(Baonghean) Trong chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” phát sóng tối ngày  26/8/2012 trên VTV1 có một nội dung liên quan đến tình hình tái định cư của người dân ở Thủy điện Bản Vẽ tỉnh Nghệ An. Trong lá thư gửi tới Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử, một người dân  tái định cư dự án Thủy điện Bản Vẽ hiện ở Thanh Chương hỏi: “Theo quy định về đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư thì nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, nhưng chỗ tôi ở không bằng nơi ở cũ chứ đừng nói là tốt hơn, đất đai bạc màu và không có nước. Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến”. Khán giả đã rất hài lòng khi nghe Bộ trưởng trả lời. Thứ nhất, ông cho biết: Vấn đề người dân nêu  là có thật, ý kiến của người dân là đúng. Thứ hai  là ông đã biết và đã cho kiểm tra. Qua kiểm tra thấy đúng thực trạng như vậy: Nơi ở mới không bằng nơi ở cũ, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là khi chế độ trợ cấp của Nhà nước đã hết.Còn về giải pháp, Bộ trưởng nêu lên một giải pháp thấy rằng có tính đột phá: Đó là các dự án thủy điện phải thấy được sự đóng góp lớn lao của người dân vào dự án, sự hy sinh cả sản nghiệp, đất đai, bản quán để đến một nơi ở mới. Vì vậy, cần phải cho người dân được hưởng cổ tức từ lợi nhuận của các dự án thủy điện, coi như họ đã đóng góp tài sản là đất đai vào dự án.Nhìn lại vấn đề tái định cư  Thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương). Dự án này do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư, đại diện là Ban quản lý thủy điện, tổng nguồn vốn là 7.000 tỷ đồng, đến nay đã đi vào sản xuất ổn định, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, mỗi năm cung cấp khoảng 1,2 tỷ KWh điện. Sự thành công của dự án cũng đồng thời là sự thay đổi lớn về sản nghiệp, ruộng vườn, nhà cửa, điều kiện sinh sống của 3.022 hộ dân vùng lòng hồ. Trong đó 2.123 hộ dân tái định cư đến Thanh Chương, 112 hộ đến Kỳ Sơn, 232 hộ di dân tự nguyện…Được biết, hiện nay do tranh chấp giữa người đến trước và người đến sau, giữa dân bản địa với dân tái định cư, đồng thời trên thực tế quỹ đất chưa đủ, nên công tác chia đất sản xuất tại các khu tái định cư ở Thanh Chương vẫn chưa hoàn thành. Tính đến 30/6/2012: 17/30 bản đã được giao đủ 2.500 m2/khẩu, 4 bản được giao mức 2.000m2/ khẩu, 8 bản được giao đất ở mức dưới 200m2/khẩu. Vì vậy đã có hơn 250 hộ dân tái định cư trở về nơi ở cũ (trong đó đã có 36 hộ đã bán nhà tại khu tái định cư) để sống trong cảnh: không điện, không trường, không trạm…  Mặc dù UBND tỉnh đang chỉ đạo Ban QLDA Thủy điện 2 và UBND huyện Thanh Chương thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, thu hồi đất rừng da báo để có đất sản xuất cho người dân tái định cư và khắc phục nhiều bất cập khác, nhưng đến nay nhiều người dân vẫn chưa quay trở lại khu tái định cư để nhận đất. Càng thấy rằng giải pháp trên của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban  Dân tộc Giàng Seo Phử là đáng suy ngẫm.

Châu Lan