(Baonghean) - Ở tỉnh ta, hệ thống trường THPT ngoài công lập đã làm tốt “sứ mệnh” trong một giai đoạn lịch sử, nhưng hiện nay, các trường đang phát triển khó khăn, cần một định hướng rõ ràng cho loại hình này.
Số học sinh giảm mạnh
Vào những năm cuối của thập kỷ 90 của thế kỷ trước và những năm đầu thế kỷ 21, thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, nhiều trường THPT ngoài công lập ở Nghệ An đã ra đời và làm tốt “sứ mệnh” khi mà các quy mô các trường công lập không thể đáp ứng nhu cầu học tập của một số lượng lớn học sinh.
Ở thời điểm đó, quy mô các trường THPT ngoài công lập có tới cả nghìn học sinh và hàng chục lớp học, ví như Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (TP Vinh) có thời điểm lên đến 2.500 học sinh với 45 lớp; Trường THPT Nguyễn Trãi (thành phố Vinh) có 27 lớp với 11.000 học sinh; hay như Trường THPT Đinh Bạt Tụy (Hưng Nguyên), chỉ riêng khối 10, có năm đã tuyển 334 học sinh...
Song, những năm gần đây, các trường THPT ngoài công lập phát triển rất khó khăn do quy mô học sinh và số lớp giảm mạnh. Có một số trường chỉ còn duy nhất 1 lớp ở mỗi khối như Trường THPT Nguyễn Trãi chỉ có 3 lớp ở 3 khối, với tổng 100 học sinh; hay như Trường THPT Nguyễn Huệ (thành phố Vinh) cũng chỉ có 3 lớp ở 3 khối với 69 học sinh.
Ở một số trường như THPT Đinh Bạt Tụy (Hưng Nguyên), THPT Nguyễn Du, Nguyễn Văn Tố, Quang Trung (huyện Diễn Châu), quy mô học sinh lớn hơn, bình quân trên 300 học sinh/trường, nhưng so với trước cũng đã giảm rất nhiều. Khi không huy động được học sinh thì sẽ không có đội ngũ giáo viên chất lượng vào phục vụ trong các trường ngoài công lập (thực tế một số trường, nhiều giáo viên dạy giỏi đã chuyển sang các trường công lập hoặc chuyển công tác khác), dẫn đến chất lượng giáo dục các trường THPT ngoài công lập thấp.
Có thể khẳng định, việc giảm quy mô học sinh ở bậc THPT diễn ra mấy năm gần đây là xu hướng chung ở cả các trường công lập và ngoài công lập mà nguyên nhân là do giảm quy mô học sinh cơ học, do phân luồng học sinh học nghề từ lớp 9 nên một lượng học sinh không học lên bậc THPT. Tuy nhiên, quá trình cùng đoàn khảo sát của Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh về quy hoạch mạng lưới trường lớp và hoạt động các trường THPT ngoài công lập, chúng tôi đã ghi nhận được nhiều ý kiến cho rằng, đang có sự phân biệt và bất bình đẳng giữa các trường THPT công lập và ngoài công lập trong việc phê duyệt kế hoạch, chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm.
Thầy giáo Dương Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi, cho biết: “Trước đây chủ trương tuyển sinh được thực hiện theo tỷ lệ: 60% nguồn dành cho công lập và 40% dành ngoài công lập, nhưng hiện tại tỷ lệ này không đảm bảo”. Ở góc độ khác, thầy giáo Trần Hoàng Hà - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ, cho rằng: “Mặc dù hàng năm Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt kế hoạch, chỉ tiêu tuyển sinh, nhưng một số trường THPT công lập có “điều kiện” xin thêm chỉ tiêu, sở cũng đồng ý “theo” các trường, khiến các trường ngoài công lập đã khó khăn càng khó khăn hơn”.
Theo Nghị quyết số 70/2012/NQ-HĐND ngày 13/12/2012 của HĐND tỉnh, quy định tỷ lệ huy động học sinh vào các trường công lập là 85% và ngoài công lập 15%; nhưng thực tế mấy năm gần đây tỷ lệ này không những không được đảm bảo mà đang có chiều hướng đi xuống. Nếu như năm học 2012 - 2014, tỷ lệ tuyển sinh ở các trường ngoài công lập là 14,3% thì năm học 2016 - 2017 chỉ còn 7,9%. Số trường ngoài công lập chỉ tiêu phát triển là 21 trường, nhưng hiện chỉ có 18 trường; trong khi đó công lập chỉ tiêu phát triển là 69 trường nhưng hiện tại là 72 trường.
Phát triển theo hướng nào?
Việc đa dạng hóa các loại hình giáo dục được coi đây là hướng mở trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo để huy động sức dân, giảm “gánh nặng” cho ngân sách và tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong giáo dục. Bởi vậy, việc duy trì và phát triển các trường THPT ngoài công lập là điều cần thiết, nhất là hiện nay học sinh tiểu học đang có sự tăng đều.
Tuy nhiên, để giải quyết khó khăn trước mắt, theo ý kiến của Hiệu trưởng các Trường THPT ngoài công lập thì cần có giải pháp giảm số học sinh trong các trường công lập và tăng ở trường ngoài công lập. Đồng tình với ý kiến trên, đồng chí Hồ Phúc Hợp - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh cũng yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo cần thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 70 của HĐND tỉnh trong việc phê duyệt kế hoạch tuyển sinh hàng năm; đảm bảo tỷ lệ tuyển sinh, 85% nguồn dành cho công lập và 15% nguồn dành cho các trường ngoài công lập.
Bên cạnh quan tâm giải quyết vấn đề trước mắt thì cần phải tính đến đường hướng phát triển lâu dài cho các trường THPT ngoài công lập theo đúng quy luật. Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn Thị Kim Chi, cần khuyến khích hình thành, phát triển các trường ngoài công lập chất lượng cao để thu hút những học sinh có điều kiện kinh tế và nhu cầu vào học, nhằm giảm bớt nguồn ngân sách đầu tư. Trên địa bàn cả nước đã có một số địa phương làm được điều này như thành phố Hà Nội với Trường THPT Đoàn Thị Điểm, Lương Thế Vinh; thành phố Hồ Chí Minh với THPT Nguyễn Khuyến...
Trong khi đó, việc phát triển của hệ thống trường THPT ngoài công lập trên địa bàn tỉnh đang đi ngược lại quy luật và phát triển rất èo uột, học sinh chủ yếu là con em những gia đình khó khăn. Thầy giáo Lê Văn Phớt – Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh, khẳng định: “Mục đích khi thành lập các trường ngoài công lập là để thu hút nguồn lực trong xã hội chứ không phải hình thành một hệ thống trường lớp THPT có chất lượng giáo dục thấp”.
Đưa ra một số dự báo về nhu cầu học lên bậc THPT ngày càng ít đi do thực hiện chủ trương phân luồng (đến năm 2020 sẽ có 30% học sinh tốt nghiệp THCS chuyển sang học nghề và chỉ có 70% học lên THPT), thầy Phớt cho rằng, cần tập trung củng cố một số trường có chất lượng, còn những trường không có khả năng hoặc quá ít học sinh thì cần chuyển hướng sang đào tạo nghề.
Cùng đề cập đến hướng đi của các trường ngoài công lập, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh Thái Văn Thành cho rằng: “Trước yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay thì với cơ sở vật chất hiện có, cộng với học sinh của các trường ngoài công lập chủ yếu là con em các gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn thì sẽ không đáp ứng được. Muốn phát triển, tự thân các trường phải nâng cao chất lượng giáo dục, đồng thời thể hiện sự nổi trội về môi trường giáo dục văn hóa, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục làm người cho học sinh, kể cả dạy tiếng Anh để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu lao động và du học của học sinh. Để hiện thực hóa vấn đề này, các trường THPT ngoài công lập phải tăng cường thu hút đầu tư, trao đổi quốc tế và về phía các cấp chính quyền, các ngành liên quan cũng cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo ra những cơ chế, chính sách phù hợp cho các trường phát triển”.
Mai Hoa