(Baonghean) - Chúng tôi về xã Diễn Vạn, địa phương có chỉ số giảm nghèo khá ấn tượng của huyện Diễn Châu. Ông Đặng Văn Công, Chủ tịch UBND xã cho biết: Diễn Vạn đất chật, người đông, đầu nhiệm kỳ xã có gần 40% hộ nghèo nên xã xác định để giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân, chỉ có cách tốt nhất là tạo việc làm để thu hút lao động. 

Để thực hiện mục tiêu đó, xã xây dựng đề án, tập trung nguồn lực để khôi phục 2 làng nghề làm bánh kẹo, 1 làng nghề làm tăm hương và tạo điều kiện cho bà con phát triển nghề nướng cá. Nhờ có các làng nghề nên đã thu hút được hầu hết lao động nữ nhàn rỗi tham gia, thu nhập mỗi ngày từ 150 - 170 ngàn đồng. Ngoài các nghề trên, các lao động trên địa bàn xã còn có hàng trăm lao động nam làm các nghề khác như san lấp và xây móng nhà, đi lao động xuất khẩu, nuôi trồng thủy sản… Xã cũng kêu gọi Ngân hàng Chính sách huyện và quỹ tín dụng nhân dân xã Diễn Kim mở văn phòng đại diện tại xã cho người dân vay vốn làm ăn với tổng dư nợ gần 10 tỷ đồng/năm; phụ nữ xã xây dựng Quỹ Tình thương hơn 4 tỷ đồng để hỗ trợ hội viên nghèo vay vốn làm ăn. Sau 5 năm nỗ lực giảm nghèo, hiện toàn xã chỉ còn 12% hộ nghèo, bình quân giảm gần 7% hộ nghèo/năm, thu nhập bình quân đầu người gần 20 triệu đồng/năm. 

Gia trại của hộ ông Nguyễn Huy Bình, xóm 7, xã Hưng Tân (Hưng Nguyên).

Diễn Vạn không phải là địa phương duy nhất ở Diễn Châu có tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua từng năm mà các xã như Diễn Kim, Diễn Yên, Diễn Thịnh... cũng đang thoát nghèo nhanh. Bà Chu Thị Lương, Phó Phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết: Trong 5 năm, số hộ nghèo của Diễn Châu giảm từ 13.203 hộ (19,26%) xuống còn 4.234 hộ (5,62%), bình quân giảm 2,57%/năm; thu nhập của người dân được cải thiện đáng kể. “Bí quyết” của Diễn Châu là rà soát, đánh giá, bình xét hộ nghèo một cách thực chất; tùy thuộc vào từng địa bàn, huyện có cơ chế động viên để các địa phương có cách giảm nghèo phù hợp, ưu tiên các giải pháp tạo việc làm, phát triển dịch vụ, tiêu thụ hàng hóa nông sản; đẩy mạnh phát triển ngành nghề phụ ở các xã bãi ngang, ven biển.

Trong khi đó, huyện lúa Yên Thành lại chọn xuất khẩu lao động là hướng đi để giảm nghèo bền vững. Khi tỉnh chưa có cơ chế hỗ trợ cho lao động nghèo đi xuất khẩu, Yên Thành đã mạnh dạn hỗ trợ 2 triệu đồng/học viên thuộc diện nghèo học tiếng tại Trường Trung cấp nghề nông, lâm của huyện. Mỗi năm, Yên Thành đưa được từ 1.100 - 1.200 người đi lao động xuất khẩu, trong đó có nhiều người nghèo. Hiện tại, Trường Trung cấp nghề nông, lâm Yên Thành còn chuẩn bị nguồn trên 2.000 lao động cho các nhà máy may xuất khẩu trên địa bàn, sẽ góp phần giải quyết việc làm và giảm nghèo cho lao động nông thôn. Mỗi năm, Yên Thành tạo việc làm cho trên 3.600 người, góp phần giúp người dân giảm nghèo bền vững. Từ năm 2011 - 2015, Yên Thành giảm hộ nghèo từ 11.614 hộ (17,94%) xuống còn 4.375 hộ (6,29%), mỗi năm giảm được 3%. Bình quân thu nhập đầu người toàn huyện hiện đạt 26 triệu đồng.

Ở Hưng Nguyên lại có những giải pháp hỗ trợ nhân dân giảm nghèo nhanh và bền vững bằng cách tập trung thu hút các dự án, tăng nhanh số doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển công nghiệp, TTCN và làng nghề, kinh tế trang trại, gia trại. Ông Phan Nam, Phó Phòng LĐ-TB&XH huyện cho hay: Trong 5 năm thực hiện chương trình giảm nghèo, huyện đã giải quyết việc làm cho 16.072 lao động, trong đó gần 1 nửa lao động làm việc tại chỗ, số còn lại đi làm ăn trong và ngoài nước. Năm 2015, tỷ lệ lao động không có việc làm toàn huyện giảm còn 5,2% và tỷ lệ sử dụng thời gian lao động nông thôn tăng lên 86,5%, cơ bản đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Năm 2011, số hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm từ 20,75% (5.758 hộ) xuống còn chưa đầy 5% năm 2015; bình quân mỗi năm giảm 3,16%...

Ông Lê Văn Thúy, Trưởng phòng Việc làm, Sở LĐ-TB&XH cho biết: Những năm qua, ngành đã khâu nối khá hiệu quả, tham mưu kịp thời các cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực vào nhiệm vụ giảm nghèo. Trên cơ sở mục tiêu, định hướng và kế hoạch của tỉnh, các địa phương đã có những cách làm chủ động và sáng tạo để thực hiện hiệu quả việc giảm nghèo. Nhờ các cơ chế, chính sách và cách làm sáng tạo trên, Nghệ An từ chỗ còn 142 xã có hộ nghèo, chiếm 30% và hộ nghèo chiếm tới 22,89% đầu nhiệm kỳ, nhưng đến nay tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,5%, bình quân mỗi năm giảm 3%, cao hơn bình quân chung cả nước (1,8-2%/năm). Đây là những bước tiến ấn tượng trên con đường giảm nghèo bền vững, nâng cao mức sống của nhân dân.

Nguyễn Hải