Các tổ hợp S-300 sẽ được tích hợp vào hệ thống phòng không hiện được triển khai tại Syria và các quân nhân Syria sẽ được huấn luyện thao tác vận hành tổ hợp phòng không này trong ba tháng, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu phát biểu ngày 2/10.
Tổ hợp phòng không S-300 được Nga chuyển giao cho Syria chỉ một thời gian ngắn sau khi trinh sát cơ IL-20 nước này bị phòng không Syria bắn nhầm hôm 17/9, khiến 15 quân nhân Nga thiệt mạng. Nga cáo buộc phi công Israel điều khiển tiêm kích F-16 núp sau chiếc IL-20 xấu số và biến trinh sát cơ này thành con mồi cho tên lửa của phòng không Syria.
Tuy nhiên, trong tuyên bố bàn giao xong S-300 cho Syria, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu không đề cập đến Israel, cho thấy việc chuyển giao S-300 cho Syria là một phần trong tính toán chiến lược của Tổng thống Nga Vladimir Putin và vụ trinh sát cơ IL-20 bị bắn rơi là chất xúc tác đẩy nhanh quá trình này, Pfeffer nhận định.
"S-300 khó có thể ngăn Israel tấn công các mục tiêu Iran tại Syria, nhưng tổ hợp này sẽ thay đổi cách thức hoạt động của quân đội Israel. Điều này đồng nghĩa với việc Israel phải quay lại hoạt động bí mật giống như thời điểm trước khi các chính trị gia và tướng lĩnh cao cấp của Israel tự hào tuyên bố quân đội nước này thực hiện hàng trăm vụ không kích nhằm vào Syria", chuyên gia này nói.
Quân đội Israel (IDF) có đủ kinh nghiệm, kiến thức và trang bị để tránh không bị S-300 phát hiện. Năm 2015, IDF từng tập trận đối phó với S-300 tại Hy Lạp. Tuy nhiên việc quân nhân Nga tham gia vận hành các khẩu đội S-300 ở Syria sẽ khiến IDF phải lưu ý hơn. Các thiết bị tiên tiến hơn trong tổ hợp S-300 cũng giúp phòng không Syria tránh sự cố đáng tiếc như vụ bắn nhầm trinh sát cơ IL-20 Nga.
Pfeffer cho rằng ngoài mục đích giúp Syria xây dựng hệ thống phòng không tiên tiến để đối phó với Israel, việc chuyển giao S-300 còn có thể nằm trong kế hoạch của Tổng thống Putin với tuyên bố ngày 4/10 rằng tất cả các lực lượng nước ngoài cuối cùng đều phải rời khỏi Syria.
Putin từng ra lệnh rút dần lực lượng Nga tại Syria khi cuộc chiến chống phiến quân và phe đối lập dần đến hồi kết, tuy nhiên sự cố Il-20 bị bắn rơi và sau đó là việc trang bị S-300 nhiều khả năng đã thúc đẩy Tổng thống Nga đưa ra lựa chọn khác, trong đó có khả năng quân đội Nga vẫn tiếp tục hiện diện lâu dài tại Syria.
Khi cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria lắng xuống cũng là lúc các thế lực bên ngoài tăng cường can thiệp vào quốc gia này nhằm tranh giành ảnh hưởng và áp đặt luật chơi. Trong bối cảnh đó, sự hiện diện quân sự lâu dài của Nga ở Syria có vai trò rất quan trọng.
Chiến dịch tấn công thành trì cuối cùng của quân nổi dậy và phiến quân ở tỉnh Idlib của Syria và Nga đang bị gác lại theo một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ, song việc thống nhất lãnh thổ vẫn là mong muốn lớn nhất hiện nay của chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn.
IS hiện vẫn còn khoảng 30.000 tay súng đang tập hợp lại ở khu vực phía đông Syria. Sự tồn tại của tàn quân IS là cái cớ để Mỹ quyết định tiếp tục duy trì sự hiện diện của lực lượng đặc nhiệm tại Syria nhằm hỗ trợ lực lượng người Kurd tại lưu vực sông Euphrates.
Mới đây, Iran phát động chiến dịch tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào các nhóm Hồi giáo cực đoan Syria bị Tehran cáo buộc đứng sau vụ xả súng tại thành phố Ahvaz.
Những sự kiện dồn dập trong thời gian qua tại Syria, cộng thêm lời đe dọa tiêu diệt tên lửa hành trình của Nga ngay trên bệ phóng do Mỹ đưa ra ngày 2/10, chắc chắn khiến Tổng thống Putin phải có những tính toán dài hạn cho Nga tại Syria mà việc chuyển giao tổ hợp S-300 là một phần của chiến lược này.
"Động thái chuyển giao S-300 của Nga cho Syria hàm ý Moskva sẵn sàng đáp trả nếu bất cứ quốc gia nào thách thức vị thế cùa Nga hiện có tại Syria nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung", Pfeffer nhận định.