1. Rà soát tất cả các dự án BOT đường bộ
Việc huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông theo hình thức Hợp đồng BOT là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đặc biệt là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.
Thông qua việc thu hút mạnh mẽ nguồn lực xã hội, đã tạo được diện mạo mới về kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt trong lĩnh vực đường bộ và hàng không. Các công trình giao thông đã từng bước phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần tăng năng lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
2. Đơn giản hóa TTHC thuộc quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Theo đó, nội dung đơn giản hóa liên quan đến thủ tục hành chính trong 5 lĩnh vực: 1- Thành lập và hoạt động của doanh nghiệp; 2- Thành lập và hoạt động của hợp tác xã; 3- Đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài; 4- Đầu tư tại Việt Nam; 5- Đấu thầu.
Trong đó, với lĩnh vực thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, đơn giản hóa nhóm 5 thủ tục: Đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân; đăng ký thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; đăng ký thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên; đăng ký thành lập công ty cổ phẩn; đăng ký thành lập công ty hợp danh; nhóm 3 thủ tục: Đăng ký thành lập công ty TNHH một thành viên từ việc tách doanh nghiệp; đăng ký thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên từ việc tách doanh nghiệp; đăng ký thành lập công ty cổ phần từ việc tách doanh nghiệp;...
3. Hành động “Không còn nạn đói”
Sáng kiến “Không còn nạn đói” được Tổng Thư ký Liên hợp quốc đưa ra tại Hội nghị Phát triển bền vững Rio+20 ở Brazil vào tháng 6/2012 liên quan đến việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững Thiên niên kỷ 2 (MDG 2) về đảm bảo an ninh lương thực và xóa đói giảm nghèo nhằm bảo đảm phát triển bền vững hệ thống sản xuất, tăng năng xuất sản xuất và thu nhập của các hộ nông dân nhỏ, dân cư có đủ lương thực, không còn trẻ em dưới 2 tuổi suy dinh dưỡng, không có thất thoát và lãng phí lương thực, thực phẩm.
4. Xử lý các cá nhân để 213 container quá cảnh nhưng không xuất cảnh
Xét báo cáo của Bộ Tài chính về việc xác định trách nhiệm vụ việc 213 container hàng hóa quá cảnh nhưng không xuất cảnh, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại văn bản số 11101/VPCP-V.I ngày 18/10/2017 của Văn phòng Chính phủ; chỉ đạo Tổng cục Hải quan khẩn trương tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm khắc đối với cá nhân liên quan, kể cả người đứng đầu các cơ quan, đơn vị để xảy ra vụ việc 213 container hàng hóa quá cảnh nhưng không xuất cảnh theo đúng Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 1/2/2018.
5. Sửa đổi quy định bảo đảm kinh phí hoạt động của BHXH
Cụ thể, sửa đổi Điều 12 về bảo đảm kinh phí hoạt động của cơ quan bảo hiểm xã hội trong việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
Kinh phí hoạt động của cơ quan bảo hiểm xã hội trong việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế được bố trí trong dự toán chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về quản lý tài chính đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2018.
6. Nghiên cứu thông tin báo nêu về xuất khẩu trực tuyến
Ngày 8/12/2017, Báo Đầu tư chứng khoán có nêu về việc doanh nghiệp Việt Nam lãng phí nhiều cơ hội khi chưa tận dụng được thế mạnh của xuất khẩu trực tuyến và ước tính chỉ có 1% doanh nghiệp xuất khẩu biết cách ứng dụng xuất khẩu trực tuyến để có đơn hàng.
Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu thông tin nêu trên để có biện pháp xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
7. Phát triển đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và các quốc gia, địa bàn trọng điểm
Mục tiêu Đề án nhằm phát triển mạng đường bay quốc tế giữa Việt Nam và các thị trường trọng điểm của Việt Nam gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Ma-lai-xia, Nga, Đức, Úc, Pháp, Anh và Ấn Độ cũng như các thị trường tiềm năng khác như Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, Nam Phi... của các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài để thúc đẩy đầu tư phát triển, tăng cường giao lưu, hội nhập quốc tế.
Phát triển hoạt động hàng không với hoạt động du lịch để đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế; phát huy vai trò doanh nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa về du lịch; toàn ngành du lịch phải có sự đột phá trong phát triển du lịch, đến năm 2020, Việt Nam thu hút được 17 đến 20 triệu lượt khách quốc tế, tổng giá trị du lịch đóng góp từ 10 đến 12% GDP và giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ USD.
8. Quy định mới về quản lý, sử dụng tài sản công
Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công về các nội dung sau: Thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định: Giao, mua sắm, thuê, xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; sử dụng tài sản công để tham gia dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư; mua sắm, thuê, phê duyệt phương án xử lý tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước; quản lý, sử dụng tài sản công được Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp…