(Baonghean.vn) - Thủ tướng quyết định thành lập 2 đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT; Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số; Giao kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;... là những chỉ đạo nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng.

1. Thủ tướng quyết định thành lập 2 đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT

resize_images2073026_15.jpgQuy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình là vấn đề cấp bách (ảnh minh họa)

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định thành lập Viện Khoa học tài nguyên nước và Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Viện Khoa học tài nguyên nước có chức năng nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, phát triển công nghệ về tài nguyên nước phục vụ công tác quản lý nhà nước, thực hiện các hoạt động dịch vụ tư vấn về tài nguyên nước.

Viện Khoa học tài nguyên nước có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; trụ sở tại thành phố Hà Nội.

Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường có chức năng tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, truyền thông thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường; thực hiện các hoạt động dịch vụ tư vấn, truyền thông về tài nguyên và môi trường.

Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, trụ sở tại thành phố Hà Nội.

2. Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số

Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025".

Đề án trên được triển khai tại: Các xã và huyện có đồng bào dân tộc thiểu số, trọng tâm là địa bàn có dân tộc thiểu số ít người sinh sống. Đối tượng của Đề án là đồng bào các dân tộc thiểu số rất ít người, già làng, người có uy tín, cán bộ thôn, bản và các tổ chức đoàn thể ở thôn, bản; cán bộ, công chức, viên chức công tác trên địa bàn huyện, xã vùng dân tộc thiểu số có đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người sinh sống.

Đề án phấn đấu 100% cán bộ làm công tác dân tộc ở địa phương, 50% cán bộ làm công tác liên quan đến bình đẳng giới ở cấp huyện, cấp xã và người có uy tín, già làng, trưởng bản vùng dân tộc thiểu số có đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người sinh sống được phổ biến pháp luật về bình đẳng giới và tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới.

3. Giao kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 1865/QĐ-TTg giao kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan khác ở trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương mục tiêu, nhiệm vụ và tổng nguồn vốn ngân sách trung ương, trái phiếu chính phủ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.

Trong đó, kế hoạch nguồn ngân sách trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là 207.548 triệu đồng, Bộ Xây dựng là 2.050 triệu đồng, Bộ Thông tin và Truyền thông là 70.250 triệu đồng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 122.300 triệu đồng, Ủy ban Dân tộc là 50.700 triệu đồng...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Căn cứ các mục tiêu, nhiệm vụ, tổng nguồn vốn được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, kiểm tra, giám sát tình hình triển khai kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 tại các bộ, ngành trung ương và địa phương...

4. Hoàn thiện chính sách thuế đối với đơn vị sự nghiệp công lập

Ảnh minh họa

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luậncủa Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về chính sách thuế đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan trên cơ sở Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, rà soát, hoàn thiện chính sách thuế đối với đơn vị sự nghiệp công lập nhằm khuyến khích các đơn vị này tự chủ tài chính và có tích lũy cho đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các Luật về thuế trong năm 2018.

Trong đó, cần đánh giá tình hình thực hiện chính sách không chịu thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ y tế, dạy học, dạy nghề thời gian qua. Đánh giá việc thực hiện pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo thời gian qua; trong đó, làm rõ tình hình ở đơn vị tự chủ hoàn toàn, đơn vị tự chủ một phần và đơn vị được ngân sách nhà nước đầu tư toàn bộ.

5. Chưa xem xét nâng mệnh giá bảo hiểm y tế

Ảnh minh họa

Đây là nội dung tại Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại cuộc họp về nội dung sửa đổi Nghị định 105/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Thông báo nêu rõ, Bảo hiểm y tế (BHYT) có tính chất an sinh xã hội cao, rất nhạy cảm, liên quan đến đại bộ phận người dân, vì vậy việc thường xuyên rà soát hoàn thiện chính sách pháp luật về BHYT trong đó có Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế là rất cần thiết.

Quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHYT và Nghị định sửa đổi Nghị định 105/2014/NĐ-CP cần quán triệt các nguyên tắc, định hướng cơ bản. Cụ thể, tuân thủ đúng quy định của Luật bảo hiểm y tế và các pháp luật có liên quan, phản ánh đúng bản chất, chức năng, nhiệm vụ của BHYT với nguyên tắc "đóng - hưởng" và chia sẻ rủi ro.

6. Nguyên tắc niêm phong, mở niêm phong vật chứng

Ảnh minh họa

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 127/2017/NĐ-CP quy định khái niệm, nguyên tắc; trình tự, thủ tục; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm thực hiện niêm phong, mở niêm phong các loại vật chứng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Về nguyên tắc niêm phong, mở niêm phong vật chứng, Nghị định quy định chỉ thực hiện niêm phong, mở niêm phong vật chứng khi có yêu cầu phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; niêm phong, mở niêm phong vật chứng phải bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, hình thức, thẩm quyền theo quy định của pháp luật và quy định của Nghị định này; bảo đảm nhanh chóng, kịp thời; bảo đảm tôn trọng lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm tính nguyên vẹn của vật chứng.

Nghị định quy định mọi vật chứng sau khi thu thập phải được niêm phong, trừ các trường hợp: Vật chứng là động vật, thực vật sống; vật chứng là tài liệu được đưa vào hồ sơ vụ án; vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản; những vật chứng khác mà cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng xét thấy không cần thiết phải niêm phong.

7. Đơn giản hóa thủ tục giải quyết hưởng chế độ thai sản, tử tuất

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 125/NQ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Theo đó, đơn giản hóa nhiều thủ tục như: Giải quyết hưởng chế độ thai sản; giải quyết hưởng chế độ tử tuất; giải quyết di chuyển đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng và người chờ hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ tỉnh này đến tỉnh khác; giải quyết hưởng trợ cấp hằng tháng; giải quyết hưởng trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu…

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN