Chiến thắnglịch sử Ngọc Hồi – Đống Đa

Cách đây 230 năm, vào mùa Xuân Kỷ Dậu 1789, dưới sự lãnh đạo tài tình của người anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ, nghĩa quân Tây Sơn đã làm nên chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa với một cuộc hành quân thần tốc chưa từng có, đập tan quân xâm lược Mãn Thanh, giải phóng Thăng Long, giành lại độc lập tự do cho dân tộc.

bna_image_4032121_8102018.jpgĐền thờ Hoàng đế Quang Trung nằm trên núi Dũng Quyết (thành phố Vinh) ở độ cao 95m so với mực nước biển. Ảnh Tư liệu
Triều đình nhà Thanh từ khi được thành lập luôn rắp tâm xâm lược thôn tính nước ta. Sau khi bị quân Tây Sơn đánh bại, vua Lê Chiêu Thống cùng một số đại thần thân cận đã bỏ chạy lên phía Bắc, cho người sang Trung Quốc cầu cứu nhà Thanh. Nhận thấy đây là thời cơ thuận lợi để xâm lược, vua Thanh sai tướng Tôn Sỹ Nghị đem 29 vạn quân tiến sang nước ta.
Nhận được tin đó, Bắc Bình vương Nguyễn Huệ quyết định làm lễ lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung, chỉ huy quân tiến ra Bắc. Chỉ sau một thời gian ngắn, đầu tháng Giêng năm Kỷ Dậu 1789, nghĩa quân Tây Sơn có mặt tại Tam Điệp, hội quân với tướng Ngô Văn Sở chuẩn bị tiến vào Thăng Long và tuyên chiến với quân Thanh.
Đêm mùng 3 Tết Kỷ Dậu 1789, quân Tây Sơn bao vây khống chế đồn Hạ Hồi (cách Thăng Long khoảng 20 km) uy hiếp, khống chế và làm tan rã lực lượng lớn quân Thanh, mở màn cho chiến dịch giải phóng Thăng Long. Ngày mùng 4 Tết Kỷ Dậu 1789, nghĩa quân đã tiếp cận được đồn Ngọc Hồi, phối hợp với các đạo quân khác chuẩn bị đánh chiếm và giải phóng Thăng Long.
Du khách thăm Đền thờ Hoàng đế Quang Trung. Ảnh: Tư liệu

Sáng sớm mùng 5 Tết Kỷ Dậu 1789, quân Tây Sơn khắp nơi xung trận phá hủy các chiến lũy, đồn bốt và toàn bộ hệ thống phòng thủ phía Nam đồn Ngọc Hồi, đồng thời phối hợp với đạo quân của tướng Đặng Tiến Đông mở cuộc tiến công hết sức bất ngờ tiến vào khu đồn bốt Đống Đa, nhanh chóng thọc sâu vào những vị trí trọng yếu của quân Thanh, tiêu diệt sở chỉ huy địch.

Quân Thanh bị tiêu diệt đến 5000 quân, xác chết thành gò trước sức tiến công như triều dâng của nghĩa quân Tây Sơn. Tướng giặc là Sầm Nghi Đống phải treo cổ tự tử ngay tại sở chỉ huy, nghĩa quân Tây Sơn tiếp tục truy đuổi, bao vây doanh trại của chủ tướng giặc Tôn Sỹ Nghị.

Tôn Sỹ Nghị vội vàng vượt cầu phao trên sông Nhị Hà (sông Hồng) tháo chạy. Tàn quân Thanh thấy vậy cũng chen lấn xô đẩy vượt cầu phao đến nỗi cầu phao cũng gãy đứt, quân giặc chết hàng vạn người xác nổi đầy sông. Thăng Long được hoàn toàn giải phóng, đất nước được độc lập.

Trận Ngọc Hồi - Đống Đa đại thắng đã chứng tỏ nghệ thuật quân sự của người "anh hùng áo vải, cờ đào" Quang Trung Nguyễn Huệ, đó là: Thần tốc - Táo bạo - Bất ngờ. Bằng thắng lợi vĩ đại này, dân tộc ta đã đập tan sự xâm lược của quân Thanh, giải phóng hoàn toàn kinh thành Thăng Long, giữ vững nền độc lập dân tộc.

Đền thờ Quang Trung là một điểm đến tâm linh đặc biệt ở thành phố Vinh. Ảnh: Tư liệu

Chiến thắng này còn đánh dấu việc nhà Tây Sơn chính thức thay nhà Lê trong việc cai quản đất Bắc Hà và trong quan hệ với nhà Thanh.

Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa là một chiến công vĩ đại, có ý nghĩa lịch sử trọng đại và tiêu biểu trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. 

Hướng về cội nguồn

Hằngnăm, Đền thờ Hoàng đế Quang Trung có 2 ngày lễ lớn đó là: Ngày 29 tháng 7 âm lịch – ngày mất của Hoàng đế Quang Trung và ngày mùng 5 tháng Giêng âm lịch - ngày Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.

Biểu diễn trống đồng tại Lễ kỷ niệm Ngày mất của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ. Ảnh tư liệu: Thanh Thủy

Nhằm tôn vinh công lao to lớn người anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ đã có công chống giặc ngoại xâm thống nhất đất nước. Đồng thời đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo các giá trị văn hóa tâm linh và tình cảm của nhân dân đối với Hoàng đế Quang Trung; tiếp tục tuyên truyền, quảng bá sâu rộng và phát huy giá trị văn hóa tâm linh đối với Đền thờ Hoàng đế Quang Trung, gắn với các hoạt động nhằm phát triển dịch vụ, du lịch.

Lễ kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa sẽ được tổ chức long trọng tại Đền thờ Hoàng đế Quang Trung trên núi Dũng Quyết (thành phố Vinh) vào dịp mùng 5 tháng Giêng năm Kỷ Hợi 2019.

Để chuẩn bị chu đáo cho lễ kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa năm nay, Ban tổ chức đã lên kế hoạch trước đó hàng tháng, phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng thành viên; phối hợp tổ chức công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân và du khách được biết.

Để lễ giỗ Hoàng đế Quang Trung được tổ chức chu đáo, ngay từ trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, Ban quản lý Đền thờ Hoàng đế Quang Trung đã xây dựng kế hoạch tổ chức giao cụ thể các phần việc cho từng thành viên, trong đó xác định công tác tuyên truyền được đặt lên hàng đầu.

Chương trình nghệ thuật tưởng nhớ công đức Hoàng đế Quang Trung. Ảnh tư liệu: Thanh Thủy

Cụ thể, cùng với xây dựng phóng sự trên Đài Phát thanh -Truyền hình tỉnh Nghệ An, Báo Nghệ An, Đài Truyền thanh - Truyền hình thành phố, còn tổ chức tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở các phường, xã; treo băng rôn, khẩu hiệu trên các tuyến đường, các khu vực trung tâm thành phố, đặc biệt tập trung đoạn đường từ Ngã tư Cầu Bến Thủy lên đến Đền thờ Hoàng đế Quang Trung; cắm cờ chuối, cờ hội dọc hai bên đường từ bãi giữ xe lên đến Đền thờ; dựng 2 cụm pa - nô thông báo về chương trình lễ kỷ niệm đặt tại chân núi đầu đường lên Đền thờ và bãi giữ xe…

Lễ kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa hàng năm đã trở thành ngày hội mong chờ của rất nhiều người dân trong vùng, bà Hoàng Thị Hiền (phường Trung Đô) năm nay 48 tuổi cho biết: "Những ngày giáp Tết, ngoài tuyên truyền những nét đẹp truyền thống của Tết cổ truyền, hệ thống phát thanh của phường cũng dành thời lượng để tuyên truyền Lễ kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa vào ngày mùng 5 Tết cho nhân dân biết. Đây là lễ kỷ niệm mà người dân ai ai cũng háo hức mong chờ. Như gia đình tôi, không chỉ dịp ngày rằm, mùng một mà dịp Tết, dịp giỗ Hoàng đế Quang Trung, chúng tôi cũng đều dành thời gian để lên đền thắp hương, tưởng niệm vị danh nhân đã có công lớn gìn giữ non sông đất nước".

Núi Dũng Quyết, Đền thờ Hoàng đế Quang Trung trở thành điểm đến hấp dẫn cho giới trẻ, nhân dân cũng như du khách. Ảnh tư liệu Sách Nguyễn

Còn với chị Ngô Thúy Hà (37 tuổi) ở phường Trường Thi (thành phố Vinh) thì từ lâu Đền thờ Hoàng đế Quang Trung đã trở thành điểm đến du lịch văn hóa tâm linh vào dịp đầu Xuân của gia đình. Các con của chị cũng rất thích thú khi đến Đền thờ Hoàng đế Quang Trung, bởi nơi đây từ lâu đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, khơi dậy niềm tự hào trong tâm thức của người dân thành phố.

Ông Vũ Hồng Đức – Trưởng ban quản lý Đền thờ Hoàng đế Quang Trung cho biết: Lễ kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa năm nay, cùng với các hoạt động như Lễ tưởng niệm Hoàng đế Quang Trung và các anh hùng nghĩa sỹ, còn có các hoạt động: Dâng hoa, tiến cỗ, biểu diễn võ thuật và hát văn ca ngợi Hoàng đế Quang Trung.

Lễ kỷ niệm được tổ chức trọng thể, an toàn, tiết kiệm, nghi thức tưởng niệm Hoàng đế Quang Trung long trọng, tạo được không khí thiêng liêng, hướng về cội nguồn, thực hiện đúng quy trình và hướng dẫn của cơ quan chức năng.

Chương trình Lễ kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa

Từ 7h30‘ - 8h15‘: Lễ tâm linh của Đạo tràng Phật An

Từ 8h15‘ - 8h30‘: Đón tiếp đại biểu

Từ 8h30‘ - 8h55‘: Chương trình nghệ thuật chào mừng

Từ 8h55‘ - 9h05‘: Khai mạc giới thiệu đại biểu

Từ 9h05‘ - 9h15‘ : Đọc diễn văn buổi lễ

Từ 9h15‘ - 9h30‘: Lễ dâng hương

Từ 9h30‘: Tổ chức thi kéo co nam, nữ và các hoạt động vui Xuân