Trong một bài viết mới đây trên tờ US News có tiêu đề “50 Years Later, the Tet Offensive in Vietnam Still Resonates” (Tạm dịch: 50 năm sau, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vẫn còn vang vọng), tác giả Kenneth T.Walsh cho rằng, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã để lại những bài học đắt giá cho Mỹ. Báo Quân đội nhân dân giới thiệu nội dung chính bài viết:
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 bắt đầu nổ ra vào rạng sáng ngày 30-1-1968. Hàng vạn binh lính của quân đội Bắc Việt và Việt Cộng đã phối hợp thực hiện hàng loạt các cuộc tấn công bất ngờ vào hơn 100 thành phố, thị xã, thị trấn và các căn cứ của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, gây choáng váng cho cả lính Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa ngay vào đúng dịp năm mới Mậu Thân.
Những bài học từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vẫn còn vang vọng. “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã định hình nên thế giới chúng ta sống hôm nay. Trong đó, dư luận Mỹ vẫn không hoàn toàn tin tưởng rằng, các quan chức Chính phủ sẽ thông tin chính xác cho người dân về những diễn biến bên ngoài. Họ cũng không có niềm tin rằng giới lãnh đạo sẽ hành động đúng...”, sử gia Julian E.Zelizer của Đại học Princeton đã nhận xét như vậy.
Một trong những sự kiện đáng hổ thẹn nhất đối với Mỹ là cuộc tấn công táo bạo của đối phương nhằm vào tòa Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn. Các kênh truyền hình Mỹ đều phát sóng những hình ảnh sắc nét về cuộc tấn công này, khiến dư luận Mỹ và thế giới bất ngờ. Một sự kiện khác cũng phải kể đến là việc đối phương chiếm được thành phố Huế và giao tranh khốc liệt đã kéo dài ba tuần liền tại đây.
Trước cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson và tướng William Westmoreland, Tổng tư lệnh Quân đội Mỹ tại Việt Nam, đã tuyên bố rằng chiến thắng đang ở trong tầm tay. Đến giữa tháng 2/1968, tức là khoảng hai tuần sau khi nổ ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đã có 2.000 lính Việt Nam cộng hòa và 1.000 lính Mỹ bị thiệt mạng trong khi con số bị thương lên đến 12.000 và một nửa trong số này là lính Mỹ. Con số thương vong này tiếp tục gia tăng cho đến khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 kết thúc vào cuối tháng 2-1968.
Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, nhiều người Mỹ nhận ra rằng, tuyên bố của Tổng thống Lyndon Johnson và tướng William Westmoreland là sai lầm. Chính tướng William Westmoreland đã gián tiếp thừa nhận điều đó khi đề nghị bổ sung 200.000 quân để theo đuổi cuộc chiến. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 được các hãng truyền thông Mỹ đưa tin dày đặc.
Một trong những hình ảnh tàn ác nhất, ám ảnh dư luận chính là bức ảnh của hãng tin AP chụp cảnh tướng Nguyễn Ngọc Loan, tổng giám đốc tổng nha cảnh sát quốc gia Việt Nam cộng hòa, rút súng bắn vào đầu một chiến sĩ Việt Cộng bị trói tay ngay trên phố. Người dân Mỹ nhận ra rằng, nước Mỹ không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến này và đã đến lúc phải rút quân khỏi Việt Nam. Phong trào phản chiến tại Mỹ bắt đầu dâng cao.
Đánh giá về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 khi đó, Walter Cronkite, phát thanh viên của đài CBS đã tuyên bố trên sóng truyền hình: “Có một điều chắc chắn hơn bao giờ hết đó là cuộc chiến tranh đẫm máu tại Việt Nam đang rơi vào bế tắc.
Nếu nói rằng chúng ta đang chạm gần tới chiến thắng thì chẳng khác nào chúng ta bỏ qua các bằng chứng thực tế để tin vào những người lạc quan vốn từng phạm sai lầm”.
Đến tháng 3-1968, cuộc thăm dò dư luận của hãng Harris Poll cho thấy, chỉ 26% người dân Mỹ tán thành với cách xử lý cuộc chiến tranh Việt Nam của Tổng thống Lyndon Johnson so với con số 34% hồi tháng 11-1967. “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 cho thấy rằng, Tổng thống Lyndon Johnson và tướng William Westmoreland đang dối trá về việc “tiến tới một điểm quan trọng, tại đó hồi kết bắt đầu ló rạng” như tướng Mỹ từng tuyên bố.
Ngoài những tổn thất gây ra đối với uy tín của Tổng thống Lyndon Johnson, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đầy bất ngờ, phơi bày sự khoác loác của chính quyền Mỹ về một viễn cảnh chiến thắng, đã giáng một đòn đau vào niềm tin của dư luận dành cho chính quyền Mỹ”, sử gia Julian E.Zelizer nhận xét.
Một bài học khác đó là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 cho thấy, mặc dù Mỹ có chiếm ưu thế về quân sự và công nghệ chiến tranh như thế nào đi chăng nữa, thì một đối thủ đầy sự quyết tâm và lòng quả cảm luôn biết tìm cách để giành chiến thắng trong các trận đánh cũng như thuyết phục được dư luận Mỹ phản chiến.
50 năm trước, qua cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, hàng triệu người dân Mỹ ý thức được rằng đối phương sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp độc lập của đất nước mình và đủ khả năng gây thương vong lớn cho quân đội Mỹ. Điều này đã làm suy giảm ý chí chiến đấu của phía Mỹ.
Cuộc chiến tranh Việt Nam đã ám ảnh Lầu Năm Góc trong nhiều thập niên. Cuộc chiến của Mỹ tại Iraq và Afghanistan-cuộc chiến dài nhất trong lịch sử xứ cờ hoa, cho thấy lịch sử có thể lập lại. Hiện nay, kẻ thù trở nên ngày càng đa dạng và phân tán hơn, cả bên ngoài lẫn bên trong nước Mỹ. Những mối đe dọa là có thật. Trong khi đó, sức mạnh của Mỹ cũng có hạn, giống như những gì đã thể hiện rõ nét trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 cách đây nửa thế kỷ.