc hội quyết định và Thủ tướng giao.
Đối với địa phương đã cam kết đảm bảo nhu cầu cải cách tiền lương và chính sách an sinh xã hội, đến hết 2020, lập dự toán năm 2021 thiếu nguồn thì được ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu để thực hiện theo chế độ quy định.
Các địa phương có điều tiết ngân sách về Trung ương được xác định đảm bảo nguồn kinh phí cải cách tiền lương và thực hiện chính sách an sinh xã hội cho cả lộ trình đến năm 2025, không đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ thì được phép trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc sử dụng nguồn lương còn dư để đầu tư các dự án đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật.
Căn cứ khả năng và nguồn kinh phí bố trí từ NSNN trong năm 2021, Chính phủ sẽ trình cấp có thẩm quyền lộ trình cải cách tiền lương theo nghị quyết 27 của Trung ương.
Thẩm tra báo cáo này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho hay, đa số ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách cơ bản đồng ý với đề nghị của Chính phủ.
Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cân nhắc đối với người hưởng lương hưu từ năm 1993 trở về trước, vì hầu hết đối tượng này có mức lương hưu rất thấp, tuổi đã cao, đời sống khó khăn.
Trước đó theo lộ trình, việc điều chỉnh lương cơ sở theo lộ trình được tăng từ 1,49 triệu lên 1,6 triệu từ 1/7/2020. Tuy nhiên, tại kỳ họp 9, Chính phủ đã đề nghị chưa chưa tăng lương cơ sở vào thời điểm này.
Tại kỳ họp, Quốc hộiđã thông qua Nghị quyết kỳ họp 9, quyết định chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020 và giao Chính phủ “căn cứ tình hình thực tế, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thời điểm điều chỉnh mức lương cơ sở”.
Do đó, nếu như đề xuất chưa tăng lương cơ sở trong năm 2021 được Quốc hội thông qua, tiền lương của công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động sẽ hoãn tăng liên tiếp trong 2 năm.
Tại Hội nghị lần thứ 13, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII vừa qua, Trung ương cũng thống nhất hoãn lộ trình cải cách tiền lương từ năm 2021 sang 1/7/2022./.