Với chiến thuật đánh địch không giống ai cùng dàn vũ khí hạng nặng, tàu tên lửa Osa-II Việt Nam tạo nên sức mạnh đáng đáng sợ với kẻ thù trên biển.
Theo những thông tin được công khai, tàu tên lửa Osa II Project 205U được Liên Xô viện trợ cho Việt Nam giai đoạn 1979-1981 (số lượng 8 chiếc) cải tiến về ống phóng tên lửa. Tàu tên lửa cao tốc Osa Project 205 thiết kế từ những cuối những năm 1950 được Hải quân Liên Xô dùng kết hợp với pháo và tên lửa bờ, máy bay mang tên lửa chống hạm để chống đổ bộ đường biển. Với nhiệm vụ đó, Osa chỉ cần có tốc độ cao, tên lửa uy lực mạnh, nhỏ gọn để ẩn núp và luồn lách, dễ vận hành để tăng số lượng khi cần phục vụ chiến thuật đánh hợp lý. Đánh ven bờ nên tàu tên lửa Osa có sự hỗ trợ từ các hệ thống trinh sát mục tiêu trên không, trên biển và trên bờ nên tàu không cần trang bị hệ thống khí tài trinh sát mạnh. Khả năng đi sóng, hành trình dài cũng không phải là tiêu chí cần thiết với loại tàu chống đổ bộ gần bờ. Về vũ khí, tàu được trang bị pháo AK-230. Đây là hệ thống pháo hải quân của Liên Xô, có cấu tạo gồm 2 nòng pháo 30 mm NN-30 sử dụng cơ cấu làm mát bằng nước, được dẫn bắn bởi radar Drum Tilt hoặc Muff Cobb với chức năng chính là phòng không. Bên cạnh đó, AK-230 còn có thể sử dụng để tiêu diệt những mục tiêu mặt nước cỡ nhỏ như xuồng cao tốc hay thủy lôi. Công việc phát triển loại pháo tự động này bắt đầu từ thập niên 1950 và hoàn thành trong năm 1969, nó được chấp nhận trang bị cho tàu tên lửa tấn công nhanh Osa cùng với tàu phóng lôi cỡ nhỏ lớp Shershen. Đã có tổng cộng 1.450 khẩu AK-230 được sản xuất tại Liên Xô và khoảng 300 chế tạo ở Trung Quốc dưới tên gọi Type 69. Ngoài pháo hạm AK-230, vũ khí chủ lực trên tàu tên lửa lớp Osa II của Hải quân Việt Nam là tên lửa P-15. Đạn tên lửa P-15 Termit đạt tầm bắn tối đa 80 km, lắp đầu đạn thuốc nổ mạnh nặng tới 454 kg. Tính toán trên lý thuyết, nếu phóng đủ 4 quả đạn thì tàu Osa II có khả năng tiêu diệt tuần dương hạm cỡ 16.000 tấn. Cùng với dàn vũ khí hạng nặng, chiến thuật chiến đấu của tàu tên lửa Osa II thường là "đánh và chạy". Sau khi phóng tên lửa thì tàu Osa II nhanh chóng tăng tốc bỏ chạy. Để hoàn thành nhiệm vụ theo chiến thuật đánh đặc biệt của mình, con tàu được trang bị động cơ khá mạnh với 3 động cơ công suất 12.000 mã lực và 3 chân vịt cho phép nó đạt tốc độ cao 40 hải lý/h.
Theo Baodatviet