Cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đang bị điều tra với cáo buộc nhận tiền phi pháp từ cố tổng thống Libya Muammar Gaddafi để phục vụ chiến dịch tranh cử năm 2007. Cuộc điều tra khiến nhiều người nhớ đến việc Sarkozy từng thương lượng thành công với Gaddafi về việc dẫn độ 6 nhân viên y tế, gồm 5 người Bulgaria và một người Palestine, chỉ vài tháng sau khi ông nhậm chức vào tháng 5/2007, theo Time.
Những người này bị cáo buộc cố tình khiến 426 trẻ em nhiễm HIV vào năm 1998 tại bệnh viện Nhi El-Fatih ở Benghazi, Libya. Đến tháng 8/2007, 56 trẻ đã qua đời. Mặc dù các chuyên gia hàng đầu thế giới đã gửi thư đến tòa án ở Libya, nói rằng lỗi không nằm ở các nhân viên y tế mà ở tình trạng vệ sinh kém tại bệnh viện, 6 người này vẫn bị kết án tử hình. Sau khi họ kháng cáo, tòa án tối cao ở Libya vẫn giữ nguyên bản án vào đầu tháng 7/2007. Những nỗ lực quốc tế để phóng thích họ đều lâm vào bế tắc.
Sarkozy đã khởi động một chiến dịch bí mật để thuyết phục Gaddafi và đạt được tiến triển lớn khi Libya ngày 17/7/2007 quyết định giảm án cho 6 người nói trên xuống còn tù chung thân. Trong vòng hai tuần, Sarkozy cử vợ mình, Cecilia và các quan chức Pháp đi cùng cao ủy đối ngoại EU đến Tripoli hai lần để thảo luận về tình trạng của 6 tù nhân.
Ngày 24/7/2007, Sarkozy thông báo Libya đồng ý dẫn độ tù nhân về Bulgaria. Họ rời khỏi Libya trên một chiếc máy bay của chính phủ Pháp. Thực tế, Libya không xóa án cho các nhân viên y tế mà cho phép họ về chịu án ở Bulgaria, theo thỏa thuận trao đổi tù nhân giữa hai nước năm 1985. Ngay sau khi hạ cánh ở Sofia, họ được Tổng thống Bulgari Georgi Parvanov ân xá (nhân viên y tế Palestine đã được nhập tịch Bulgari một tháng trước đó).
Để đạt được điều này, Pháp đã ký kết với Libya hiệp ước về an ninh, y tế, hỗ trợ quản lý biên giới và học bổng cho sinh viên Libya ở EU. Ngoài ra, Pháp còn ký thỏa thuận bán tên lửa chống tăng MILAN trị giá 230 triệu USD và bán ba trạm phát điện hạt nhân dân sự cho Libya. Tuy nhiên, Sarkozy nói rằng thỏa thuận bán vũ khí và hạt nhân không liên quan đến việc thương lượng dẫn độ tù nhân.
EU khẳng định họ không trả tiền bồi thường cho các trẻ em nhiễm bệnh. Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu cam kết đóng góp 461 triệu USD vào Quỹ quốc tế Benghazi để hỗ trợ việc điều trị bệnh nhân và xây bệnh viện nhi mới ở Benghazi. Ngoài ra, Bulgaria còn xóa khoản nợ 57 triệu USD của Libya.
Ngay sau khi Libya dẫn độ tù nhân, Sarkozy đã lập tức đến thăm nước này và gặp Gaddafi vào hôm sau. Ông sau đó mời Gaddafi thăm Pháp trong một chuyến thăm kéo dài 5 ngày tháng 12/2007, bất chấp sự phản đối của nhiều quan chức Pháp và châu Âu.
Ngoại trưởng Pháp Bernard Kouchner cũng bày tỏ sự ngần ngại về chuyến thăm này. "Tôi đành phải đón tiếp ông ấy vì việc đó là cần thiết", ông nói, ám chỉ chuyến thăm của Gaddafi là nhằm đáp lại việc dẫn dộ tù nhân.
Các đồng minh của Sarkozy cũng nhấn mạnh đây là hành động có đi có lại. "Việc Libya trao trả nhân viên y tế Bulgari là xứng đáng để có một chuyến thăm", cựu thủ tướng Pháp Jean-Pierre Raffarin lập luận.
Tổng thống Bulgaria Georgi Parvanov đã gửi lời cảm ơn đến Sarkozy, nói rằng ông đánh giá cao vai trò tích cực của Tổng thống Pháp và phu nhân trong việc giúp đỡ công dân nước họ. Sarkozy được chào đón nồng nhiệt khi đến thăm Bulgaria vào tháng 10/2007.
Giới phân tích cho rằng cuộc giải cứu thành công đã khiến Sarkozy có được chiến thắng ngoại giao lớn. Ông thể hiện được mình là người sẵn sàng làm việc với các quốc gia "khó chơi" như Iran, Syria và Libya. Đồng thời, ông cũng cho thấy mình là nhà lãnh đạo hành động có trách nhiệm và xứng đáng được cộng đồng quốc tế tôn trọng.
Khi trả lời thắc mắc của nhiều người rằng vì sao Sarkozy lại nỗ lực như vậy để giải cứu những người không phải là công dân nước mình, Sarkozy nói: "Trong tim tôi, các y tá đó là người Pháp. Họ là người Pháp vì họ bị hàm oan, họ đã phải chịu đựng khó khăn và chúng tôi phải đưa họ rời khỏi nơi đó".