(Baonghean) - Mấy ngày qua, báo chí ồ ạt đưa tin, viết bài về một vụ trộm vặt xảy ra ở Lâm Đồng. Sẽ chẳng ầm ĩ lên như thế, nếu nghi phạm chính không phải là nhân vật từng làm cả nước rúng động vì chuyện bị ngược đãi, hành hạ như nô lệ thời trung cổ ở một trang trại nuôi tôm ở tít xứ miền Tây Nam bộ. Câu chuyện từ chỗ đầy bi thương thoắt cái xoay sang chiều hướng giống như một chuyện cổ tích thời hiện đại. Kẻ gian ác bị trừng trị, đứa trẻ hiền lành, chất phác được “giải cứu” và làm lại cuộc đời trong vòng tay cưu mang của gia đình và những người xa lạ nhưng lương thiện và giàu lòng trắc ẩn. Thế nhưng, gió đã đổi chiều… Và trong sự “đổi chiều” đó có nhiều chuyện đáng để ngẫm nghĩ lắm.

Hơn 5 năm trước, cậu bé Hào Anh đã khiến cả cộng đồng người Việt xôn xao, rơi nước mắt vì bị vợ chồng chủ một trại tôm nhỏ hành hạ, đọa đày không khác gì một con vật. Những người ở gần thì vội vã xông đến an ủi, chăm bẵm, vỗ về. Những người ở xa không đến thăm hỏi, sẻ chia được thì gửi bạc tiền đến ủng hộ coi như là một cách xoa dịu nỗi đau cả về thể xác lẫn tâm hồn của đứa trẻ bất hạnh. Tạo một chỗ dựa vật chất, mở ra điều kiện thuận lợi cho đứa trẻ không may có cơ hội đổi đời. Lúc đó cả xã hội như sôi lên với Hào Anh và gửi gắm vào đó không biết bao nhiêu là tình cảm và ước mong, kỳ vọng là với sự đùm bọc, cưu mang vô bờ bến đó cậu bé sẽ nên người. Và câu chuyện cổ tích do chính họ viết ra sẽ có hậu. Cậu bé sẽ trở thành một biểu tượng cho lòng nhân ái, bao dung của người Việt ta.

Nhưng đời thường lắm chuyện éo le và tréo ngoe. Càng hy vọng bao nhiêu thì càng thất vọng bấy nhiêu. Cậu bé đáng thương ngày nào đã lớn lên. Nhưng lớn lên không đúng như kỳ vọng của bao người. Năm ngoái, khi đã đủ tuổi thành niên, được quyền sử dụng, chi tiêu những đồng tiền mà những người hảo tâm đã ủng hộ, cậu bé đã trở thành một thanh niên tiêu tiền, ăn chơi bạt mạng chẳng khác gì các thiếu gia nhà giàu. Thay điện thoại, đổi xe liên tục kèm những trận nhậu ngút trời. Và rồi cậu đã từng đuổi mẹ và cha dượng ra khỏi ngôi nhà được xây cất lên từ chính những đồng tiền của các nhà hảo tâm. Khi bị mọi người lên án và bị xử phạt hành chính vì tội đuổi người nhà ra khỏi nơi cư trú hợp pháp, cậu đã tự hứa là “Con sẽ làm lại. Con sẽ sống tự lập nuôi bản thân”. Một lần nữa, người ta lại hy vọng sẽ có một sự đổi thay tích cực từ cậu thanh niên nổi tiếng và rắc rối này.

Nhưng rồi tất cả những ai đã từng quan tâm dõi theo cuộc sống của bé Hào Anh đã thật sự bị “sốc” nặng khi được tin “nhân vật cổ tích trong đời thường” mà mình từng ưu ái, o bế bị bắt giam vì tội trộm cắp vào hôm 6/7 vừa rồi. Người ta thất vọng, người ta buồn, người ta hoàn toàn có quyền trách chàng thanh niên hư đốn đã phụ lòng tốt, niềm tin của bao người tốt bụng. Bởi lỗi hoàn toàn do chính cậu ta gây ra. Nhưng thử hỏi ngoài cho tiền và trao những lời an ủi, yêu thương ra đã có ai nghĩ tới việc phải bảo ban, hướng dẫn chu đáo, tận tình cho cậu ta về tinh thần trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội chưa? Người ta cứ nghĩ, đủ 18 tuổi là đương nhiên trưởng thành theo kiểu trăng đến rằm trăng khắc tròn. Nhưng với một cậu bé bị bạo hành từ khi còn nhỏ, không được dạy dỗ, giáo dục đầy đủ, đúng hướng lại thiếu vắng tình thương của cha mẹ thì không thể nào bình thường như bao thanh niên khác. Nên số tiền hơn 800 triệu đồng vào tay cậu ta đã nhanh chóng tan vèo theo mây khói. Để rồi trong cơn túng quẫn cậu ta đi ăn trộm. Ăn trộm không phải vì “đói ăn vụng” (cậu không đói bởi lương tháng đã 5, 6 triệu đồng). Nhưng “túng làm liều” thì có vì đã quen phóng tay tiêu tiền rồi.

Mà không chỉ chàng thanh niên Hào Anh này mới thế. Còn có không ít thanh niên khác trong xã hội ngày nay cũng có cung cách sống vô trách nhiệm với chính bản thân mình và xài tiền bừa bãi. Bởi không ít bậc làm cha, làm mẹ cứ lăn lưng ra kiếm tiền với suy nghĩ lo cho con cái sung sướng là được mà quên đi việc phải lo sao cho con cái mình có ý thức trách nhiệm với bản thân và với đồng tiền. Thế nên, đã có không ít cậu ấm, cô chiêu con nhà quyền quý trở thành tội phạm trong phút chốc chỉ vì đã quen tiêu xài hoang phí. Thế nên mới có chuyện là để không làm hư con cái, không ít nhà triệu phú, tỷ phú đã không để lại cho con, cháu nhiều bạc tiền của cải vì muốn con cái mình phải tự lao động kiếm tiền. Bởi chỉ tự đổ mồ hôi, sôi nước mắt kiếm từng cắc bạc một, người ta mới biết quý trọng đồng tiền, mới biết dùng tiền đúng cách. Chỉ có như thế mới nên người được. Tháng 5 vừa rồi, tỷ phú Hong Kong Yu Pang Lin qua đời, để lại di chúc không cho con một đồng nào và hiến toàn bộ tài sản trị giá khoảng 2 tỷ USD làm từ thiện với lập luận: “Nếu các con tôi giỏi hơn tôi thì chẳng cần phải để nhiều tiền cho chúng. Nếu chúng kém cỏi thì có nhiều tiền cũng chỉ có hại cho chúng mà thôi”. Bill Gates - người giàu nhất thế giới cũng từng tuyên bố sẽ chỉ để lại cho con 0,05% tổng tài sản. Tỷ phú Warren Buffett viết di chúc chỉ để lại 10% tài sản của mình cho con, còn lại là làm từ thiện... Họ làm như vậy vì họ hiểu rằng có một thứ còn quý giá hơn tiền, quan trọng hơn tiền. Đó chính là việc trang bị cho con cái ý thức trách nhiệm với chính mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và năng lực để thực hiện trách nhiệm đó. Họ cũng ý thức được ẩn họa của việc cho lớp trẻ dùng những đồng tiền không có mùi mồ hôi của mình. Trở lại chuyện Hào Anh, nếu đi kèm những đồng tiền bác ái, gia đình, cộng đồng và xã hội tiếp tục theo sát dành cho tình thương, sự chăm chút và cả sự kiên nhẫn bù đắp những thiếu hụt cần có thì sự thể có khi đã khác.

Qua đây mới thấy, cho tình thương, bạc tiền chưa đủ mà còn cần phải trang bị trách nhiệm, rèn dũa kỹ năng sống nữa mới đủ. Chỉ tiền không thôi là không ổn.

Bụt Sơn