Cường kích Mirage V là nền tảng giúp Israel xây dựng ngành công nghiệp hàng không quân sự hàng đầu thế giới hiện nay.

 Phi đội Mirage V đầu tiên của Israel.

50 năm trước, ngày 19/5/1967, chiếc cường kích Mirage V bay chuyến đầu tiên từ sân bay Melun-Villaroche ở Pháp. Sự kiện này không chỉ đánh dấu sự ra đời của ngành hàng không quân sự Pháp ngày nay mà còn được coi là ngày thành lập ngành Công nghiệp máy bay Israel, theo War Is Boring.

Mirage V là kết quả của sự hợp tác giữa Pháp và Israel trong thập niên 1950-1960. Thời điểm đó, Lực lượng phòng vệ/không quân Israel (IDF/AF) tìm kiếm một mẫu tiêm kích cánh cụp phản lực hiện đại giống chiếc F-86 Saber của Mỹ, nhưng đề xuất mua của họ bị Washington từ chối.

Israel buộc phải tìm tới tiêm kích MD.450 Ouragan và MD.452 Mystère do Pháp chế tạo. Thành tích chiến đấu xuất sắc của chúng trong Chiến tranh Suez năm 1956 châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang ở Trung Đông.

Đầu năm 1959, IDF/AF để mắt tới dự án Mirage, tiêm kích đánh chặn cánh tam giác có khả năng đạt tốc độ gấp hai lần âm thanh. Israel đặt hàng 24 chiếc Mirage IIICJ vào tháng 5/1960. Chúng được trang bị radar Cyrano I bis để hỗ trợ các tên lửa đối không Matra R.530, loại vũ khí dẫn đường bằng radar đầu tiên tại Trung Đông.

Việc chuyển giao Mirage IIICJ cho Israel bắt đầu vào tháng 4/1962, thời điểm mà đơn hàng đã tăng lên thành 76 máy bay. Tuy nhiên, quá trình vận hành Mirage IIIJC trong không quân Israel không hề suôn sẻ.

Động cơ SNECMA Atar 09B không ổn định và gây ra hàng loạt tai nạn. Radar cũng gặp nhiều vấn đề, gồm cả việc không thể đồng bộ với hai khẩu pháo 30 mm. Tên lửa R.530 gây khó khăn cho phi công trong quá trình vận hành, đòi hỏi hàng nghìn sửa đổi kỹ thuật để giúp Mirage IIICJ đạt hiệu quả trong chiến đấu.

Máy bay Mirage đóng vai trò quan trọng trong Chiến tranh sáu ngày. Ảnh: Pinterest.

Bởi vậy, Israel đã quyết định hợp tác với Pháp để phát triển Mirage V (sau đó được đổi thành Mirage 5)biến thể Mirage đơn giản, rẻ, dễ bảo dưỡng và vận hành hơn. Mẫu cường kích này có khả năng đạt tốc độ 2.500 km/h, trang bị hệ thống điện tử tối giản. Thân máy bay được kéo dài hơn phiên bản Mirage IIICJ, giúp tăng dự trữ nhiên liệu và số giá treo vũ khí. 

Mirage V chứng minh được hiệu quả trong Chiến tranh sáu ngày nổ ra vào tháng 6/1967. Cường kích Israel phá hủy hầu hết phi cơ của không quân các nước Arab láng giềng trước khi chúng kịp cất cánh, tạo điều kiện cho bộ binh Israel giành chiến thắng trên chiến trường.

Tuy nhiên, sau Chiến tranh sáu ngày, Tổng thống Pháp Charles de Gaulle áp đặt hai lệnh cấm vận vũ khí nhằm vào Israel, trong đó gồm một lệnh cấm toàn diện. Quá trình bàn giao 50 chiếc Mirage V chế tạo cho IDF/AF bị hủy hoàn toàn.

Đầu năm 1968, Dassault bí mật ký hợp đồng mang tên "JC3" với Rockwell International để sản xuất máy bay Mirage V ở Israel như một cách lách lệnh cấm vận. Rockwell International tập trung vào sản xuất linh kiện ôtô, nhưng họ quyết định mua lại tập đoàn chế tạo máy bay North America nổi tiếng, sau đó tìm cách phát triển ra nước ngoài.

Thỏa thuận giữa Rockwell với Dassault yêu cầu giao 50 chiếc máy bay dưới dạng bộ phận tháo rời để lắp ráp, trong đó nhiều bộ phận được sản xuất bởi các nhà thầu phụ của Dassault như Aerospatiale và Reims-Cessna. Dassault chỉ sản xuất phần thân trước cho 10 máy bay Mirage V hai chỗ ngồi vào đầu những năm 1970.

Cường kích Mirage V trong biên chế không quân Israel. Ảnh: War is Boring.

Kết quả của những nỗ lực này là sự ra đời của Tập đoàn công nghiệp máy bay Israel (IAI) trong năm 1968. Nhờ hợp đồng bí mật với Dassault, chỉ ba năm sau, IAI cho ra đời chiếc đầu tiên trong 51 cường kích Mirage V, tất cả được lắp ráp từ bộ phận sản xuất ở Pháp, được xác nhận bởi những ký tự khắc trên thân máy bay. Tuy nhiên, IAI vẫn khẳng định phi đội Mirage V có biệt danh Nesher của họ đều được "phát triển và sản xuất tại Israel".

Từ nền tảng này, IAI dần vươn lên trở thành một trong những thế lực lớn trong ngành hàng không quân sự thế giới, giúp Israel trở thành cường quốc không quân trong khu vực. Không quân Israel hiện sở hữu 684 máy bay quân sự các loại, trong đó có những tiêm kích F-15, F-16 hiện đại của Mỹ, cùng những chiếc tiêm kích tàng hình F-35 tối tân trong tương lai.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN