(Baonghean) - Chuyện tưởng như chỉ có trong phim hành động bạo lực cấm trẻ em trên các kênh nước ngoài HBO hay Star Movie nhưng mới đây lại xảy ra trong làng bóng đá Việt Nam. Đó là tại vòng loại Giải U15 quốc gia diễn ra từ ngày 30/7 đến 11/8 ở Đồng Nai, HLV của một đội bóng đã chỉ đạo “chiến thuật” cho các học trò phải đá... gãy chân cầu thủ đội bạn! 

Những “chiến thuật” phi thể thao dẫn đến nạn bạo lực sân cỏ (ảnh minh họa).
TIN LIÊN QUAN
Trong trận đấu này, cho rằng trọng tài xử ép đội bóng của mình, vị HLV này đã dùng những lời lẽ khó nghe với trọng tài và yêu cầu các học trò “đá thật rắn, lấy hết thẻ đỏ cũng được”! Nhiều khán giả trên sân còn khẳng định họ nghe thấy vị HLV này chỉ đạo “đá gãy chân” các cầu thủ Đồng Tháp! Và kết quả là các cầu thủ còn trẻ người, non dạ này đã nghe theo “chiến thuật” của thầy, đã có những pha bóng bạo lực, dẫn đến 4 cầu thủ phải nhận thẻ đỏ trực tiếp trong một trận đấu! Ở trận đấu trước đó, đội bóng của vị HLV này cũng có 2 cầu thủ bị truất quyền thi đấu! Một “chiến thuật” đã lập nên một “kỷ lục” khó có đội bóng trẻ nào phá vỡ!

Trong một giải đấu trẻ trên sân Vinh, người viết cũng từng chứng kiến tình huống sau khi học trò của mình mất bóng, một vị HLV nhảy bổ vào sân chỉ đạo “chiến thuật” rằng: “Đá xước vô giữa mặt, đá hiền thế thì mần ăn chi, mần răng mà hắn sợ được!”.

Ở Giải U17 Quốc gia vừa diễn ra tại Huế, sau trận chung kết, Ban huấn luyện đội bóng thua trận là Hà Nội T&T đã đi nhậu và tiếp tục “chơi hiệp 2” ở quán bar, trên đường đi, họ đã xích mích và ẩu đả với tài xế taxi, buộc công an phải vào cuộc phân xử. 

Lo sợ trước những hành động này, có phụ huynh đã bức xúc thốt lên rằng: “Chúng tôi đã giao trứng cho ác!”. Bởi những đứa trẻ khăn gói xa gia đình, tập trung ăn ở tại các CLB, trung tâm đào tạo bóng đá trẻ là sự gửi gắm của cha mẹ, mong con mình trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, vừa có đức, vừa có tài, trở thành những ngôi sao bóng đá Việt trong tương lai. Nhưng thử hỏi, trong một môi trường có những người thầy như thế, liệu các em sẽ học được gì trong cách ứng xử với cuộc sống, với môi trường bóng đá đầy rẫy những cám dỗ?! Và với những vị huấn luyện viên như thế, bóng đá nước nhà sẽ đào tạo ra những cầu thủ trẻ có đạo đức, chuyên môn như thế nào?

Trong một trả lời với báo chí, nhận xét về bóng đá Việt Nam, ông Tanaka Koji - Trưởng ban tổ chức V.League 2014 nhắc nhở: “Tôi hy vọng công tác đào tạo trẻ được chú trọng, giáo dục cầu thủ từ khi họ chỉ là những cậu bé”. Có lẽ khi nào, các CLB, trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam làm tốt lời khuyên của ông Tanaka Koji, khi các HLV không còn dùng những “chiến thuật” phi thể thao để “dạy” các cầu thủ trẻ nữa, thì khi đó bóng đá Việt mới có những cầu thủ đẳng cấp quốc tế về cả chuyên môn lẫn đạo đức. 

Đức Dũng