Sáng tạo trong xây dựng thương hiệu cá nhân, nhanh nhạy nắm bắt mong muốn của cử tri, Sebastian Kurz vụt sáng thành ngôi sao chính trị.
Ba ngày trước cuộc tổng tuyển cử ở Áo, hàng trăm thành viên và tình nguyện viên ủng hộ đảng Nhân dân tập trung tại văn phòng của đảng ở thủ đô Vienna để theo dõi vòng tranh luận cuối cùng trên truyền hình. Nổi bật giữa gam màu tối của các bức tường ốp gỗ và một rừng suit đen là những biểu ngữ màu xanh ngọc lam tươi sáng - màu sắc mới của đảng trung hữu do chính lãnh đạo 31 tuổi Sebastian Kurz lựa chọn.
Kể từ khi trở thành chủ tịch đảng Nhân dân, Sebastian Kurz bắt tay ngay vào việc xây dựng lại "bộ nhận diện thương hiệu" cho đảng chính trị lâu đời và già cỗi nhất nước Áo này. Theo Atlantic, Kurz đã nỗ lực xây dựng hình ảnh một đảng Nhân dân "tươi mới" và "khác biệt" trong lòng cử tri với những câu khẩu hiệu như "Đã đến lúc. Bây giờ hoặc Không bao giờ!".
"Ông ấy đã thiết kế lại thành công 'bao bì' cho một trong những đảng truyền thống nhất và buồn chán nhất châu lục này", Stefan Lehne, học giả thỉnh giảng tại trường Carnegie Europe, nói.
Thường xuyên xuất hiện trước công chúng với mái tóc màu hạt dẻ vuốt ngược ra sau, lịch lãm trong bộ suit tối màu, không đeo cà-vạt và để mở khuy cổ áo sơ mi, Kurz nổi lên như một lãnh đạo năng động và mạnh dạn thay đổi.
"Khi anh thấy tranh ảnh vận động bầu cử trên đường phố, ngay lập tức anh sẽ không nhận ra được đó chính là cùng một đảng", Jakob-Moritz Eberl, một nhà nghiên cứu tại trường đại học Vienna, nói. "Tất cả đều tập trung quanh hình ảnh cá nhân của Sebastian Kurz".
Chỉ trong vòng 5 tháng, đảng Nhân dân Mới đã thu hút thêm 200.000 cử tri và nâng tỷ lệ ủng hộ từ dưới 20% vào năm ngoái lên hơn 30% trong năm nay.
Sau chiến thắng của đảng Nhân dân trong cuộc tổng tuyển cử, Thủ tướng Đức Angela Merkel chúc mừng thủ tướng tương lai Áo và ca ngợi chiến dịch tranh cử của chính trị gia trẻ tuổi là "hiện đại".
Tuy nhiên, con đường trở thành nhà lãnh đạo trẻ tuổi nhất châu Âu của Kurz không chỉ đơn giản là xây dựng hình ảnh bên ngoài, mà chiến thuật hút cử tri của ông chủ yếu dựa vào quyết sách kéo đảng Nhân dân, vốn theo trường phái trung dung thiên hữu, nghiêng hẳn sang cực hữu với quan điểm dân tộc chủ nghĩa cứng rắn.
'Thời thế tạo anh hùng'
Kurz nhem nhóm tham vọng làm chính trị từ năm 16 tuổi. Khi đó, cậu thiếu niên còn ngồi trên ghế nhà trường này đã trực tiếp gọi điện cho văn phòng cấp quận của đảng Nhân Nhân tại nơi cư trú và thẳng thắn đề nghị làm việc cho đảng.
"Mọi việc không diễn ra thuận lợi", Kurz nhớ lại. "Họ nhìn tôi như kiểu muốn nói hãy quay trở lại đây sau vài năm nữa. Kinh nghiệm lần đó khiến tôi tin rằng chính trị nên là lĩnh vực mà bất cứ ai muốn đều có thể tham gia".
Khi bị từ chối vì lý do tuổi tác, chàng trai trẻ đã ngay lập tức phản bác rằng: "Khi thời gian trôi qua, điều đó sẽ không còn là vấn đề".
Sự kiên nhẫn và tham vọng đã đưa Kurz trở thành lãnh đạo tổ chức thanh niên của đảng Nhân dân vào năm 2009. Hai năm sau, chính trị gia trẻ tuổi này được tiến cử giữ chức vụ quan trọng trong Bộ Nội vụ. Khi bước sang tuổi 27, Sebastian Kurz trở thành Ngoại trưởng trẻ nhất ở châu Âu.
"Trong vòng 10-15 năm qua, người đàn ông này đã xếp mọi thứ sang một bên để tập trung cho sự nghiệp chính trị", Hannes Hofbauer, nhà quan sát tình hình chính trị Áo, nhận xét.
Điều kiện cần bao gồm tài năng, sự chăm chỉ và tham vọng hội tụ với điều kiện đủ là tình hình kinh tế trì trệ cùng làn sóng người nhập cư đổ vào châu Âu đã đưa chính trị gia 31 tuổi lên vị trí lãnh đạo nước Áo.
Áo, một trong những quốc gia giàu có nhất châu Âu với dân số 8,7 triệu người, trở thành một trong những cửa ngõ của làn sóng tị nạn từ Syria và các quốc gia Trung Đông đổ vào châu Âu trong cuộc khủng hoảng nhập cư trong suốt hai năm qua. Chính phủ Áo đã tiếp nhận khoảng 100.000 người tị nạn, tương đương gần 1% dân số, thuộc hàng cao nhất nếu so với các quốc gia châu Âu khác.
Trước nỗi lo sợ của nhiều người dân Áo rằng làn sóng nhập cư sẽ "rút cạn" ngân sách nhà nước, Kurz đã lên tiếng trấn an cử tri bằng hàng loạt phát biểu cứng rắn đối với vấn đề nhập cư.
"Đó là lý do tại sao tôi đề xuất rằng người nhập cư chưa bao giờ đóng góp gì cho hệ thống xã hội của chúng ta nên sẽ chỉ được hưởng ít phúc lợi", Kurz nói trong một cuộc tranh luận trên truyền hình. "Và việc hỗ trợ tài chính cho người nhập cư trong tương lai sẽ phải tạm ngừng".
"Nếu được hỏi sẽ làm gì, tôi sẽ trả lời rằng cần phải có các cuộc thảo luận để tạo ra sự thay đổi mà nước Áo thực sự cần. Trước tiên phải cắt giảm thuế cho người lao động, xây dựng một hệ thống an sinh xã hội vững chắc hơn và chống lại nạn nhập cư bất hợp pháp đang gây nguy hiểm cho trật tự và an ninh của đất nước chúng ta", chính trị gia này nói trong một cuộc phỏng vấn.
5 năm qua, chính phủ Áo còn phải vật lộn giải quyết vấn đề thất nghiệp tăng cao trong bối cảnh kinh tế trì trệ. Theo một nghiên cứu của viện SORA, so với 10 năm trước đây, ngày càng nhiều người Áo cảm thấy tiếng nói của họ không được lắng nghe và họ khát khao có một lãnh đạo mới đem lại thay đổi. Kết quả khảo sát cho thấy hơn 40% cử tri đồng ý rằng nước Áo cần một người cầm cương mạnh mẽ và quyết liệt.
"Người dân lo lắng về tương lai và điều đó đã quyết định kết quả cuộc bầu cử năm nay", Christoph Hofinger, giám đốc viện SORA, nói.
Cử tri Ursula Zoehrer, 47 tuổi, vui mừng nâng ly tại bữa tiệc ăn mừng chiến thắng của đảng Nhân dân. Bà tỏ ra lạc quan về tương lai của đất nước dưới sự dẫn dắt của Sebastian Kurz, người từng cam kết rằng sẽ "đưa Áo trở lại vị trí hàng đầu".
"Tình hình chính trường nước Áo đang khá bế tắc... Nếu có điều gì đó không hay xảy ra, họ sẽ đổ cho Liên minh châu Âu. Tôi nghĩ sự nhiệt tình của Kurz sẽ phá vỡ lề thói cũ này", Zoehrer nói.