Gùi là một vật dụng bằng tre, mây đan thủ công, được dùng phổ biến trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Gùi thường được dùng để đựng đồ, nhưng có thêm 2 quai để người dân tiện mang, vác trên vai, đặc biệt, có những chiếc gùi lại chỉ có 1 quai, thay vì dùng vai, đồng bào đeo quai gùi trên trán, không phải dùng tay để cầm giữ đồ. Vì vậy, rất thuận tiện khi sử dụng, nhất là khi phải đi xa. Ảnh: Đình Tuyên
Gùi có nhiều kích cỡ to, nhỏ khác nhau, cũng có thể được đan dày hay thưa để đựng nhiều loại đồ dùng, thức ăn, sản phẩm trong lao động… Gùi thường có hình trụ, phía trên miệng gùi rộng để thuận tiện cho việc đựng đồ. Ngoài mây, tre, đồng bào cũng có thể sử dụng cây trúc, cây nứa để đan gùi. Ảnh: Đình Tuyên
Ông Hà Văn Hoàn (70 tuổi), ở bản Long Thắng, xã Hạnh Dịch (Quế Phong) cho biết: Gùi là vật dụng quen thuộc trong đời sống hàng ngày của người dân nơi đây, nhưng không phải ai cũng biết đan một chiếc gùi đẹp. Việc học đan gùi đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ, cẩn thận, vì vậy, hiện nay, không có nhiều người đan gùi thành thạo, thường là người cao tuổi trong thôn, xã đan gùi theo đặt hàng của bà con và sử dụng trong lao động, sinh hoạt của gia đình. Ảnh: Đình Tuyên
Bằng đôi bàn tay khéo léo của mình, người đàn ông đã làm ra nhiều chiếc gùi đẹp dành cho con gái, phụ nữ trong gia đình đeo lên nương, lên rẫy hoặc đi chợ. Ảnh: Đình Tuyên
Khi về các bản làng ở miền núi Nghệ An, không khó để bắt gặp hình ảnh các chị hay các mẹ tóc đã nhuốm màu thời gian mang gùi trên vai đi khắp các nẻo đường. Ảnh: Đình Tuyên
Những hoa văn trang trí trên chiếc gùi được tạo bằng cách đan cài các sợi nan đã được nhuộm màu bằng nhựa cây rừng, hoặc các nan cùng màu bằng cách lật mặt cật hoặc mặt lòng để có 2 màu khác nhau. Các dải hoa văn thường nằm gần miệng, gần đáy hoặc giữa thân gùi, chủ yếu là các đường chỉ đen, hình thoi và vạch chéo nhau... Ở xã Châu Khê (Con Cuông) người dân đã đưa những đường nét hoa văn vô cùng độc đáo trên trang phục của đồng bào dân tộc Thái nơi đây vào trong những chiếc gùi của mình, chính vì vậy, ngoài giá trị sử dụng, các sản phẩm còn có giá trị thẩm mỹ, được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Đình Tuyên
“Từ ngày biết lao động tôi đã đeo gùi trên lưng. Nay cuộc sống của chúng tôi có nhiều thay đổi, nhà cửa khang trang hơn, mua sắm được nhiều nông cụ hiện đại, thế nhưng, thói quen sử dụng gùi vẫn còn. Ở đây phụ nữ chúng tôi không quen dùng làn nhựa đâu, ai cũng đeo gùi cả vì rất tiện lợi”, bà Vy Thị Bình ở bản Diềm, xã Châu Khê (Con Cuông) chia sẻ. Ảnh: Đình Tuyên
Dù cuộc sống đang dần phát triển, nhưng chiếc gùi trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc ở miền Tây Nghệ An vẫn giữ nguyên được giá trị văn hóa. Đặc biệt, người phụ nữ khi đi chợ đều sử dụng gùi thay cho giỏ và làn nhựa, điều này không chỉ giữ gìn văn hóa mà còn góp phần giảm rác thải nhựa ra môi trường. Ảnh: Đình Tuyên