Sáng 25/7, ông Vũ Xuân Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho hay các cơ quan cửa Bộ đang phối hợp với các nhà khoa học nắm bắt thêm thông tin cụ thể để tính toán những tác động tới khu vực đồng bằng sông Cửu Long khi đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy của Lào bị vỡ.
Cũng theo thông tin từ ông Vũ Xuân Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, chiều nay, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường sẽ chủ trì cuộc họp khẩn Ban chỉ đạo cùng với các bộ ngành liên quan về vụ vỡ đập thủy điện Lào, những tính toán cụ thể tác động tới Việt Nam để đưa ra những biện pháp ứng phó kịp thời cho các địa phương liên quan, đặc biệt các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Liên quan đến vụ việc trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho biết, hồ chứa thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy có thiết kế 1,034 tỷ m3 và hiện mới tích nước được một phần. Lưu lượng xả của thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy hơn 200m3/s, rất thấp so với lưu lượng đang xả của các thủy điện lớn ở Việt Nam. Sáng 24/7, lưu lượng xả tại hồ Sơn La trên 3.200m3/s và Hòa Bình là gần 4.000m3/s. Khoảng cách từ thủy điện tới biên giới Việt Nam khoảng 650 km và nếu có tác động đến Việt Nam phải 5-8 ngày nước mới về đến Tân Châu, Châu Đốc (An Giang)
Hiện Lào bị lũ lụt trên diện rộng, rất nghiêm trọng, ở cả phía Bắc và Nam. "Việt Nam giao các cơ quan chuyên môn giám sát chặt chẽ, sẵn sàng hỗ trợ phía Lào khi cần" - Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho biết.
Trước đó, tối ngày 23/7 đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy ở tỉnh Attapeu, đông nam Lào bị vỡ, hàng trăm người mất tích và nhiều người ở 6 làng thuộc huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu, đông nam Lào, được cho là đã thiệt mạng, theo hãng thông tấn Lào LNA. Hơn 6.600 người rơi vào tình cảnh mất nhà cửa do nước lũ.Vỡ đập thủy điện ở Lào ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam?