(Baonghean.vn)Kỷ luật cá nhân vi phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm người nhà; Thủ tướng yêu cầu tổng kiểm tra biển số xe quân đội; 13 cơ quan không báo cáo kết quả giám sát tài chính;... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng. 

1. Kỷ luật cá nhân vi phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm người nhà

Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ  tịch UBND các tỉnh, thành phố xem xét, có hình thức xử lý kỷ luật đối với cá nhân vi phạm pháp luật trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/4/2017.

Bộ Nội vụ theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ nêu trên của các cơ quan, địa phương.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Nội vụ tăng cường thanh tra công vụ; kịp thời chấn chỉnh tiêu cực, vi phạm trong công tác quản lý cán bộ; rà soát các quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức và đề xuất phương án hoàn thiện, khắc phục bất cập trong công tác quản lý cán bộ, công chức thời gian qua, lưu ý những vi phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm người nhà của người có chức vụ, quyền hạn.

2. Thủ tướng yêu cầu tổng kiểm tra biển số xe quân đội

Thủ tướng yêu cầu tổng kiểm biển số xe quân đội. Ảnh TN.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an và các địa phương thực hiện tổng kiểm tra, rà soát biển số xe quân đội trên phạm vi toàn quốc.

Trước đó, báo Thanh niên ngày 15/3/2017 có bài: "Biển đỏ giả tung hoành" phản ánh trong thời gian vừa qua, tình trạng nhiều tài xế xe container, xe tải gắn biển số đỏ giả chạy bạt mạng, chở quá tải... trên đường phố.

Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an và các địa phương thực hiện tổng kiểm tra, rà soát biển số xe quân đội trên phạm vi toàn quốc.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp gắn biển số đỏ giả lưu thông trên các tuyến đường.

3. 13 cơ quan không báo cáo kết quả giám sát tài chính

Ảnh minh họa.

13 cơ quan đại diện chủ sở hữu không thực hiện báo cáo gồm: Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Y tế; Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ; tỉnh An Giang; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; tỉnh Bắc Giang; tỉnh Cao Bằng; thành phố Cần Thơ; tỉnh Đắk Lắk; tỉnh Kon Tum; tỉnh Phú Yên; tỉnh Quảng Trị; tỉnh Sơn La. 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Văn phòng Chính phủ công khai các cơ quan đại diện chủ sở hữu không thực hiện báo cáo kết quả giám sát tài chính theo quy định trên Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý theo quy định của pháp luật đối với người có trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu không gửi báo cáo về Bộ Tài chính theo quy định tại Điểm e Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 6/10/2015 của Chính phủ về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

4. Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xử lý vụ vỡ đập bùn thải

Hiện trường vỡ bể chứa quặng thiếc của xí nghiệp thiếc Suối Bắc, Quỳ Hợp, Nghệ An.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương xử lý vụ việc vỡ đập bùn thải khai thác thiếc tại xã Châu Thành, huyện Qùy Hợp, tỉnh Nghệ An.

Trước đó, trong các ngày 12-13/3, báo Nghệ An điện tử, báo Lao động điện tử và nhiều báo điện tử khác có nhiều tin bài phản ánh về vụ việc vỡ đập chứa bùn thải khai thác thiếc trên đỉnh núi Lan Toong, xã Châu Thành, huyện Qùy Hợp, tỉnh Nghệ An của Xí nghiệp thiếc Suối Bắc (thuộc Công ty cổ phần kim loại màu Nghệ Tĩnh).

Về vụ việc này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương xử lý vụ việc, khắc phục hậu quả xảy ra đối với môi trường; thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường của doanh nghiệp khai thác thiếc để xảy ra sự cố vỡ đập bùn thải, xử lý nghiêm nếu có sai phạm.

5. Thủ tướng chỉ đạo không cấp biển số 80A, 80B cho DN

Ảnh minh họa.

Trên cơ sở báo cáo của Bộ Công an, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an nghiêm túc thực hiện việc cấp biển số ô tô ký hiệu 80, theo nguyên tắc chỉ cấp cho các cơ quan Trung ương, một số ban, bộ, ngành...; đồng thời, xe phải mua sắm có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước. 

Tuyệt đối không cấp biển số ô tô ký hiệu 80 cho doanh nghiệp, bất kể loại hình nào.

Theo tinh thần này, yêu cầu Bộ Công an khẩn trương sửa đổi Thông tư số 15/2014/TT-BCA ngày 04/4/2014 quy định về đăng ký xe.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an kiên quyết thu hồi biển số 80A, 80B của 516 xe đã cấp cho các doanh nghiệp như đã xác định, hoàn thành trước ngày 30 tháng 6 năm 2017, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.

6. Áp dụng cơ chế tài chính đối với Cục Sở hữu trí tuệ

Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định áp dụng cơ chế tài chính đối với Cục Sở hữu trí tuệ.

Cụ thể, Cục Sở hữu trí tuệ được áp dụng cơ chế tự chủ tài chính như đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư theo quy định tại Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế của đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị định 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập và các văn bản hướng dẫn thi hành các Nghị định này.

Cục Sở hữu trí tuệ được sử dụng nguồn thu phí được để lại để chi cho các hoạt động của Cục, trong đó có chi đầu tư; chi mua sắm, sửa chữa lớn tài sản, máy móc thiết bị; chi bổ sung thu nhập cho người lao động để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Quyết định có hiệu lực từ 5/5/2017 và áp dụng từ năm ngân sách 2017.

7. Kiện toàn Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo

Ảnh minh họa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định kiện toàn Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 - 2021 (Ủy ban). Theo Quyết định, Chủ tịch Ủy ban là Thủ tướng Chính phủ. Phó Chủ tịch Ủy ban là Phó Thủ tướng Chính phủ.

Các Ủy viên Thường trực gồm: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Các Ủy viên gồm: Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi  đồng của Quốc hội; Lãnh đạo Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Bộ trưởng Bộ Tài chính; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Lãnh đạo Bộ Y tế; Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.

Tổng Thư ký Ủy ban là Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ.

8. Nhân bản bản ghi hình ca múa nhạc cấm lưu hành bị phạt đến 25 triệu đồng

Ảnh minh họa.

Theo đó, phạt tiền từ 15-20 triệu đồng đối với hành vi nhân bản bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu chưa được cấp giấy phép phê duyệt nội dung.

Phạt tiền từ 20-25 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Nhân bản bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu đã có quyết định cấm lưu hành hoặc quyết định thu hồi, tịch thu, tiêu hủy; nhân bản bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực, đồi trụy.

Đối với hành vi bán, cho thuê hoặc lưu hành bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu chưa được cấp giấy phép phê duyệt nội dung thì sẽ bị phạt tiền từ 10-15 triệu đồng. 

Hành vi bán, cho thuê hoặc lưu hành bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu có nội dung đã có quyết định cấm lưu hành hoặc quyết định  thu hồi, tịch thu, tiêu hủy sẽ bị phạt tiền từ 15-20 triệu đồng. 

Phạt tiền từ 20-25 triệu đồng đối với hành vi tàng trữ, phổ biến trái phép bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu có nội dung đã quyết định cấm phổ biến hoặc quyết định thu hồi, tịch thu, tiêu hủy.

9. Không để hình thành các băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”

Ảnh minh họa.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Ban Chỉ đạo 138 các cấp và các cơ quan chức năng cần nâng cao hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tội phạm, chú trọng triển khai các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch phối hợp.

Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong phòng, chống tội phạm, tập trung tuyên truyền nâng cao kiến thức pháp luật tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng khó khăn, nơi trình độ người dân còn hạn chế dễ bị lợi dụng phạm tội, nhất là tội phạm ma túy, mua bán người và tụ tập gây rối….

Bên cạnh đó, phát động sâu rộng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tích cực tham gia cảm hóa, giúp đỡ, tạo điều kiện việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, giải quyết kịp thời, ngay từ cơ sở các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân.

10. Siết chặt quản lý ô tô nhập khẩu theo diện biếu, tặng

Ảnh minh họa.

Theo Công văn số 2714/VPCP-KTTH ban hành chiều 23/3, sau khi Bộ Tài chính có báo cáo số 56/BTC-TCHQ ngày 4/1/2017 về tình hình nhập khẩu xe tô tô theo diện quà biếu, quà tặng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường, chấn chỉnh công tác quản lý, xác định trị giá hải quan đối với xe ô tô nhập khẩu cũng như các loại tài sản có giá trị khác theo diện quà biếu, quà tặng để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, bảo đảm thu đúng, thu đủ thuế vào ngân sách Nhà nước.

Bộ Tài chính chủ động nắm tình hình, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung và tổ chức thực hiện chặt chẽ, không để xảy ra kẽ hở, buông lỏng trong quản lý xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN