Chiêm ngưỡng hệ thống tượng cổ đặc sắc ở ngôi chùa làng biển
(Baonghean.vn) - Sau hàng trăm năm tồn tại, chùa Sơn Hải ở xã Nghi Yên (Nghi Lộc) vẫn được gìn giữ, tôn tạo khang trang. Nơi đây còn lưu giữ một hệ thống tượng cổ đặc sắc có giá trị về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật...
13/09/2021 - 07:35
Chùa Sơn Hải được xây dựng vào thời Nguyễn, gồm cổng tam quan và 3 tòa hạ, trung, thượng điện uy nghi. Tam quan chùa Sơn Hải là công trình kiến trúc gốc còn khá nguyên vẹn, đây thực sự là điểm nhấn của di tích, tạo nên ấn tượng trong lòng du khách khi đến tham quan ngôi chùa làng biển này. Ảnh: Huy Thư Tồn tại lâu dài, chùa Sơn Hải là chứng tích lịch sử gắn liền với những thăng trầm của làng La Hoàng nói riêng và xã Nghi Yên nói chung. Năm 2006, với sự đóng góp của người dân địa phương và các mạnh thường quân, chùa đã được trùng tu, tôn tạo lại, xây dựng thêm 2 ngôi điện (tạo thành 1 dãy 5 ngôi điện) và các công trình như điện tam thánh, nhà trù, gác chuông, tọa lạc trong khuôn viên rộng hơn 4.800 m2. Ảnh: Huy Thư Đặc biệt, tại di tích còn lưu giữ được hơn 30 cổ vật có giá trị, như tượng Phật, thánh, thần hộ pháp, hương án, đại tự, câu đối, biển gỗ, chuông đồng... trong đó đặc sắc nhất là hệ thống tượng cổ. Ảnh: Huy Thư Hệ thống tượng cổ ở chùa Sơn Hải khá đa dạng (chủng loại, kích thước) và được thờ theo thứ tự “Phật trước, thánh thần sau”. Điện thứ 3 thờ Phật, điện thứ 4 thờ Tam tòa Thánh Mẫu, điện thứ 5 thờ Tứ vị Thánh Nương (Quốc mẫu đại càn). Trong ảnh: Tượng đức Phật ngồi trên tòa sen với khuôn mặt phúc hậu, từ bi. Ảnh: Huy Thư Tượng Tam tòa Thánh Mẫu (mẫu Liễu Hạnh, mẫu Thượng Ngàn và mẫu Thoải) đặc trưng với kiểu đầu tóc búi, khuôn mặt thánh thiện, kiểu áo giao lĩnh để lộ yếm, hai chân ngồi xếp bằng, hai tay để trên đầu gối. Ảnh: Huy Thư Theo ban quản lý chùa, ngày trước làng La Hoàng (xã Nghi Yên) có nhiều công trình cổ, như đền Cửa Hiền, đền Nẻ, đền Lài, đền Cao Sơn Cao Các, chùa Sơn Hải… Trải qua thời gian, chiến tranh phá hoại, hầu hết các di tích trong vùng đã bị hư hỏng chỉ còn lại ngôi chùa cổ này. Những 60, 70 của thế kỷ trước, khi các đền, chùa xung quanh bị hư hỏng, người dân địa phương đã rước tượng thánh, thần long ngai, bài vị về thờ tại chùa Sơn Hải. Do đó, ngày nay chùa có nhiều loại tượng và là nơi hợp tự cả Phật, thánh, thần Ảnh: Huy Thư Nhìn chung hệ thống tượng cổ chùa Sơn Hải chủ yếu được làm bằng chất liệu gỗ, sơn son thếp vàng. Tuy kích thước không lớn (tượng nhỏ nhất cao 0,2m, tượng lớn nhất cao tầm 0,8m) nhưng nghệ thuật điêu khắc, tạc tượng đạt độ tinh xảo, thể hiện trên từng khuôn mặt, nếp gấp trang phục, thần thái… Trong ảnh: Trang trọng bàn thờ Quốc mẫu Đại Càn. Ảnh: Huy Thư Trong quá trình trùng tu tôn tạo chùa, phần lớn các pho tượng gỗ cổ của chùa Sơn Hải đã được sơn lại khuôn mặt, còn các bộ phận khác của tượng đều giữ nét nguyên sơ. Trong Ảnh: Tượng Quốc mẫu Đại Càn với vẻ đẹp rạng ngời, thanh thoát… Ảnh: Huy Thư Hai pho tượng cổ Phật đản sinh và tượng đức bà có kích thước nhỏ, chỉ cao tầm 0,2m, nhưng khá đặc sắc về nghệ thuật tạo hình. Ảnh: Huy Thư Bên cạnh tượng gỗ, tại chùa Sơn Hải còn có tượng được đắp bằng chất liệu vôi vữa, tiêu biểu nhất là 2 pho tương quan văn, quan võ trong hạ điện. Có thể nói, đây là một trong những ngôi chùa làng biển hiếm có ở tỉnh ta còn lưu giữ được hệ thống tượng cổ phong phú, đa dạng và độc đáo. Ảnh: Huy Thư Ngoài hệ thống tượng pháp, tại di tích còn lưu giữ có nhiều đồ tế khí cổ kính như long ngai, bát hương, hạc gỗ, mâm bồng, câu đối, đại tự… 2 bát hương cổ bằng đồng được chạm khắc hình rồng và mặt hổ phù tương truyền là lễ vật cung tiến của Vua Gia Long khi đến thăm chùa. Biển “Tam tòa Thánh Mẫu” tại điện Thánh Mẫu là đồ tế khí đặc sắc với nghệ thuật chạm khắc tài hoa... Với vẻ đẹp cổ kính và những giá trị lịch sử to lớn, chùa Sơn Hải đã được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh năm 2020. Ảnh: Huy Thư